Sự việc đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn.
Phá rừng giữa ban ngày
Trong đơn ông Trần Đình Phúc, xóm Phố Hạ, xã Gia Phố gửi báo NNVN cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc trồng rừng và giao đất, giao rừng theo Nghị định 02 của Chính phủ, ngày 15/1/1994 gia đình ông được UBND huyện Hương Khê giao 40,19ha đất rừng thuộc tiểu khu 222 để bảo vệ, sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp.
|
Hàng trăm gốc thông bị chặt phá không thương tiếc |
Sau khi được giao đất ông Phúc sử dụng vốn tự có và vay mượn ngân hàng đầu tư sản xuất thông, keo nhằm tăng thu nhập. Lúc bấy giờ bên cạnh khu vực đất rừng giao cho ông Phúc đã hình thành một nghĩa địa nhỏ (hiện thuộc địa giới hành chính xã Hương Giang).
Trong quá trình sản xuất, ông Phúc lo ngại đất rừng bị xâm lấn làm nghĩa địa nên khoảng ngày 28/1/2018 ông đưa máy đến đào mương vây quanh khu vực đất của gia đình. Cho rằng cách làm của ông Phúc chặn đường đi ra nghĩa địa, ngày 29/1 hàng chục người dân cùng xã sử dụng dao, rựa kéo lên TK 222 chặt phá hàng trăm gốc thông hơn 15 năm tuổi.
Tại thực địa, hàng trăm gốc thông bị chặt đang tứa nhựa, phần thân và ngọn cắt khúc, chất thành từng đống nhỏ. Phần diện tích đất trống người dân san phẳng chia lô, phân vùng để lấy là đất chôn sau này.
Ông Nguyễn Quang Hào, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Khê thông tin, ngay sau khi sự việc xảy ra, Hạt phối hợp chính quyền 2 xã xuống kiểm tra hiện trường, lúc này nhiều người dân vẫn đang tiếp tục chặt phá rừng, Hạt Kiểm lâm đã tuyên truyền, thuyết phục bà con không xâm hại đến rừng, đồng thời giữ nguyên hiện trường, lập biên bản. Qua xác minh bước đầu, công dân chặt phá rừng thông của ông Phúc là người xã Gia Phố; diện tích bị chặt 0,8ha/155 gốc thông, đường kính từ 15 - 25cm.
Nguyên nhân xuất phát từ việc ông Phúc đào mương đề phòng nghĩa địa xâm lấn sang phần đất rừng của gia đình |
“Ngoài phá rừng đang có hiện tượng chiếm đất của hộ ông Phúc làm nghĩa địa. Để giải quyết vấn đề này, trước mắt Hạt tuyên truyền người dân không phá rừng nữa để ổn định tình hình, sau đó sẽ mời những người có liên quan đến làm việc để làm rõ đúng sai, nếu cần thiết sẽ phối hợp lực lượng công an điều tra cặn kẽ. Quan điểm của chúng tôi là sai đến đâu sẽ có chế tài xử lý đến đó, tránh để xảy ra tiền lệ xấu”, ông Hào cho hay.
Cha chung không ai khóc (?!)
Sáng 2/2, khi nhóm PV đến thực địa, hiện trường đang ngổn ngang, Hạt kiểm lâm Hương Khê và các xã đang phối hợp điều tra làm rõ. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện Hương Khê không hề hay biết vụ việc phá rừng này. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách mảng lâm nghiệp nói: “Tôi chưa nhận được báo cáo nên không biết vụ việc này”. Còn về hướng giải quyết, ông Việt bảo: “Bây giờ phải chờ Hạt Kiểm lâm báo cáo xem thế nào đã. Tôi nghĩ vụ việc đang nằm trong tầm kiểm soát nên họ chưa báo cáo thôi. Nhưng nếu ngoài tầm kiểm soát, công dân vi phạm luật bảo vệ rừng, gây thiệt hại lớn thì sẽ yêu cầu công an vào cuộc điều tra; xem xét bồi thường cho người dân nếu đó là rừng của hộ gia đình”.
Sử việc xảy ra gần một tuần, cấp huyện không hề hay biết, trong khi đó, chính quyền 2 xã thì đá quả bóng trách nhiệm xử lý cho nhau. Ông Phan Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Hương Giang nói: “Địa giới hành chính là của Hương Giang nhưng trước diện tích đất rừng này cấp cho người Gia Phố nay cũng dân Gia Phố tranh chấp với nhau. Trách nhiệm thì Gia Phố phải làm việc này, Hương Giang chỉ phối hợp chứ chủ trì thì cũng khó”.
Quyết định giao đất của UBND huyện Hương Khê cho hộ ông Phúc |
Còn Phó Chủ tịch UBND xã Gia Phố Lê Quang Hòa bảo: “Chúng tôi đã phối hợp Hạt Kiểm lâm và xã Hương Giang đến làm việc tại hiện trường, có biên bản cụ thể rồi. Giờ công dân mình có liên quan thì mình sẽ phối hợp Hương Giang làm việc vì huyện đã phân mốc ranh giới hành chính là của Hương Giang, Gia Phố không có phần trách nhiệm ở đó nữa (!)”.