| Hotline: 0983.970.780

PGS Ninh Viết Giao miệt mài phủi bụi tìm vàng

Thứ Bảy 11/05/2019 , 13:15 (GMT+7)

Khi cầm bút viết về ông, tôi nhớ đến những con người miệt mài phủi bụi tìm vàng để đem lại niềm vui cho người khác trong tác phẩm “Bụi quý” của Pautôpxki.

PGS Ninh Viết Giao (bên trái) và nhà văn Ngô Thảo

Họ tìm kiếm, họ gom nhặt và họ chưng cất những gì quý giá trong đời sống, của mọi người và của chính mình để tạo nên những “Bông hồng vàng”. Công việc họ làm chỉ với mục đích đơn giản là đem lại một chút bổ ích, lý thú cho tất cả những ai có tấm lòng với văn chương.
 

Người xứ Thanh thành danh xứ Nghệ

PGS Ninh Viết Giao sinh tại làng Đông Thôn (tên Nôm là Kẻ Sài) xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá. Ngay từ tuổi ấu thơ, chú bé Giao được đắm mình trong văn học. Ông nội mê thơ ngày ngày ngâm nga “Lương Châu từ” của Vương Hàn hoặc “Phong Kiều dạ bạc” của Trương Kế. Bố thích tuồng chèo, thuộc làu vở tuồng “Sơn Hậu”, chèo “Trương Viên”, chèo “Quan Âm Thị Kính”... Người mẹ tuổi trẻ ngồi phường vải hay hát hò, đã thuộc ca dao, vè, câu đối nhiều vô kể lại nhớ như in cả truyện Kiều, truyện Hoa Tiên, và biết bao truyện dân gian khác: Tống Trân Cúc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa...

Làng Sài nhỏ nhoi, nghèo về vật chất nhưng rất giàu về văn hoá tinh thần. Những đêm hát phường vải với các điệu: giao duyên (còn gọi là “hát ghẹo”), trống quân, sa mạc, cò lả... cứ đeo đuổi trong tâm hồn ông đến mãi hôm nay…

Tháng 9/1953, vượt qua hơn 300 thí sinh tốt nghiệp cấp III từ Việt Bắc, liên khu III, liên khu IV, liên khu V; Ninh Viết Giao trúng tuyển vào Ban Khoa học xã hội Trường Dự bị Đại học khóa II (1953-1954). Tốt nghiệp Dự bị Đại học xong, tháng 10/1954 Bộ Giáo dục có giấy triệu tập anh về Trường Đại học Hà Nội (ở 19 Lê Thánh Tông). Ninh Viết Giao vào học lớp văn năm thứ 2 Đại học Sư phạm (ĐHSP) Văn khoa (nay là khoa Ngữ văn ĐHSP Hà Nội).

Ông nhớ lại những năm tháng ngồi trên giảng đường đại học, các thầy dạy rất nhiệt tình với sinh viên. Có thầy thường xuyên đứng để giảng bài như thầy Trần Đức Thảo, thầy Cao Xuân Huy; có thầy ngồi trên ghế giảng bài như thầy Nguyễn Mạnh Tường, thầy Trương Tửu; thầy Đặng Thai Mai vừa đi vừa giảng. Ngoài giờ học và đi thư viện, ông đã tập viết những bài nghiên cứu. Tháng 3/1956, bài “Tìm hiểu truyện Trê Cóc” được đăng trên tập san Văn Sử Địa, tập san nghiên cứu về Khoa học xã hội duy nhất của miền Bắc thời bấy giờ.

Cuối năm 1956 thi tốt nghiệp, Ninh Viết Giao là một trong 10 sinh viên được Ban giám đốc giữ lại để làm tập sự giảng dạy. Nhưng sau nhà trường lấy rút xuống còn 6 người, Bộ Giáo dục quyết định cử Ninh Viết Giao vào liên khu IV dạy Trường cấp III Huỳnh Thúc Kháng tỉnh Nghệ An. Vừa dạy học, vừa làm quản lý, ông vừa đi điền dã sưu tập văn hoá dân gian. Tròn nửa thế kỷ gắn bó với núi Hồng sông Lam, Ninh Viết Giao gần như đã giữ hết “Kho vàng” văn hoá xứ Nghệ, trở thành nhà “Nghệ Tĩnh học” số một cả nước.

