| Hotline: 0983.970.780

OCOP - Sân chơi lớn phát triển kinh tế nông thôn

Thứ Hai 11/01/2021 , 08:59 (GMT+7)

Số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng chiếm 55,74% tổng số sản phẩm OCOP cả nước, trong đó một số tỉnh vượt trội như Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn…

Thành tựu lớn

Đánh giá về kết quả triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, chương trình đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền ở các địa phương, cùng sự đồng lòng tham gia, ủng hộ của các doanh nghiệp, hợp tác xã và đông đảo người dân.

Sự phù hợp về định hướng, tiếp cận của Chương trình OCOP trong việc hỗ trợ phát triển các sản phẩm, phát huy được lợi thế, tiềm năng về điều kiện sản xuất, giá trị về sản phẩm được hình thành gắn với cộng đồng, người dân; thúc đẩy sự phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn, phù hợp với điều kiện sản xuất quy mô nhỏ, phân tán của các sản phẩm quy mô cấp huyện, xã, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc…

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương, khu vực miền Bắc gồm các tỉnh miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng hiện đã có 22/25 tỉnh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Số lượng sản phẩm được đánh giá, phân hạng chiếm 55,74% tổng số sản phẩm OCOP của cả nước, trong đó một số tỉnh có số lượng sản phẩm OCOP cao nhất cả nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Giang, Bắc Kạn…

Sản phẩm nấm Phú Gia của Công ty TNHH công nghệ sinh học nấm Phú Gia (Thái Nguyên) hội tụ các điều kiện đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Sản phẩm nấm Phú Gia của Công ty TNHH công nghệ sinh học nấm Phú Gia (Thái Nguyên) hội tụ các điều kiện đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 5 sao. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đã được các tỉnh khu vực phía Bắc ưu tiên, tập trung triển khai và mang lại những kết quả tích cực, trở thành khu vực triển khai Chương trình OCOP hiệu quả và đồng bộ nhất của cả nước. Trong đó, địa phương tiêu biểu đi đầu trong việc tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu là Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Lào Cai…

Một số tồn tại của chương trình OCOP miền Bắc đã được xác nhận như quá trình nhận thức và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chưa xác định rõ vai trò, vị trí của chương trình, dẫn đến quá trình triển khai còn thiếu bài bản; Bộ máy tổ chức triển khai chương trình chưa đồng bộ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ tham mưu, triển khai còn thiếu và yếu; Thiếu các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm mới, thúc đẩy sản phẩm chế biến, ngành nghề truyền thống với lợi thế và tiềm năng của các địa phương; Sự tham gia của các chủ thể vào chương trình chưa được chủ động; Sản phẩm OCOP đôi khi vẫn còn điểm yếu về việc áp dụng các quy định quản lý chất lượng, ghi bao bì, nhãn mác, sở hữu trí tuệ; Hoạt động xúc tiến thương mại tại nhiều địa phương còn manh mún, thiếu đồng bộ, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP…

Thống nhất nhận thức, hành động

Cơ quan chức năng và người tham gia sân chơi OCOP ở các địa phương đều chung quan điểm, OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn gắn với đơn vị làng, xã để phát huy nội lực, sức sáng tạo, hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa gắn với cộng đồng… 

Nhiều giải pháp đã được phân tích sâu như: Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương; xây dựng hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP; nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao quy trình - công nghệ sơ, chế biến; quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng.

Tập trung ghi nhận và đánh giá tiếng nói từ cơ sở, Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Chủ tịch Hội đồng OCOP Quốc giá cho rằng, OCOP là sân chơi nhân văn, giữ lại lao động ở vùng nông thôn với cơ sở là thu nhập tốt, từ đó tạo cú hích cho phát triển kinh tế nông thôn. Thứ trưởng đặc biệt ấn tượng với các địa phương vùng cao đã tạo ra được nhiều sản phẩm thể hiện vai trò, sức sáng tạo của người dân.

Thứ trưởng gợi ý, các địa phương miền bắc còn nhiều sản phẩm tiềm năng, cần rà soát và phát triển. Phát triển OCOP là xây dựng phần ngọn còn gốc của chương trình chính là làng nghề, là du lịch cộng đồng gắn vỡi xây dựng nông thôn mới bền vững.

Thứ trưởng nhấn mạnh, trong năm 2021, yếu tố du lịch cộng đồng đối với sản phẩm OCOP sẽ đưa vào tiêu chí chấm điểm với sản phẩm OCOP cấp quốc gia (đạt 5 sao). Ngoài ra, các sản phẩm OCOP phải hội tụ đủ 4 điều kiện cơ bản gồm: vùng nguyên liệu, nguồn nhân lực tại địa phương, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và phải được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý.

Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương cần huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP. Đồng thời, phải có sự giám sát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm đạt OCOP, tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng mượn mác OCOP làm ảnh hưởng đến địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.