Năm 2020 là một dấu mốc quan trọng đối với nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn khi Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 do Bộ NN-PTNT trình Chính phủ và đã được phê duyệt. Để thực hiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 Bộ NN-PTNT đã đặt ra các kế hoạch hành động, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà hạt nhân chính là doanh nghiệp và người nông dân. Có thể nói rằng, với những thành tựu, đóng góp đối với ngành nông nghiệp suốt nhiều năm qua, Tập đoàn Quế Lâm là một hạt nhân vì mục tiêu một nền nông nghiệp không bỏ phí bất cứ thứ gì.
2020 cũng là một năm đặc biệt đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Hồng Lam và Tập đoàn Quế Lâm. Sau gần ba mươi năm miệt mài với nông nghiệp hữu cơ thì cuối cùng một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn gắn kết giữa trồng trọt và chăn nuôi, một hệ sinh thái nông nghiệp Quế Lâm đã thực sự hoàn thiện.
Hệ sinh thái đó bao gồm 13 đơn vị thành viên hoạt động xuyên suốt chiều dài đất nước, sang cả Campuchia và Lào, 8 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, hàng nghìn mô hình liên kết với nông dân các tỉnh thành và đặc biệt là tổ hợp 4F ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, tổ hợp 4F đầu tiên ở Việt Nam.
Trong một năm dịch dã, chồng chất khó khăn, sự kiện ra mắt tổ hợp 4F thực sự là một thành tựu không chỉ đối với Quế Lâm mà còn mang ý nghĩa đối với cả ngành nông nghiệp. 4F có nghĩa là hệ sinh thái chăn nuôi an toàn sinh học: FARM - FOOD - FEED - FERTILIZER. “Điều đó sẽ góp phần tạo nên một nền nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, không bỏ đi thứ gì, một nền nông nghiệp chia sẻ, không bỏ lại ai phía sau. Những đóng góp của Quế Lâm đã mở ra một cục diện mới cho ngành nông nghiệp. Sự phù hợp của Tổ hợp 4F không chỉ riêng chăn nuôi mà nay mai sẽ phát triển sang cả cây trồng, vật nuôi, thủy sản…”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nói như vậy trong ngày ra mắt một trong những hợp phần mấu chốt để hình thành hệ sinh thái nông nghiệp của Quế Lâm – hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn đầu tiên ở Việt Nam.
Có thể thấy rõ, từ “ngọn lửa” ông Lam và Quế Lâm thắp sáng và gìn giữ, nhận thực về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đang ngày càng thay đổi. Nếu như năm 2018 mới chỉ có 32 tỉnh đồng hành cùng Quế Lâm trên diện tích gần 60.000 ha các loại cây trồng thì đến năm 2020 đã có 51 tỉnh thành cùng vào cuộc trên diện tích hơn 100.000 ha. Đây là những kết quả rất đáng mừng, cho thấy nhận thức về một nền nông nghiệp hữu cơ đã làm thay đổi cục diện sản xuất nông nghiệp của Việt Nam.
Các nhà quản lý, nhà khoa học, các địa phương đúc kết, có năm hiệu quả rõ rệt trong liên kết giữa Quế Lâm và người dân. Đó là liên kết sản xuất đã chủ động cả đầu vào và nắm rất rõ đầu ra, thu được tỷ suất lợi nhuận cao, chất lượng sản phẩm cao, ổn định, sản xuất bảo vệ môi trường và nguồn tài nguyên tự nhiên tối đa, nâng cao độ phì của đất và hệ sinh thái, được tham gia vào chuỗi sản xuất với công nghệ áp dụng tiên tiến nhất, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hiệu quả kinh tế cũng được thể hiện rõ rệt, sản xuất hữu cơ cao hơn sản xuất thông thường từ 7 - 10% (cây công nghiệp), từ 10 - 25% (cây ăn quả, rau màu và lúa), từ 15 - 20% (chăn nuôi hữu cơ)...
Tại buổi tọa đàm Nông nghiệp hữu cơ, chiến lược hành động do Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khẳng định, Tập đoàn Quế Lâm là hạt nhân tiên phong trong việc thay đổi tư duy, nhận thức về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Để nông nghiệp hữu cơ thực sự lan tỏa mạnh mẽ trong thời gian tới vấn đề cốt lõi nhất vẫn là thay đổi tư duy. Cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi tư duy từ xin cho thành tư duy phụng sự, kiến tạo cho doanh nghiệp để phát triển. Điều quan trọng hơn nữa là xây dựng lòng tin, đẩy mạnh xây dựng các mô hình, các vùng trọng điểm, các điểm sáng để xây dựng lòng tin từ đó nhân rộng ra các vùng, các địa phương.
