| Hotline: 0983.970.780

Ở nơi người dân mong có điện nhiều năm nay

Thứ Ba 09/10/2018 , 14:30 (GMT+7)

Nằm cách trung tâm chưa đầy 20km nhưng nhiều năm qua, hàng chục hộ dân thôn Gò Tranh, xã Long Sơn, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) phải sống trong cảnh không có điện lưới để sinh hoạt, SX.

Để có điện thắp sáng, lâu nay họ phải tận dụng nguồn nước suối để lắp đặt các tua bin nước nhưng cũng chỉ đáp ứng phần nào. Đối với bà con, có điện đã là một cái gì vô cùng khó khăn chứ chưa kể đến việc tiếp cận với các thiết bị điện tử thông thường như tivi, quạt điện...

22-08-46_3
Hàng chục hộ dân ở Gò Tranh tự bỏ tiền ra mua tua bin nước về phát điện

Nếu tính từ UBND xã Minh Long đến thôn Gò Tranh chưa đầy chục cây số, thế nhưng cuộc sống của người dân nơi đây tách hẳn với thế giới bên ngoài bởi sự cách trở về giao thông. Phải mất gần 1 giờ đồng hồ, chúng tôi mới có thể vượt qua được con đường đèo gập ghềnh đá sỏi để đến được với Gò Tranh.

Thôn chia thành 3 xóm, xóm Gò Nay, xóm Gò Tranh giữa và xóm Gò Tranh trên, có 113 hộ dân và 487 nhân khẩu, hầu hết đều là người dân tộc H’re sinh sống. Hiện tại, chỉ duy nhất xóm Gò Nay có điện lưới thắp sáng. Còn xóm Gò Tranh giữa và xóm Gò Tranh trên có 35 hộ dân với hơn trăm nhân khẩu.

Những năm qua, để có điện sáng, các hộ dân trong xóm đều phải dành dụm tiền mua tua bin nước về đặt ở con suối cạnh làng để phát điện. Mặc dù vậy, nguồn điện cũng chỉ sử dụng mỗi năm được 6 tháng. Đến mùa khô hay mùa lũ thì mọi người lại quanh quẩn bên những chiếc đèn dầu, bếp lửa...

Chị Đinh Thị Khuê (30 tuổi, xóm Gò Tranh giữa) cho biết: “Điện từ tua bin có công suất nhỏ nên chỉ đủ dùng để thắp sáng được 2 bóng đèn hình chữ U chứ không thể sử dụng các thiết bị khác. Nhưng 2 tháng nay do suối đã cạn nước nên tua bin không chạy. Bây giờ nhà tôi sử dụng điện từ pin năng lượng mặt trời nhưng cũng đủ sạc cho 2 cái đèn pin. Tối đến, một cái để dành cho các con học bài, cái còn lại thì có việc gì gấp mới dùng tới”.

22-08-46_2
Để có điện vào mùa khô, người dân ở Gò Tranh phải sử dụng pin năng lượng mặt trời

Không điện nên những thiết bị điện tử, đồ dùng hiện đại cũng trở nên xa vời với người dân. Khi mà nhiều vùng quê khác, tivi, đài, nồi cơm điện, tủ lạnh, máy giặt... đã trở nên rất đỗi bình thường thì tại xóm Gò Tranh, lại là những món đồ xa xỉ. Xa xỉ vì có sắm những thứ này về cũng chỉ để... ngắm.

Trong căn nhà bà Đinh Thị Tri (44 tuổi, xóm Gò Tranh giữa), ngoài 2 chiếc bóng đèn chiếu sáng công suất nhỏ nhưng đã lâu không dùng thì không có thêm bất kỳ một thiết bị sử dụng điện nào khác. Khi được hỏi sao không mua quạt điện, tivi, bà Tri thật thà: “Có mua về cũng có chạy được mô vì điện từ tua bin nước yếu lắm. Cả nhà mua được chiếc điện thoại di động cũ nhưng mỗi lần hết pin phải chạy đi nhà người quen ở xóm khác xạc nhờ".

Cả làng ai cũng mong sớm có điện lưới quốc gia để được sử dụng các đồ điện khác nhưng không biết đến bao giờ mới có. Lúc đó thì mấy đứa nhỏ không phải học bài bằng đèn pin nữa, xóm làng cũng không còn buồn mỗi khi tối đến như bây giờ. Chứ hiện nay, vì không có điện nên buổi tối không biết làm gì, cứ đến khoảng hơn 7 giờ là mọi người đều đã đi ngủ cả.

22-08-46_1
Các em nhỏ ở xóm Gò Tranh dùng đèn pin để học bài

Ông Võ Văn Gấm, Phó chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, xã cũng đã kiến nghị lên cấp trên để kéo điện tới xóm Gò Tranh giữa và xóm Gò Tranh trên nhưng đâu đầu nhất vẫn là kinh phí. Trước mắt, xã đã kiến nghị và được HĐND huyện thống nhất qua năm 2019 sẽ làm đường bê tông để người dân đi lại đỡ vất vả. Còn việc kéo điện lưới quốc gia thì sẽ đưa vào kế hoạch trung hạn và ngồi chờ đến khi nào có tiền mới làm.

“Dù biết cuộc sống không có điện trăm bề khốn khó nhưng để kéo điện lên xóm giữa và xóm trên cần rất nhiều thời gian và kinh phí, chưa kể xóm trên số hộ dân quá ít. Chính quyền cũng chỉ giúp đỡ bằng cách hỗ trợ mua máy phát điện tua bin nước để người dân dùng tạm, đồng thời Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thường lên thăm hỏi, sửa chữa máy móc cho bà con”, ông Gấm cho biết.

 

Xem thêm
Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn, Vĩnh Long có vi phạm, khuyết điểm

Đó là kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sau Kỳ họp thứ 52, tổ chức từ ngày 9 đến 11/12, do ông Trần Cẩm Tú chủ trì tại Hà Nội

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.