- Thấy bảo cái cây đó có cái thế gì gọi là… là long cái gì gì thủy đấy, à nhớ ra rồi, là thế long cuốn thủy.
Nghe chị Mai kháo vậy, chị Hà hỏi:
- Sao chị lại biết là long cuốn thủy?
- Thì tôi nghe con Tươi nó bảo vậy, thì biết vậy, chứ hỏi tôi, thì thà hỏi cái đầu gối còn hơn.
Chị Hòa tắc lưỡi:
- Con Tươi sướng thật, lấy được anh chồng giỏi giang, chỉ có mỗi việc buôn cây cảnh mà giàu nứt đố đổ vách. Thấy bảo nhà nó có cả vườn cây cảnh mấy trăm gốc, cây nào ít nhất cũng trăm triệu.
Nghe mọi người xôn xao vậy, chị Ngừng bật cười:
- Cây cảnh mà có trăm triệu, thì ra cái đếch gì. Cây cảnh nhà tôi, có giả cả tiền tỷ tôi cũng không bán.
Nghe vậy, cả bọn ồ lên:
- Mày nói thật hay nói đùa đấy. Xưa nay có ai thấy mày chơi cây cảnh bao giờ đâu.
- Cây cảnh nhà tôi biết mặc quần mặc áo, biết ăn cơm uống rượu, biết đưa con đi học, biết nấu cơm quét nhà với làm hàng tỷ việc khác nữa, chứ không như cây cảnh nhà con Tươi, đặt đâu chỉ biết ngồi đấy.
Cả bọn cười ồ lên:
- Thế thì cái cây ấy là thằng Cảnh chồng mày chứ gì. Cái thằng ấy đúng là cái cây cảnh thật, chỉ để trong nhà ngắm chơi chứ chẳng có tác dụng gì thật
Chị Ngừng chỉ cười. Đúng là gọi anh Cảnh chồng chị là “cây cảnh” cũng chả có gì sai. Chị lấy anh Cảnh khi anh đang là nhân viên thống kê của ủy ban nhân dân xã.
Làm chức vụ ấy tuy nhàn nhưng cái túi cũng “nhàn” luôn. Với mức lương hơn triệu bạc mỗi tháng, chỉ điếu thuốc ấm chè cũng hết. Mùa cưới cheo, đi mừng đám nào cũng phải ngửa tay xin vợ. Đất đai không có, chị phải quay như chong chóng để buôn bán mới đủ lo cái ăn cái mặc cho hai vợ chồng với hai đứa con.
Suốt 10 năm trời, anh vẫn chỉ dừng lại ở cái “chức” nhân viên đó mà chẳng được thăng tiến gì.
Thấy anh ngày ngày ăn mặc rất tươm tất, dắt xe lên trụ sở rồi ba bữa lại về ăn cơm vợ. Nhìn thì rất oai, từ người ngợm cho đến cái xe đều bóng loáng, nhưng, nói như cụ Tú Xương là “hỏi ra, quan ấy ăn lương vợ”, vì chẳng bao giờ đưa cho vợ được lấy một đồng lương, một hôm chị bảo anh:
- Bám mãi lấy cái chức ấy, chẳng bao giờ có tiền thì bỏ quách đi, về trông con, cơm nước cho em, để em chạy chợ.
Anh Cảnh nghe ngay. Từ đó chị Ngừng nhàn hẳn. Trước đây vừa chạy chợ vừa tất tả lo cho hai con, vừa cơm nước, chị cứ quay long lóc như cái đèn cù.
Từ ngày anh Cảnh về, chị chỉ việc lo một việc là chợ búa, về đến nhà đã sẵn cơm dẻo canh ngọt, nhà cửa bếp núc sạch tinh tươm, con cái đứa nào đứa nấy được tắm rửa sạch sẽ, ngoan ngoãn, lại được bố kèm cho học nên tiến bộ hẳn.
Chị Ngừng là người vừa tháo vát lại vừa tài buôn bán. Chỉ một tay chị xoay sở mà cuộc sống của gia đình vẫn phong lưu. Đã thế, chị còn là người rất yêu chồng. Thấy anh Cảnh chỉ quanh quẩn ở nhà, nhiều người ngỏ ý chê bai, nhưng mỗi lần nghe ai chê chồng mình, chị lại bênh vực anh hết mực. Lần thì:
- Vợ chồng một xương một thịt với nhau. Đến cái thân thể còn cho nhau được, thì vợ lo cuộc sống hay chồng lo cũng như nhau, có gì mà phải phân biệt.
Lần thì:
- Ôi dào, em để chồng ở nhà chỉ vì anh ấy rất đẹp trai. Đi ra người ta lại giành mất. Đằng này chẳng sợ gì cả, cứ một mình một chồng, chẳng sơ sểnh đi đâu.
Biết chồng ở nhà buồn, chị Ngừng mua cho anh một con gà chọi nhỏ về để anh nuôi cho khuây khỏa. Ai ngờ anh Cảnh lại rất có năng khiếu về việc này. Lên mạng, anh tìm được bí quyết gây nuôi gà chọi. Con gà chọi đực được anh nuôi vỗ, trở thành một chiến binh vô địch trong vùng.
Nhiều người trả con gà đến 50 triệu nhưng anh không bán, anh mua thêm một con cái về. Chẳng mấy chốc, những lứa gà chọi con ra đời, lứa nào cũng chỉ được mấy ngày đã bán hết vì khách đến tận nhà mua. Có người đến chậm, không mua được, đã đưa cả tiền trước để đặt hàng lứa sau.
Chỉ một thời gian, thương hiệu “gà chọi anh Cảnh”, đã lan ra khắp nơi. Và bây giờ thì anh có đến hơn năm chục con gà chọi lớn cả trống lẫn mái. Khách ra vào mua gà cứ nườm nượp, rồi chị Ngừng cũng nghỉ chợ ở nhà chăm gà cùng với chồng. Thấy nhiều bạn chợ tỏ ý tiếc cho mình, chị bảo:
- Người đời có một lại muốn có hai. Nhưng vợ chồng em không thế. Đủ ăn thì thôi. Cốt chồng gọi vợ thưa, ăn ở thuận hòa là được.