5 hiệu quả rõ rệt
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 của Chính phủ, hiện nay Bộ NN-PTNT đang triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và một trong những trọng tâm là lựa chọn xây dựng các mô hình trọng điểm để từ đó hoàn thiện quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ quy chuẩn cụ thể, chuyển giao nhân rộng đến các hợp tác xã, trang trại và người nông dân.
Cụ thể, ba nhiệm vụ trọng tâm là triển khai xây dựng mô hình thí điểm để tìm quy trình chuẩn, tập huấn, đào tạo cán bộ thực hiện và nâng cao năng lực các tổ chức cấp chứng nhận, chứng chỉ nông nghiệp hữu cơ.
Để làm được điều này, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, liên kết của các doanh nghiệp, các hợp tác xã và sự phối hợp của đội ngũ chuyên gia ngành nông nghiệp. Tập đoàn Quế Lâm là một doanh nghiệp tiên phong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Từ phân bón, trồng trọt, chăn nuôi của Quế Lâm đã tạo thành chuỗi kinh tế tuần hoàn mà Chính phủ, Bộ NN-PTNT đang khuyến khích phát triển.
Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT sẽ tạo điều kiện để Tập đoàn Quế Lâm xây dựng kế hoạch cụ thể và nhân rộng các mô hình thí điểm, hoàn thiện quy trình sản xuất để từ đó mở rộng đến các hợp tác xã, đến người nông dân để lan tỏa sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Trước đó, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã thăm Mô hình sản xuất rau su su theo hướng hữu cơ Quế Lâm theo tiêu chuẩn 5 không tại xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trên diện tích làm điểm 2 sào của gia đình bà Lê Thị Chín và bà Trần Thị Hà ở thôn Làng Hà có thể thấy những hiệu quả rõ rệt. Đất xốp và tơi hơn, ngọn su su to và năng suất cao hơn, giá bán cao hơn so với su su canh tác thông thường từ 3-4 nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đã phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ.
Đầu tiên là trên lúa, sau khi thành công đã mở rộng trên các cây trồng, vật nuôi khác như thanh long, rau ăn lá… Trong chăn nuôi, liên kết áp dụng các mô hình chăn nuôi lợn, gà không sử dụng kháng sinh, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học. Kết quả các mô hình triển khai có thể khẳng định cây trồng, vật nuôi phát triển rất tốt, đặc biệt là môi trường chăn nuôi được cải tạo rất rõ rệt, hệ thống vi sinh vật trong đất sinh sôi trở lại.
Đặc biệt nữa là chất lượng nông sản đã tạo nên sự khác biệt hẳn so với cách làm trước đây. Chính vì vậy Vĩnh Phúc xác định đây là hướng tất yếu giúp cho sản xuất nông nghiệp Vĩnh Phúc hướng đến nền nông nghiệp bền vững.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá đây là mô hình điểm hoàn toàn có thể nhân rộng bởi muốn sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì phải có vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp. Từ yếu tố đầu vào, đầu ra sản phẩm và quy trình, quy chuẩn sản xuất doanh nghiệp đóng vai trò xuyên suốt như cách Tập đoàn Quế Lâm đang triển khai.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Quế Lâm cho biết, về việc liên kết sản xuất nông nghiệp hữu cơ đến nay Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai các mô hình ở hơn 20 tỉnh thành.
Nếu như năm 2018, mới chỉ có 32 tỉnh đồng hành cùng Quế Lâm trên diện tích gần 60.000 ha các loại cây trồng thì đến năm 2020 đã có 51 tỉnh thành cùng vào cuộc trên diện tích hơn 100.000 ha. Đó là những kết quả rất đáng mừng, cho thấy nhận thức về một nền nông nghiệp hữu cơ đã làm thay đổi cục diện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Các nhà quản lý, nhà khoa học, các địa phương đã đúc kết có 5 hiệu quả rõ rệt trong hợp tác với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Một là đã chủ động cả đầu vào và nắm rất rõ đầu ra sản phẩm. Hai là hoạt động sản xuất bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên tự nhiên tối đa, nâng cao độ phì của đất và hệ sinh thái. Ba là hiệu quả, chênh lệch giá bán của sản phẩm giữa sản xuất bình thường và sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ luôn chênh nhau từ 7 - 10% (cây công nghiệp), từ 10 - 25% (cây ăn quả, rau màu và lúa), từ 15 - 20% (chăn nuôi hữu cơ)...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Lam, cần phải xác định làm nông nghiệp hữu cơ hết sức khó khăn.
“Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ khó khăn nhất là thói quen canh tác của bà con nông dân. Họ thích làm những cái nhanh nhất, dễ nhất và thực tế cũng có nhiều doanh nghiệp thích như vậy nên phải thay đổi được điều đó. Phải xây dựng lòng tin.
Bao nhiêu năm qua chúng tôi âm thầm lặng lẽ, tốn kém rất nhiều tiền bạc xây dựng các mô hình cũng vì mục đích đó. Làm nông nghiệp hữu cơ nếu không có nguồn lực tài chính mạnh, không nắm được đầu vào sản xuất thì không thể làm thành công được”, Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam phân tích.
Quyết tâm làm thì phải chấp nhận khó khăn
Theo Kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT về việc triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 đã đặt ra 9 nhiệm vụ để thực hiện, kèm theo đó là các giải pháp trọng tâm.
Trong đó, nội dung trọng tâm, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp xác định, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ tập trung và các sản phẩm hữu cơ chủ lực. Chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các Chương trình Mục tiêu quốc gia và các đề án của các bộ, ngành và địa phương khác có liên quan.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ NN-PTNT giao các đơn vị trực thuộc triển khai các nhiệm vụ rõ ràng trong từng nhóm ngành hàng.
Cụ thể, đối với trồng trọt, mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm trên 1 ha đất trồng trọt hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ, đạt mục tiêu diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 1% tổng diện tích đất trồng trọt với các cây trồng chủ lực vào năm 2025 và khoảng trên 2% vào năm 2030.
Chăn nuôi đạt mục tiêu tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước vào năm 2025 và khoảng 2-3% vào năm 2030. Thủy sản tập trung nâng cao giá trị sản phẩm trên 1 ha đất nuôi trồng thủy sản hữu cơ cao gấp 1,3 - 1,5 lần so với sản xuất phi hữu cơ, đạt mục tiêu diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ đạt khoảng 0,5-1,5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản vào năm 2025 và 1,5-3% vào năm 2030.
Tại buổi làm việc, đại diện các cơ quan trực thuộc Bộ NN-PTNT, các nhà khoa học cũng đã đánh giá hiệu quả cao của các mô hình do Tập đoàn Quế Lâm thực hiện ở các tỉnh thành.
Bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, sau khi có hợp tác giữa trung tâm và Tập đoàn Quế Lâm thì đến nay, khuyến nông ở 63 tỉnh thành đã biết đến các sản phẩm của Quế Lâm để đưa vào các mô hình khuyến nông. Trong năm 2020 doanh nghiệp đã triển khai 2 dự án mô hình lúa hữu cơ và lợn hữu cơ ở các tỉnh thành.
Năm 2021 đề nghị Tập đoàn Quế Lâm tiếp tục triển khai các mô hình này để tổng kết thành các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo dạng gói kỹ thuật cho 3 nhóm chính là nông hộ, gia trại và hợp tác xã. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục phối hợp với Quế Lâm tổ chức 2 diễn đàn về lúa và chăn nuôi hữu cơ, xây dựng tài liệu khung, để tiếp tục lan tỏa nông nghiệp hữu cơ.
Ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản: Trên cơ sở đề án, kế hoạch của Bộ NN-PTNT cũng như các bài học thành công từ các mô hình của Tập đoàn Quế Lâm, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản sẽ lựa chọn những mô hình có thể tổng kết để ban hành quy chuẩn mang tầm quốc gia để nhân ra diện rộng.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định một lần nữa, làm nông nghiệp hữu cơ có những vấn đề khó khăn về nhận thức, lòng tin và nhiều khó khăn khác nhưng đã quyết tâm làm thì phải chấp nhận những khó khăn đó.
“Trước mắt, trên cơ sở các mô hình của Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai thành công, Bộ NN-PTNT và các đơn vị trực thuộc sẽ phối hợp để tiếp tục xây dựng thêm các mô hình với Tập đoàn Quế Lâm và mở rộng các mô hình với một số doanh nghiệp khác nhằm hướng tới xây dựng quy chuẩn sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia.
Phải có quy chuẩn sản xuất mới có thể hướng dẫn, nhân rộng và lan tỏa sản xuất nông nghiệp hữu cơ được. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm tổng kết các mô hình để xây dựng bộ quy chuẩn đó", Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định.
"Khi triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần phải đi vào cả 4 loại hình đối tượng gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông hộ. Thực tiễn cho thấy cả 4 loại đối tượng này mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm đều áp dụng được.
Theo tôi cần phải sớm ra được quy chuẩn và dứt khoát phải cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ cho các mô hình để tránh tình trạng thằng giả phá thằng thật đang diễn ra phổ biến như hiện nay", ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam.