| Hotline: 0983.970.780

Phải giữ lại tên cuộc thi “Hoa hậu bò sữa”

Thứ Hai 28/04/2014 , 06:55 (GMT+7)

Việc dùng từ “Hoa hậu bò sữa” đầu tiên có thể nghe chưa quen, lạ tai, nhưng nó sẽ dần quen với giao tiếp Tiếng Việt và hình thành nên một nghĩa định danh mới.

Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) vừa có công văn yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La chỉ đạo đơn vị tổ chức cuộc thi “Hoa hậu bò sữa” không sử dụng tên gọi này mà tìm tên gọi khác phù hợp để thay thế. Tuy nhiên, đa số các ý kiến tại hội thảo “Tên cuộc thi Hoa hậu bò sữa: nên hay không nên” đều phản bác yêu cầu trên.

Cuộc thi Hoa hậu bò sữa là một hoạt động thường niên do Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu tổ chức, đến nay đã được hơn mười năm. Đây là dịp để người dân cao nguyên Mộc Châu gặp gỡ, giao lưu, cũng là một trong những hình thức để tôn vinh nông dân chăn nuôi bò của địa phương này.

Tuy nhiên, theo Công văn số 237/NTBD-QLBD ngày 2/4/2014, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La chỉ đạo đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu bò sữa không sử dụng tên gọi “Hoa hậu bò sữa” mà tìm tên gọi khác phù hợp để thay thế; theo đó Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định danh hiệu “Hoa hậu” hiện nay được Chính phủ quy định cho cuộc thi người đẹp có quy mô toàn quốc, việc sử dụng tên gọi danh hiệu này cho cuộc thi bò đã tạo dư luận sai lệch và có tác động không tốt.

Vì thế, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đã chủ trì tổ chức Hội thảo về tên cuộc thi “Hoa hậu bò sữa” của Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Tham dự Hội thảo có trên 30 PGS.TS, ThS, nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà giáo, nhà báo đến từ Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Hội ngôn ngữ học Việt Nam; Cục Văn hóa Thông tin cơ sở; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La; Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mộc Châu; Hiệp Hội du lịch tỉnh Sơn La; Trường Đại học khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Đại học Tây Bắc, Hội Sân khấu điện ảnh...

Với 15 bài viết của 23 tác giả và rất nhiều ý kiến đã tham gia phân tích tên gọi Hội thi “Hoa hậu bò sữa”, các chuyên gia ngôn ngữ và các nhà quản lý đã cho rằng, về mặt ngôn ngữ học, “Hoa hậu bò sữa” là một tổ hợp định danh để phân biệt với các tổ hợp định danh khác cùng loại, chữ “Hoa hậu” trong “Hoa hậu bò sữa” là một sự chuyển nghĩa, tức là nó mang một chức năng định danh mới, việc chuyển di từ vựng là một cách thức tạo từ bình thường.

Trong thực tế cho thấy không có ngôn từ nào chỉ để dùng riêng cho người hay là vật, ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng, do tư duy con người tạo ra. Việc dùng từ “Hoa hậu bò sữa” đầu tiên có thể nghe chưa quen, lạ tai, nhưng nó sẽ dần quen với giao tiếp Tiếng Việt và hình thành nên một nghĩa định danh mới.

Tổ hợp “Hoa hậu bò sữa” gồm 4 âm tiết là một cấu trúc ngắn gọn, chặt chẽ, mang tính định danh cao, nội dung hàm súc và thỏa mãn nhiều tiêu chí. Ngôn ngữ luôn phát triển, không phải là bất biến, chữ “Hoa hậu” cũng như những chữ khác trong Tiếng Việt đều có sự phát triển, chuyển nghĩa, nên không thể khẳng định chữ “Hoa hậu” chỉ được dùng cho người.

Xét về mặt quản lý Nhà nước, tên Hội thi “Hoa hậu bò sữa” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) công nhận bản quyền, ngoài ra chưa có văn bản nào của Chính phủ quy định “Hoa hậu” chỉ dành cho người.

Xét về mặt xã hội, trên thế giới có rất nhiều cuộc thi hoa hậu dành cho động vật như: Cuộc thi “Hoa hậu Mèo quốc tế” ở thành phố Rishon Letzion của Israel; cuộc thi “Hoa hậu Lạc đà” ở thành phố Abu Dhabi, thuộc các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE); cuộc thi “Top Dog Model” tại London (Anh); cuộc thi “Hoa hậu chó mèo” tại khách sạn Chó Mèo, số 30, ngõ Bảo Sinh, đường Trương Định - Hà Nội; cuộc thi “Hoa hậu bò sữa” (Miss Dairy Cow Pageant) được tổ chức vào năm 2012 tại tỉnh Sơn Tây - Trung Quốc…

Các sự kiện thể thao lớn (như World Cup, SEAGames) các nước vẫn lấy hình ảnh của một con vật làm linh vật biểu trưng cho đất nước của mình (ví dụ như chú báo hoa mai Zakumi của Nam Phi, chú gà trống của Pháp, con trâu vàng của Việt Nam…).

mocchu1142505997
Các nhà khoa học, nhà quản lý đều thống nhất phải giữ lại tên cuộc thi “Hoa hậu bò sữa”

Trong thực tế cuộc sống, chúng ta cũng thường lấy cái đẹp của con vật để miêu tả cho con người như: “mắt bồ câu”, “mắt nai”…; trong các tác phẩm văn học nổi tiếng “Lão Hạc”, nhà văn Nam Cao đã gọi con chó của mình là Cậu Vàng; trong chuyện “Dế mèn phiêu lưu ký”, nhà văn Tô Hoài cũng dùng từ “Hiệp sĩ Dế Mèn”, “Đại vương Ếch Cốm” và “Thầy đồ Cóc”, hay câu ca “Chim gặp bác Chào Mào chào bác, chim gặp cô Sơn Ca chào cô, chim gặp anh Chích Chòe chào anh, chim gặp chị Sáo Nâu chào chị…” cũng là ngôn ngữ của con người dùng cho con vật. Hơn nữa đã 10 năm liên tục tổ chức, Hội thi Hoa hậu bò sữa đều được báo chí, truyền thông trong cả nước ca ngợi; thống kê trên mạng Internet mục từ này có tới 1,68 triệu kết quả.

Xét về mặt văn hóa, cuộc thi mang tính đặc trưng riêng, tạo thêm sự độc đáo đa dạng trong bản sắc văn hóa các dân tộc của cao nguyên Mộc Châu, vừa mang tính hình tượng hóa, vừa nhân cách hóa, thể hiện tình cảm yêu thương, gần gũi của những người chăn nuôi bò sữa Mộc Châu với con vật mình vô cùng yêu quý.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu đã đề cập đến một số tên mới như “Hoa khôi bò sữa”, “Nữ hoàng bò sữa”, “Vương miện bò sữa”, “Hoa hậu thảo nguyên”, “Vẻ đẹp bò sữa Mộc Châu”…, tuy nhiên tất cả đều không thỏa mãn được mục đích, ý nghĩa của cuộc thi, chỉ có danh xưng “Hoa hậu bò sữa” mới bao hàm được cả chất và lượng, cả quy mô và hình thức, cả giá trị ngôi vị, thẩm mĩ và văn hóa.

Cuối cùng, các nhà khoa học, nhà quản lý đều khẳng định: Điều quan trọng và lớn nhất đó là cuộc thi đã đem lại rất nhiều lợi ích, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tôn vinh người nông dân tạo ra các sản phẩm sữa chất lượng cao cho xã hội, tạo công ăn việc làm và đem lại cuộc sống ấm no cho rất nhiều người dân Mộc Châu, đưa Mộc Châu trở thành một trung tâm nuôi bò lớn của cả nước.

Cuộc thi “Hoa hậu bò sữa” còn tạo nên một nét đặc trưng riêng của cao nguyên Mộc Châu, đã và đang có ảnh hưởng những tích cực tới hội nhập khu vực và quốc tế, có ý nghĩa quảng bá mời gọi du khách trong cả nước đến với Mộc Châu, do vậy không nên vì câu chữ và những định kiến về ngôn ngữ, tư duy mà làm ảnh hưởng đến ý nghĩa lớn lao của cuộc thi.

Kết thúc hội thảo, đại đa số các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các chuyên gia về ngôn ngữ, chuyên gia từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam đều khẳng định danh xưng “Hoa hậu bò sữa” là hoàn toàn phù hợp với cuộc thi mà 10 năm qua Công ty CP Giống bò sữa Mộc Châu đã tổ chức. Nó hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu cả về mặt ngôn ngữ, văn hóa, xã hội, đặc biệt phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và tình cảm của những người nông dân một nắng hai sương trên cao nguyên Mộc Châu với những con bò đáng yêu, không chỉ đem lại cuộc sống ấm no cho họ mà còn có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.