Sau hơn 35 năm trải qua các cương vị công tác khác nhau, trong đó có 6 năm giữ chức Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Minh Hoan gửi lời cảm ơn chân thành đến Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Đồng Tháp đã hỗ trợ, ủng hộ, trao cho tôi cơ hội để rèn luyện, phấn đấu, trưởng thành và cống hiến.
"Qua thời gian dài gắn bó, có những lúc tôi không xem mình là một Bí thư Tỉnh ủy, một người lãnh đạo mà luôn trân trọng các đồng chí như những cộng sự gần gũi, những người bạn đồng hành thân thiết.
Cùng nhau, chúng ta vươn đến những điều mới mẻ trong công việc và cuộc sống. Cùng nhau, chúng ta trăn trở, nặng lòng khi guồng máy vận hành thiếu hòa hợp. Cùng nhau, chúng ta hòa chung niềm vui hạnh phúc khi đạt được cột mốc mới, những ý tưởng được hiện thực hóa thành công.
Tôi luôn tâm niệm rằng, mỗi đồng chí, mỗi người dân là một viên đá quý đã góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc, đầy màu sắc cho quê hương và cho cá nhân tôi trong thời gian qua và mãi mãi về sau.
Giây phút xúc động này, tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến toàn bộ cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp, các bạn thanh niên khởi nghiệp và người dân tỉnh nhà vì tinh thần đoàn kết trong cuộc sống, tận tụy trong công việc, vì ý chí không ngại khó trong sản xuất kinh doanh, vì thái độ sống dấn thân, tích cực và hết mình.
Những hình ảnh thân thương của từng người một, những kỷ niệm đáng nhớ của các đồng chí luôn là hành trang vô giá, theo tôi suốt trong hành trình sắp tới”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ.
Theo ông, "chén trong sóng có ngày còn khua", trong quá trình cộng tác giữa tôi với từng đồng chí, khó tránh khỏi không ít những lần “khua”.
“Ngẫm nghĩ lại, chắc chắn có lần tôi từng cư xử không phải với đồng chí này, từng mắc lỗi lầm với đồng chí khác, khi thì cau có, khi thì lớn tiếng, khi thì bức xúc, khi thì hiểu lầm, khi thì vô tình, nóng ruột với công việc tuyệt đối không phải là lý do để biện minh cho những thiếu sót đó.
Tận đáy lòng mình, tôi xin gửi lời xin lỗi chân thành nhất tới từng đồng chí, vì những gì tôi đã làm có thể khiến các đồng chí bị tổn thương, bị ức chế, bị phiền muộn.
Con người chúng ta, vốn dĩ là vậy, lúc ở gần nhau nhiều khi không để ý, dễ làm mất lòng nhau, đến khi xa nhau rồi mới thấy tiếc nuối, mới thấy ân hận, mới thấy trân quý phút giây cận kề. Tôi cũng như vậy. Nhà bác học Einstein từng nói: “Sự hiểu biết của con người tỷ lệ nghịch với cái tôi của con người”, sự hiểu biết càng rộng thì cái tôi càng nhỏ lại.
Tôi muốn nhắc đến điều đó để mỗi người chúng ta không ngừng học hỏi, tìm kiếm tri thức mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Một khi cái tôi trong mỗi người chúng ta nhỏ lại, chúng ta sẽ dễ dàng xích lại gần nhau, dễ dàng làm việc cùng nhau, chung sống cùng nhau, thông cảm cho nhau, hòa hợp với nhau vì một mục đích chung là sự phát triển của quê hương, xứ sở mình”, người con Đồng Tháp chia sẻ thêm.
Phát huy tự lực
Ông Lê Minh Hoan nhắn nhủ với các đại biểu, không tự mãn với những kết quả đạt được, không tự bằng lòng với chính mình, mỗi người dân, mỗi Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức cần tích cực thể hiện tính chủ động, sáng tạo, hun đúc tinh thần tự lực, tự cường của cả hệ thống chính trị tỉnh nhà, hướng tới một xã hội chú trọng việc tạo dựng các giá trị, tự tin, tự chủ, hợp tác, hài hòa, thích ứng tốt hơn với những sự thay đổi không ngừng xung quanh.
Đó là những giá trị cốt lõi dần được tạo dựng, lan tỏa từ các mô hình tự quản cộng đồng, hội quán. Nhà nước nhỏ, xã hội lớn, một khi đã kích hoạt vai trò chủ thể của người dân thì sự sáng tạo của toàn xã hội càng thêm mãnh liệt, bồi đắp bằng nguồn vốn văn hóa, nguồn vốn xã hội vô giá mà những thước đo dựa trên những nhận diện hữu hình khó lòng lượng hóa được.
Do vậy, Đảng bộ cần nhất quán quan điểm lãnh đạo sâu sát, toàn diện của cấp ủy để định hướng, phát huy vai trò, ý nghĩa của các thiết chế cộng đồng, quản trị địa phương, để mỗi người dân nhận ra, hiểu rõ vị thế quan trọng và bổn thận lớn lao của chính bản thân mình đối với quê hương, xứ sở.
