| Hotline: 0983.970.780

OCOP tạo sức bật phát triển kinh tế nông thôn Đắk Nông

Thứ Tư 04/11/2020 , 08:10 (GMT+7)

Những tín hiệu tích cực từ Chương trình OCOP đã tạo nên sức bật mới cho sự phát triển kinh tế nông thôn ở tỉnh Đắk Nông.

 Giữ vững thương hiệu

Sản phẩm cà phê bột Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An, huyện Đắk Mil là một trong số 2 sản phẩm vừa được Hội đồng thẩm định tỉnh Đắk Nông đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao.

Cà phê bột Đắk Đam được xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao: Ảnh: Bảo Trọng.

Cà phê bột Đắk Đam được xếp hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao: Ảnh: Bảo Trọng.

Ông Võ Quyết, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An cho biết, trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng sản phẩm của HTX vẫn giữ được các đơn hàng có giá trị lớn ở các thị trường xuất khẩu. Hiện vùng nguyên liệu của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An đang liên kết với 58 hộ dân trồng 125 ha cà phê sạch phục vụ chế biến cà phê bột Đắk Đam.

“Cà phê bột Đắk Đam của HTX trước đó từng được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu chuẩn cấp tỉnh  năm 2018; sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu chuẩn cấp khu vực và được tổ chức FAIRTRADE chứng nhận đạt tiêu chuẩn… Cà phê bột Đắk Đam hiện có mặt tại thị trường các tỉnh, thành phố trong nước. Sản phẩm cà phê bột Đắk Đam đã và đang nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân và sự phát triển của HTX”, ông Võ Quyết cho biết.

So với các sản phẩm  đạt tiêu chuẩn OCOP được công nhận trong đợt vừa qua, các sản phẩm chế biến từ sachi  tiêu thụ mạnh ở các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan,...

Bà Bùi Thị Kiều Xuân, Giám đốc Công ty CPTM Sachi Tây Nguyên (Đắk Nông) cho biết, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu ở thời điểm này đều giảm 30% so với khi chưa xảy ra dịch Covid-19. Trong khi đó, chi phí sản xuất, vận chuyển lưu kho tăng cao. Ngoài ra, về phía đối tác nhập hàng cũng yêu cầu doanh nghiệp sản xuất cập nhật thường xuyên quá trình sản xuất, chế biến, số lượng hàng đóng gói trong ngày tại cơ sở.

“Công việc này cũng chiếm khá nhiều thời gian nhưng để tạo niềm tin, Công ty đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của đối tác. Trong 3 tháng gần đây, sản phẩm hoàn thành đều được Công ty ký gửi, không lưu kho tại nhà máy chế biến.  Sản xuất kinh doanh trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh nên cơ sở tìm mọi cách đáp ứng yêu cầu của đối tác, hạn chế tối đa chi phí phát sinh”, bà Xuân chia sẻ.

Dù khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhưng 2 dòng sản phẩm cà phê bột, cà phê hạt của Công ty TNHH Hoàng Phát ở thôn Kẻ Đọng, xã Đức Minh, huyện ĐắkMil (Đắk Nông) đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao đã mở ra cơ hội mới tiếp cận thị trường.

Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, măng cụt của trang trại trái cây Gia Ân ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa xuất khẩu đi Hà Lan. Ảnh: Bảo Trọng.

Sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, măng cụt của trang trại trái cây Gia Ân ở xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa xuất khẩu đi Hà Lan. Ảnh: Bảo Trọng.

Bà Trương Thị Thanh Lam, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát  cho biết, cùng với việc chú trọng về chất lượng sản phẩm, Công ty đã không ngừng cải tiến mẫu mã,  đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng. Gần đây, sản phẩm của Công ty được giới thiệu đến các cửa hàng tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước và được người tiêu dùng chú ý.

“Kể từ khi được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP tại ĐắkMil các công ty, doanh nghiệp bắt đầu tiếp cận với thị trường mới, tạo niềm tin đối với khách hàng truyền thống nâng cao giá trị sản phẩm”, bà Lam cho biết.

Thăm dò ý kiến: Theo bạn sản phẩm cà phê bột Đắk Đam đạt mấy sao?

Tạo động lực cho nông thôn

Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới. Lần đầu tiên được tổ chức triển khai đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, chương trình đã thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, HTX và các cơ sở sản xuất. Các mẫu mã tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP rất phong phú, đa dạng và đều phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương.

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông cho biết, các sản phẩm được công nhận OCOP đợt 1 năm 2020 đều có chất lượng tốt, đáp ứng những yêu cầu theo bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trong đó, nhiều sản phẩm có nét đặc trưng được chú ý. Trong số 22 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt OCOP cấp tỉnh, có 2 sản phẩm ở huyện Đắk Mil đạt hạng 4 sao gồm: dầu sachi của Công ty Cổ phần Sachi Tây Nguyên và cà phê bột Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An. 20 sản phẩm còn lại đều đạt 3 sao.

“Việc đánh giá các sản phẩm tham gia xếp hạng OCOP lần đầu tiên dựa trên nhiều tiêu chí. Trong đó chú trọng về chất lượng, hiệu quả đối với cộng đồng, bảo vệ môi trường và thị trường tiêu thụ tốt. Không chỉ đem lại hiệu quả đối với đơn vị có sản phẩm, chương trình OCOP sẽ góp phần quảng bá, nâng tầm hình ảnh của Đắk Nông trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện giảm nghèo bền vững tại địa phương”

Ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Nông

Các sản phẩm này đều đã trải qua vòng đánh giá, xếp hạng của hội đồng đánh giá cấp huyện, thành phố trước đó. Từ những tiềm năng và lợi thế, các huyện, thành phố đã quyết tâm đưa các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh đến với Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

“Quá trình triển khai, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông sản được chính quyền các địa phương hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đánh giá. Ngay tại địa phương, các sản phẩm nông sản chất lượng cũng đã được trưng bày, giới thiệu tại những hội chợ thương mại để quảng bá thế mạnh, tiềm năng, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ”, ông Tuấn Anh cho biết.

Cũng theo ông Tuấn Anh, đối với các sản phẩm tham gia chế biến sâu, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nông sản được hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc. Đây là cơ sở để đạt các tiêu chí chứng nhận sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP cũng nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm và thu nhập cho cộng đồng, tạo ra công ăn việc làm, phục hồi và phát triển sản phẩm truyền thống, tạo ra sự hấp dẫn cho khu vực nông thôn, giúp thu hút nguồn lao động, nguồn vốn cho khu vực này. Các đơn vị tham gia xác định, sản phẩm được công nhận OCOP sẽ góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Dựa trên kinh nghiệm triển khai phong trào “mỗi làng, xã, phường một sản phẩm” của một số quốc gia và tỉnh, thành phố trong cả nước, tỉnh Đắk Nông xác định tiềm năng, thế mạnh sẵn có trong sản xuất nông nghiệp để triển khai Chương trình OCOP.

Để OCOP phát triển hơn, trong thời gian tới Đắk Nông sẽ tập trung vào mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Thăm dò ý kiến: Theo bạn sản phẩm dầu sachi Tây nguyên đạt mấy sao?

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

Bình luận mới nhất