| Hotline: 0983.970.780

OCOP Đắk Lắk giúp thay đổi tư duy sản xuất

Thứ Tư 18/11/2020 , 08:35 (GMT+7)

Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân, nâng cao giá trị sản phẩm, từng bước đưa nông sản Đắk Lắk vươn ra thị trường.

Nâng tầm giá trị sản phẩm

Trong số 12 sản phẩm vừa được Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP của tỉnh Đắk Lắk đánh giá thì có tới 11 sản phẩm tiêu biểu, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 3 sao. Điều này cho thấy, để tham gia chương trình OCOP các địa phương ở Đắk Lắk đã lựa chọn những sản phẩm đặc trưng và có thế mạnh.

Công ty TNHH SX&TM Cà phê Vương Thành Công tham gia Hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Sóc Trăng. Ảnh: M.Hậu.

Công ty TNHH SX&TM Cà phê Vương Thành Công tham gia Hội nghị kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Sóc Trăng. Ảnh: M.Hậu.

Bột ca cao nguyên chất của Cty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na, huyện Krông Ana) là sản phẩm duy nhất đạt 4 sao tổng số 11 sản phẩm tiêu biểu. Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty cho biết, sản phẩm bột ca cao nguyên chất Nam Trường Sơn đã từng được đánh giá chất lượng sản phẩm qua các hệ thống chứng nhận ISO. Nhưng Cty vẫn tham gia đánh giá chứng nhận sản phẩm OCOP.

“Chúng tôi muốn khẳng định lại chất lượng ca cao của địa phương từ đó có thể liên kết hợp tác sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm của loại cây này trong cộng đồng”, ông Quang chia sẻ.

Là một trong 10 sản phẩm OCOP được đánh giá 3 sao, thương hiệu Tinh bột nghệ Kim Luyến (xã Ea H’đing, huyện Cư M'gar) cũng một lần nữa khẳng định chất lượng sản phẩm và củng cố thêm chỗ đứng trên thị trường. Bà Trần Thị Kim Luyến, chủ cơ sở cho biết, để bảo đảm nguồn hàng cho người tiêu dùng, bà đã đầu tư hàng trăm triệu đồng trang bị máy móc chế biến, hoạt động liên tục từ sáng đến tối.

Đến nay, các sản phẩm của cơ sở sản xuất tinh bột nghệ Kim Luyến được tiêu thụ ở Mỹ, Nhật Bản, Singapore và nhiều địa phương trên cả nước như Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bến Tre... Trung bình mỗi năm, cơ sở của bà Luyến sử dụng khoảng 80 tấn nghệ tươi, sản xuất khoảng gần 2 tấn tinh bột nghệ vàng, nghệ trắng truyền thống. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về mỗi năm khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 7 lao động với mức lương mỗi tháng từ 5 - 6 triệu đồng/người. 

“Việc tham gia đánh giá sản phẩm theo chương trình OCOP là cách để đơn vị sản xuất mạnh dạn đặt mình vào những phân tích, đánh giá cụ thể để có thể nhận diện rõ những hạn chế, thiếu sót, tiếp tục đúc rút kinh nghiệm để hoàn thiện mình”, bà Luyến cho hay.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giúp khai thác hiệu quả thế mạnh của từng địa phương. Đặc biệt, việc các địa phương lựa chọn kỹ các sản phẩm để tham gia OCOP đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk trao chứng nhận OCOP cho các đơn vị. Ảnh: B.Trọng. 

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk trao chứng nhận OCOP cho các đơn vị. Ảnh: B.Trọng. 

 Chúng tôi đang tiếp tục hướng đến việc đánh giá các sản phẩm OCOP đi sâu hơn về chất lượng sản phẩm, gắn trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức tham gia. Phải làm sao OCOP là cơ hội để cho các địa phương đưa ra những sản phẩm có sức cạnh tranh  và sức hút cho thị trường trong và ngoài nước” ông Dương nói.

Thăm dò ý kiến: Theo bạn hai sản phẩm bột ca cao Nam Trường Sơn và tinh bột nghệ Kim Luyến đạt mấy sao?

Đón đầu thị trường

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, đề án OCOP của tỉnh Đắk Lắk có tổng nguồn vốn hơn 101 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2019-2020, địa phương đã cơ bản hoàn thiện tổ chức bộ máy OCOP từ tỉnh đến huyện, xã; chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hoàn thiện chu trình thường niên; xây dựng hệ thống hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện theo chương trình thường niên; triển khai hệ thống xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP Đắk Lắk. 

Trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, bên cạnh việc đánh giá hiệu quả, duy trì 27 sản phẩm của giai đoạn 1, tỉnh Đắk Lắk sẽ phát triển thêm 57 sản phẩm mới tăng dần theo các năm và tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi; phát triển mới từ 30-40 tổ chức kinh tế tham gia OCOP; phát triển 3-5 chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.

Sản phẩm bột ca cao nguyên chất của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn được thị trường trong và ngoài nước yêu thích. Ảnh: M.Hậu.

Sản phẩm bột ca cao nguyên chất của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn được thị trường trong và ngoài nước yêu thích. Ảnh: M.Hậu.

Cũng theo ông Dương, tỉnh Đắk Lắk hiện có 140 sản phẩm thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm thực phẩm; nhóm đồ uống; nhóm thảo dược; nhóm vải và may mặc; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Trong đó, có 11 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng (nhóm thực phẩm có 6 sản phẩm; nhóm đồ uống: 4 sản phẩm; nhóm dịch vụ du lịch có 1 sản phẩm); 4 sản phẩm đã đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

“Phát huy tốt thế mạnh thế mạnh về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nhất là khả năng dự báo thị trường, tin chắc rằng Đề án OCOP Đắk Lắk sẽ thực hiện nhanh hơn nữa sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Đồng thời, đây sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác ở Đắk Lắk kết nối thị trường, hoàn thiện sản phẩm để tham gia vào hệ thống các siêu thị của BigC, Coopmart, Vinmart…”, ông Dương khẳng định .

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 140 sản phẩm thế mạnh với 6 nhóm sản phẩm, gồm: Nhóm thực phẩm; nhóm đồ uống; nhóm thảo dược; nhóm vải và may mặc; nhóm dịch vụ du lịch nông thôn. Mục tiêu đến hết năm 2020 tỉnh Đắk Lắk sẽ hoàn thiện, nâng cấp 27 sản phẩm OCOP trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ, du lịch nông thôn hiện có; công nhận/chứng nhận 1- 2 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 10-12 sản phẩm 3- 4 sao cấp tỉnh; phấn đấu xây dựng 1- 2 làng du lịch sinh thái cộng đồng, làng văn hóa gắn với khu dân cư nông thôn kiểu mẫu.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.