| Hotline: 0983.970.780

Phải tiến tới công nghiệp hóa thu gom, chế biến phụ phẩm nông nghiệp

Thứ Năm 09/12/2021 , 07:00 (GMT+7)

Phụ phẩm của ngành nông nghiệp nếu được xử lý sẽ là nguồn tài nguyên rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác được nguồn tài nguyên này, cần áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp.

Hiện nay, Việt Nam có lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới với đa dạng sản phẩm nông sản. Trong quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến, số lượng phế phụ phẩm trong các ngành chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp… rất lớn.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: TL.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: TL.

Tuy nhiên, tỷ lệ phế phụ phẩm từ ngành nông nghiệp được thu gom, chế biến, sử dụng vẫn chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Tỷ lệ hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp xử lý chất thải mới chỉ chiếm 48% (tính trên toàn quốc). Trong khi ngành trồng trọt hiện nay thiếu trầm trọng nguồn phân hữu cơ thì một lượng lớn chất thải chăn nuôi vẫn chưa được tận dụng.

Bài toán đặt ra là cần có những giải pháp như thế nào để tháo gỡ vấn đề này, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT).

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến chúng ta đang rơi vào tình trạng lãng phí nguồn phân bón hữu cơ từ những hoạt động sản xuất nông nghiệp?

Để đảm bảo an ninh về thực phẩm, mỗi năm Việt Nam sản xuất gần 6 triệu tấn thịt hơi, với tổng đàn vật nuôi rất lớn. Hiện nay, đàn lợn có trên 28 triệu con, 523 triệu con gia cầm, gia súc ăn cỏ (bò, trâu, dê…) khoảng 11,3 triệu con. Theo tính toán, chăn nuôi mỗi năm tạo ra hơn 61 triệu tấn phân (chưa nói nước thải, chất đội trộn…). Đây là tiềm năng rất lớn để làm nhiều quy trình sinh học khác nhau. Đặc biệt, để sản xuất phân bón hữu cơ, nuôi côn trùng, xử lý làm năng lượng tái tạo… nếu có đầu tư trọng điểm.

Hiện nay, qua kiểm tra, đánh giá, vẫn còn 3,9 % các trang trại chưa có biện pháp xử lý phù hợp; khoảng 48% nông hộ có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, đây mới chỉ là đánh giá có biện pháp xử lý, còn biện pháp xử lý cụ thể thế nào thì lại là một vấn đề khác. Từ đó, có thể thấy chúng ta đang lãng phí rất lớn nguồn tài nguyên hữu cơ này.

Sở dĩ chúng ta chưa tận dụng được nguồn tài nguyên này là do trong quá khứ, khi chưa nhập khẩu được phân bón hữu cơ, chúng ta phải đi gom, nhặt phụ phẩm về làm phân bón. Sau đó, khi phân bón vô cơ xuất hiện tại Việt Nam, với ưu điểm thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả cao, mặc dù chi phí sản xuất lớn, nhưng sự tiện lợi của nó đã hình thành thói quen sử dụng cho người dân, việc quay lại ngâm ủ phân hữu cơ như trước đây không còn được chú trọng.

Việc tận dụng nguồn phân bón hữu cơ từ chăn nuôi để phục vụ cho trồng trọt hiện nay còn rất yếu, lãng phí lớn nguồn chất thải chăn nuôi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Việc tận dụng nguồn phân bón hữu cơ từ chăn nuôi để phục vụ cho trồng trọt hiện nay còn rất yếu, lãng phí lớn nguồn chất thải chăn nuôi. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mặt khác, diện tích đất nông nghiệp theo từng hộ hiện nay nhỏ, trong khi việc xử lý chất thải muốn hiệu quả cần phải có một diện tích đủ lớn. Bên cạnh đó, chất thải chăn nuôi thường có mùi, ở dạng rắn, sột sệt nên việc thu gom rất khó khăn…

Chính vì vậy, để giải quyết vấn đề này, yếu tố quan trọng nhất là phải có giải pháp khoa học công nghệ, chính sách để xử lý tập trung. Trong đó, đứng đầu là các doanh nghiệp, các liên kết sản xuất phân bón hữu cơ. Ngoài ra, phân bón nên chia làm hai dạng là phân bón hữu cơ thương mại và phân bón hữu cơ truyền thống (xử lý ngay, bón ngay, không cần thông qua các chứng nhận của các cơ quan quản lý nhà nước) sẽ đạt hiệu quả xử lý cao hơn.