Xây dựng lòng tin cũng là triết lý mà ông Nguyễn Hồng Lam và Quế Lâm luôn theo đuổi.
Người đứng đầu Quế Lâm luôn tâm niệm xây dựng lòng tin là vấn đề cực kỳ quan trọng. Lòng tin từ cơ quan quản lý, lòng tin từ nhà khoa học, lòng tin từ người nông dân, từ đối tác, người tiêu dùng... Cuộc hành trình của Quế Lâm từng ngày, từng tháng, từng năm là hành trình bồi đắp lòng tin. Thay đổi nhận thức và xây dựng lòng tin không phải ngày một ngày hai mà là cả một quá trình kiên trì, bền bỉ bởi khát vọng của ngành nông nghiệp Việt Nam cũng là khát vọng của Quế Lâm.
Giữa năm 2020 vừa rồi, trong hội nghị bàn cách lan tỏa nông nghiệp hữu cơ do Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Quế Lâm tổ chức, ông Nguyễn Quốc Trịnh, một nông dân ở xã Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An chia sẻ: Kể từ khi hợp tác với Quế Lâm trồng thanh long hữu cơ, từ 400 trụ thanh long tím hồng vào năm 2018, đến nay mô hình đã mở rộng lên 2.400 trụ trên diện tích 3 ha, sản lượng hàng năm khoảng 70 tấn. Với phương thức Quế Lâm giám sát quy trình kỹ thuật, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm với giá luôn cao hơn thị trường từ 7 - 15%, mỗi vụ thanh long, sau khi trừ chi phí gia đình ông Nguyễn Quốc Trịnh lãi khoảng hơn 1 tỷ đồng. Mừng ở chỗ, những người nông dân như ông Trịnh ngày càng nhiều. Họ đến với Quế Lâm để thay đổi tư duy làm nông nghiệp không đơn thuần là sinh kế nữa mà còn cả trách nhiệm với cộng đồng.
Ông Nguyễn Hồng Lam từng nói, hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn của Quế Lâm là nơi gặp gỡ của năm nhà. Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp và một yếu tố khá mới mẻ là nhà trường. Thì ra với nông nghiệp tuần hoàn, giáo dục đóng vai trò rất quan trọng không thua những yếu tố khác bởi căn cơ chính là thay đổi nhận thức, tư duy. Có lẽ nhìn thấy được triết lý ấy của ông Lam mà nhiều nhà khoa học, nhà quản lý, những người vốn dĩ khắt khe trong quan điểm cũng đã phải thừa nhận cách làm của Quế Lâm là sát với thực tiễn và phù hợp với thời đại. Còn nhớ, khi tiếp cận đề án chăn nuôi an toàn sinh học của Quế Lâm, Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc từng chia sẻ, chúng ta không nên quan tâm quá nhiều đến những tập đoàn lớn nước ngoài vì mục tiêu của họ là lợi ích, Tập đoàn Quế Lâm với những mô hình rất tốt của mình đã đóng vai trò dẫn dắt và lan tỏa đến người nông dân, đây là một triết lý rất quan trọng.
Tôn trọng khoa học, phù hợp với thời đại
Khoa học là cốt lõi để xây dựng, lan tỏa lòng tin và ông Nguyễn Hồng Lam, một nhà khoa học của nhà nông đã rất trân trọng, thấu hiểu điều đó. Quế Lâm đã tiên phong trong việc thành lập hội đồng khoa học, Viện nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học… Chính giá trị cốt lõi xây dựng lòng tin mà những nơi này đã tập hợp được những người từng là cán bộ quản lý nhà nước cấp cao, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp. Tâm sức, trí tuệ, kinh nghiệm quý giá của họ chính là chất dẫn để lòng tin vào nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn lan tỏa ngày càng mạnh mẽ. Còn nhớ, khi Quế Lâm xây dựng đề án chăn nuôi an toàn sinh học, giáo sư Vũ Duy Giảng từng nói rằng tập đoàn và cá nhân ông Lam đã Việt Nam hóa tất cả những kết quả nghiên cứu hiện đại của thế giới để ứng dụng vào Việt Nam, trong điều kiện Việt Nam, nông thôn Việt Nam, khí hậu, đất đai Việt Nam…Còn ông Phan Xuân Dũng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội không ít lần khẳng định: Ông Nguyễn Hồng Lam và Quế Lâm đã làm chúng tôi ngạc nhiên bởi tình yêu vô bờ bến với nông nghiệp Việt Nam bằng cách làm khoa học, tôn trong khoa học, sát với thực tiễn, phù hợp với thời đại.