Mặt bằng phát triển chung của tỉnh đã có nhiều khởi sắc nhưng không thể phủ nhận những hạn chế, thiếu thốn. Thắp lên một ngọn đuốc, còn hơn là chỉ ngồi hờn trách bóng đêm. Thay vì ngồi trông đợi sự quan tâm, hỗ trợ từ cấp trên, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần mạnh dạn thể hiện tinh thần dấn thân, tự lực, tự chủ, tìm kiếm cơ hội, biết đặt ra những câu hỏi và tự mình tìm câu trả lời bằng các giải pháp dựa trên điều kiện thực tế và khả năng phù hợp.
Có người còn cho rằng, mọi vấn đề, dù khó khăn, phức tạp đến đâu, vốn đã có sẵn những giải pháp, vấn đề là chúng ta có chịu khó tìm ra nó hay không mà thôi. Ông bà ta truyền miệng câu nói đầy ngụ ý rằng “liệu cơm gắp mắm”, nếu chịu khó tìm tòi, quan sát, cân đối khéo léo các nguồn lực, vận dụng cách làm sáng tạo, hình hoạt thì vẫn luôn có đáp án mới cho những vấn đề tưởng chừng như quen thuộc, vẫn còn những phần việc có thể làm tốt hơn, đơn giản hơn, hiệu quả hơn.
Vì thương nên hiểu, càng hiểu nên thương, vì thương mến, gắn bó với vùng đất này nên các đồng chí càng gần gũi, càng thông hiểu tình hình, đặc điểm, điều kiện địa phương, càng tiếp cận thực tế, càng nhận diện chính xác, tường tận vấn đề, các đồng chí càng đau đáu, trăn trở về sự phát triển của quê hương, xứ sở mình.
"Vì thế, tôi tin rằng, không có khó khăn trở ngại khách quan nào có thể cản bước các đồng chí, những Đảng viên, cán bộ ưu tú đầy trách nhiệm, năng động, sáng tạo, thấm đậm nghĩa tình đất sen hồng. Vấn đề là các đồng chí cần hiểu rõ giá trị công việc mình đang làm, xác định mình sẽ làm được gì, làm bằng cách nào, tại sao mình không làm được.
Trước khi phản ánh, đề xuất một vấn đề gì đó, hoặc đề nghị sự hỗ trợ từ cấp trên, các đồng chí phải tự hỏi rằng, đó có phải là nhiệm vụ của cấp mình không, mình đã xem xét thấu đáo, tìm kiếm hết các giải pháp khả thi chưa, đã thực sự làm hết mình chưa.
Tôi nói điều này vì cảm nhận đôi khi các đồng chí còn cho rằng đó không phải là trách nhiệm của mình hoặc là chuyện của ai khác, của ngành khác chứ không phải công việc của mình, cấp mình, ngành mình nên dễ dẫn đến tâm lý trông chờ, đùn đẩy lên cấp trên, cho ngành khác, địa phương khác. Người ta thường nhắc nhở nhau “nước xa không cứu được lửa gần” là vậy”, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nói.
Giấc mơ sen
Ông kết luận rằng, 5 năm - một chặng đường, từ những phác thảo ban đầu, giấc mơ sen dần được hiện thực hóa, chiếc gậy tiếp sức vừa được chuyển giao cho những người chạy mới trên hành trình mới. Hành trình mới sẽ có nhiều thử thách mới, nhiều áp lực mới, nhiều trở ngại mới và nhiều vinh quang mới.
Nên nhớ rằng, nếu biển lặng thì ai cũng là hoa tiêu giỏi. Ngoài kia gió đang thổi, chúng ta không chạy một mình mà nhiều người khác cũng đang lấy đà, tăng tốc và vượt lên. Chúng ta không thể tụt lại phía sau, ngược lại, phải mượn sức gió để vượt lên phía trước.
Để tiếp nối kỳ tích cần có những con người nhiệt huyết, thấm nhuần tinh thần thuần khiết như hồn sen, đủ trí tuệ, tầm nhìn cũng như giải pháp để thực hiện, vững tin, kiên định vào con đường sen đã chọn, biết phát huy nền tảng mà từng nhiệm kỳ trước đã vun bồi, cùng nhau viết tiếp giấc mơ sen.
Đó là thôi thúc trong trái tim mỗi người, mỗi người không phải cố hết sức chạy mà phải dốc sức chạy, chạy không chỉ bằng những guồng chân khỏe khoắn mà còn bằng sự thông minh, bằng cảm xúc dạt vào, bằng tình yêu vô bờ bến đối với quê hương, xứ sở.
Đó là những kỳ vọng mà người dân tin gửi vào những người chạy mới, đó là lúc những người chạy mới không chỉ nghĩ về quyền lợi, thành tích cá nhân mình mà luôn hướng đến sự hài lòng, niềm hạnh phúc cho gần 1,7 triệu người dân đất sen hồng.
“Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”, đó là con đường ngắn nhất kết nối trái tim đến trái tim. Chúng ta dù ở đâu, đang an cư lạc nghiệp ngay ở mảnh đất này hay phương xa đều nhớ về quê hương còn bao bộn bề trên hành trình vươn đến sự thịnh vượng.
Không chỉ là nhớ, mà phải trăn trở, phải đau đáu mình đã làm được gì, đang làm được gì và sẽ làm được gì tiếp nữa cho quê hương thân thương này. Đó không đơn thuần là trách nhiệm, là nghĩa vụ mà hơn hết là niềm tự hào, là bổn phận của mỗi người con, mỗi công dân đất sen hồng với quê hương, xứ sở thân yêu của mình.