Phế phụ phẩm của ngành hàng này hoàn toàn có thể trở thành đầu vào với chi phí rất thấp cho việc sản xuất sản phẩm của ngành hàng khác, điều này đang được thể hiện rất rõ trong lĩnh vực chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện nay nhiều phế phụ phẩm để làm thức ăn giá rẻ cho ngành chăn nuôi chưa được tận dụng tối đa, thậm chí chưa được quan tâm nhiều. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Đây là một vấn đề rất quan trọng. Tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" của Chính phủ cũng đã giao Bộ NN-PTNT tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.

Trong chăn nuôi, hiện nay đã xây dựng đề án công nghiệp hóa thức ăn chăn nuôi, trong đó có vấn đề quan trọng là phát triển được nguồn nguyên liệu trong nước, phục vụ cho việc phát triển chăn nuôi.

Ngoài tận dụng các phụ phẩm từ ngành trồng trọt qua quá trình thu hoạch, chế biến, sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý, chế biến làm thức ăn chăn nuôi, một mục tiêu rất quan trọng là làm sao chủ động được nguồn protein trong nước.

Hiện nay, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đang tìm đến nguồn nguyên liệu của "thế hệ thứ 3" (từ côn trùng). Trong những năm gần đây, người dân nuôi rất nhiều trùn quế, ruồi lính đen... Các loại côn trùng này có 2 tác dụng, vừa ăn chất thải thải ra phân hữu cơ, vừa phát triển tạo ra nguồn ấu trùng (protein sạch), đây được xem là nguồn lợi rất lớn trong tương lai.

Tuy nhiên, để có thể sản xuất công nghiệp nguồn tài nguyên này, đòi hỏi phải có sự đầu tư về công nghệ của các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ từ nhà nước… Đối với ruồi lính đen, được xác đinh là nguồn ngoại nhập, nên đang trong quá trình đánh giá tính đa dạng sinh học.

Đối với gia súc ăn cỏ, việc sử dụng phế phụ phẩm làm thức ăn là giải pháp đã được thực hiện từ trước. Tuy nhiên, hiện tại cần nâng cấp ở mức độ cao hơn, áp dụng khoa học kỹ thuật.

Từ đó, có thể thấy với những giải pháp nằm trong tầm tay như sản xuất phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi, nuôi côn trùng lấy protein… cần tiếp tục đẩy mạnh, nhằm chủ động được nguồn thức ăn trong nước, giảm nguồn nhập khẩu.

Phụ phẩm tôm có thể được sử dụng rất tốt để làm nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc. Ảnh: TL.

Phụ phẩm tôm có thể được sử dụng rất tốt để làm nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc. Ảnh: TL.

Ông có thể phân tích những điểm nghẽn trong việc tận dụng phụ phẩm nông nghiệp? Chúng ta cần có cơ chế, chính sách như thế nào để tháo gỡ những điểm nghẽn đó, thúc đẩy lĩnh vực này phát triển sâu rộng hơn trong tương lai?

Có ý kiến cho rằng, tổng phụ phẩm của ngành nông nghiệp nếu xử lý được bằng các giải pháp công nghệ khác nhau thì sẽ là nguồn tài nguyên rất lớn. Tuy nhiên, muốn xử lý được nguồn tài nguyên này, cần có những giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, về quy định của pháp luật, phải nghiên cứu thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn. Một trong những động lực cho hệ thống này là việc tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt.

Chúng ta đã có nhiều chính sách khuyến khích, nhưng mới có 6 triệu tấn phân bón hữu cơ được sử dụng cho trồng trọt. Trong khi các nước phát triển, việc sử dụng phân bón đã được đưa vào hệ thống luật, có những quy định rõ ràng về mức độ được phép sử dụng phân bón vô cơ. Vì vậy, chúng ta nên nghiên cứu để có giải pháp đưa vấn đề này thành hệ thống quy định chung sẽ cho hiệu quả cao hơn.

Thứ hai, về mặt chính sách, muốn cho hệ thống phế phụ phẩm của chúng ta có giá trị hơn, phải huy động được cả nguồn lực con người và tài chính. Ngoài nguồn lực từ nhà nước, phải huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp… Quan trọng nhất là phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cụ thể là bằng cách giảm thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu công nghệ…. để tạo động lực.

Thứ ba, phế phụ phẩm thường cồng kềnh, thể tích lớn, khó vận chuyển, yêu cầu phải có công nghệ phù hợp. Do đó, phải nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, để các doanh nghiệp có điều kiện tích tụ ruộng đất đủ lớn để phát triển cánh đồng lớn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, thuận lợi hơn cho việc thu gom các phế phụ phẩm. Chúng ta phải tiến tới công nghiệp hóa thu gom phế phụ phẩm.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.