Ký họa chân dung PGS Ninh Viết Giao và hồi ký “Xứ Nghệ và tôi”

Có được thành tựu của ngày hôm nay, ông bồi hồi nhớ lại người thầy đã dẫn đường chỉ lối cho mình: GS Trương Tửu. Tốt nghiệp ĐHSP Văn khoa, trước khi vào Vinh, ông đến chào thầy Trương Tửu và hỏi ý kiến của thầy về công việc trong tương lai. Thầy bảo: “Anh có năng khiếu và chịu khó, nếu ở lại Hà Nội thì đi vào lĩnh vực nghiên cứu văn học hiện đại, bây giờ về địa phương thì nên đi vào văn học dân gian”. Trầm ngâm suy nghĩ một lúc, thầy nói tiếp: “Trong văn học dân gian có một loại hình chưa ai khám phá, đó là câu đố. Ra dạy cấp III, anh nên dành thời gian để sưu tập và tìm hiểu câu đố”... Tháng 4/1958, cuốn Câu đố Việt Nam đã được ra đời.

Để hỗ trợ cho việc nghiên cứu văn học dân gian và để có vốn trường sức trên con đường học thuật, thầy giáo Ninh Viết Giao đã tự học thêm nhiều môn khoa học xã hội khác như: Dân tộc học, tôn giáo học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, lịch sử, địa lý...
 

Hạt cát của dân gian

Theo ông, những gì nhân dân sáng tạo là bất tử. Ông say mê đi điền dã: “Lúc ấy đầu mình như cái ô thuốc bắc. Ô này chứa ca dao, ô kia ghi tục ngữ, ô đựng hò vè, ô chứa truyện kể... vì tay nào mà ghi chép cho lại khi bà con người ta thi nhau kể chuyện, hát hò”. Đó là lúc những nghệ nhân dân gian vốn là người nông dân chân lấm tay bùn tin ông, quý ông, các cụ các bà nghe ông hỏi chuyện như thể đang được sống lại thời trẻ trung, lưng dù còng gập vì dấu ấn của thời gian mà vẫn hát, vẫn múa cho ông xem.            

Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với ông, khi đó PGS Ninh Viết Giao đã ngoài 70 tuổi. Quá nửa thế kỷ liên tục ghi chép hàng nghìn trang tư liệu, ông vẫn lặng lẽ tự ví bản thân: “Chỉ là hạt cát của dân gian. Hạt cát của mình chỉ nhỉnh hơn hạt cát khác bởi được bồi đắp thêm vào”.Ông cúi mình gặp gỡ các nghệ nhân trong dân gian để cần cù khai thác những giá trị từ các “vỉa” văn hoá dân gian đang bị vùi lấp, chứ không trịch thượng mời ai đến để chiêm ngưỡng tác phẩm của mình.

Trông vào thành quả lao động của ông, bất kỳ nhà nghiên cứu nào cũng phải kính nể: Câu đố Việt Nam (1958), Hát phường vải (1961), Hát dặm Nghệ Tĩnh (viết chung với Nguyễn Đổng Chi, 1962), Về văn học dân gian Nghệ Tĩnh (1982), Địa chí văn hoá Quỳnh Lưu (1988), Kho tàng vè xứ Nghệ (9 tập, 1999-2000), Thơ văn Xô Viết Nghệ Tĩnh (1971), Chỉ một con đường (Hồi ký cách mạng, 1970), Son sắt một lòng (Hồi ký cách mạng 1977), Thơ văn Võ Liêm Sơn (1993), Nghệ An đất phát nhân tài, Sơ thảo từ điển nhân vật Nghệ An, Về văn hoá xứ Nghệ (T2), Hợp tuyển thơ văn yêu nước và cách mạng Nghệ Tĩnh, Từ điển địa danh Nghệ An, và hơn 100 bài viết trên các báo, tạp chí khác…

Ghi nhận những thành qủa lao động trên, ông được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý, đặc biệt là Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt I (2001) với cụm công trình: Hát phường vải, Về văn hoá dân gian Nghệ Tĩnh, Địa chí văn hoá Quỳnh Lưu.Năm 2017, Chủ tịch nước đã trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật cho cố PGS Ninh Viết Giao với bộ sách 9 tập “Vè xứ Nghệ”.

Ông Ninh Viết Quang con trai PGS Ninh Viết Giao (1931-2014) chia sẻ về cha mình như sau: “Một người như ông, sinh ra ở một làng quê nhỏ bé, chẳng có truyền thống học hành, khoa cử, mấy trăm năm không một người đỗ đạt, mà ông đã tốt nghiệp Đại học Văn khoa khóa 1954 - 1956; năm 1984, được Hội đồng Bộ trưởng bổ nhiệm chức danh khoa học Phó Giáo sư; năm 1982, được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; năm 1997 được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2005 được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì; năm 2001 được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật; Ngày 20/5/2013 được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác nhận: “Xác lập kỷ lục người có nhiều công trình nghiên cứu nhất về văn hóa dân gian xứ Nghệ” và nhiều Huân huy chương, các giải thưởng khác”.

 

(Kiến thức gia đình số 19)

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm