| Hotline: 0983.970.780

Phân loại dự án xanh giúp phát huy hiệu quả tài chính xanh

Thứ Ba 25/03/2025 , 21:15 (GMT+7)

Việc xác nhận dự án đầu tư thuộc Danh mục phân loại xanh dự kiến sẽ được giao cho các tổ chức xác nhận độc lập thay vì thông qua cơ quan nhà nước.

Ngày 25/3, Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường phối hợp với Trung tâm Thích ứng biến đổi khí hậu và Trung hòa carbon (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tổ chức cuộc họp kỹ thuật “Thúc đẩy tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam”. Hoạt động nằm trong hỗ trợ của Chương trình Đối tác tăng cường minh bạch vì đồng sáng tạo (PaSTI) thuộc Bộ Môi trường Nhật Bản, được triển khai thông qua Trung tâm Hợp tác môi trường hải ngoại Nhật Bản.

8 nhóm dự án đầu tư xanh

Theo báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bằng nguồn lực trong nước, Việt Nam đặt mục tiêu giảm 15,8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường, và thải tăng lên đến 43,5% nếu có hỗ trợ quốc tế. Tương ứng, nhu cầu tài chính lần lượt là 21,5 tỷ USD và 86,8 tỷ USD. Trong đó, hỗ trợ quốc tế chủ yếu dưới các hình thức viện trợ không hoàn lại, các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ công nghệ và xây dựng năng lực.

Theo ông Hà Quang Anh, Giám đốc Trung tâm Thích ứng biến đổi khí hậu và Trung hòa carbon (Cục Biến đổi khí hậu), chi phí cho ứng phó biến đổi khí hậu ở Việt Nam ước tính chiếm từ 3 – 5%GDP mỗi năm. Với cam kết mạnh mẽ về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã và đang thu hút nguồn vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, cùng với nỗ lực huy động các quỹ đầu tư nước ngoài về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu.

Hiện nay, hai sản phẩm tài chính xanh đã được luật hóa trong Luật Bảo vệ môi trường là tín dụng xanh và tài chính xanh. Theo ông Lại Văn Mạnh, chuyên gia Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), công cụ tín dụng xanh được các tổ chức tín dụng cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, sản xuất kinh doanh mà không gây rủi ro đến môi trường, góp phần bảo vệ hệ sinh thái chung. Trong khi đó, trái phiếu xanh do chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp phát hành. Về bản chất, đây đều là các khoản vay xanh, huy động vốn cho hoạt động bảo vệ môi trường, dự án đầu tư mang lại lợi ích về môi trường.

Ông Lại Văn Mạnh, chuyên gia Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ về việc xây dựng Danh mục phân loại xanh. Ảnh: Trung Nguyên.

Ông Lại Văn Mạnh, chuyên gia Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ về việc xây dựng Danh mục phân loại xanh. Ảnh: Trung Nguyên.

Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường hiện đang xây dựng Danh mục phân loại xanh, trong đó bao gồm tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Thực tiễn hiện nay có tới hơn 4.000 loại hình dự án đầu tư khác nhau, bởi vậy công tác xây dựng danh mục đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định, yêu cầu về quản lý môi trường của Việt Nam và kế thừa kinh nghiệm quốc tế.

Theo dự thảo, các dự án đầu tư trong Danh mục phân loại xanh có 8 nhóm, bao gồm: năng lượng, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên nước, nông - lâm - thủy sản, đa dạng sinh học, chế biến - chế tạo, dịch vụ môi trường.

Các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo chiếm phàn lớn dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam. Ảnh minh họa. Trung Nguyên.

Các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo chiếm phàn lớn dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam. Ảnh minh họa. Trung Nguyên.

“Nếu việc phân loại trở thành một thủ tục hành chính sẽ trở thành rào cản cho doanh nghiệp khi muốn tiếp cận nguồn vốn xanh. Do đó, chúng tôi đang đề xuất theo hướng quy định tổ chức xác nhận độc lập sẽ đứng ra xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh. Kèm theo là yêu cầu đối với tổ chức xác nhận độc lập, như có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật, có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng một trong những tiêu chuẩn, chuẩn mực nhất định”, ông Mạnh chia sẻ và cho biết, đối tượng hướng đến là các tổ chức kiểm toán hoặc tổ chức có loại hình kinh doanh đánh giá sự phù hợp.

Về cơ bản, tất cả doanh nghiệp hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam đều phải tuân thủ luật pháp về bảo vệ môi trường. Bởi vậy, dự thảo danh mục phân loại xanh cũng yêu cầu doanh nghiệp cần đưa ra căn cứ để chứng tỏ doanh nghiệp sẽ giảm thiểu tối đa các tác động tới môi trường khi triển khai dự án, dù là dự án xanh.

Về các tiêu chí cụ thể, các dự án phải thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường, mang lợi ích môi trường (theo Điều 149, 150 Luật Bảo vệ môi trường) và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật. Đó là yêu cầu quản lý về môi trường hoặc thông số kỹ thuật của nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, chất thải, quy trình sản xuất, kinh doanh của dự án đầu tư để chứng minh dự án đáp ứng tiêu chí môi trường để được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Cần các tiêu chí đánh giá rủi ro về môi trường

Chia sẻ về thực tiễn triển khai tài chính xanh từ phía ngân hàng, ông Trình Quỳnh Thành, đại diện Ngân hàng BIDV cho biết: Nhu cầu tài chính xanh trong những năm gần đây tăng lên nhanh chóng, xuất phát từ sự nâng cao nhận thức về sản xuất, kinh doanh xanh. Mặt khác là từ các quy định pháp luật và yêu cầu từ thị trường quốc tế. Dư nợ tín dụng xanh năm 2024 của BIDV chiếm 4,09% tổng dư nợ, tương ứng hàng chục nghìn tỷ đồng và đã tăng 7,2% so với năm 2023. Các khoản vay xanh đến từ các doanh nghiệp dệt may, dự án công trình xanh, sản xuất và cung cấp nước sạch, phát triển năng lượng sạch, lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi theo các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh môi trường.

Trong khi chờ các quy định chính thức của Việt Nam, ngân hàng đã nghiên cứu và ban hành khung khoản vay bền vững theo chuẩn mực quốc tế để lựa chọn dự án. BIDV đang giảm dần cho vay các ngành phát thải carbon cao như (sắt, thép, xi măng, phân bón) và nâng tỷ trọng tài trợ dự án xanh với ưu đãi lãi suất. Tương tự, BIDV ban hành khung trái phiếu xanh vào năm 2023, khung trái phiếu bền vững năm 2024 tuân thủ theo các nguyên tắc, hướng dẫn của Hiệp hội thị trường vốn quốc tế (ICMA). Tổng nguồn vốn 2 loại trái phiếu khoảng 5.500 tỷ đồng, đang được phân bổ cho nhiều loại hình dự án về giao thông, năng lượng, công trình xanh, nhà ở xã hội.

Vấn đề hiện nay, theo ông Thành, tiêu chuẩn về tài chính xanh trên thế giới chưa hoàn toàn thống nhất và rõ ràng. Thực tế đang có nhiều bộ tiêu chuẩn, hướng dẫn khác nhau do các tổ chức quốc tế, khu vực phát triển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa hoàn thiện hệ thống pháp lý và danh mục phân loại, khiến việc triển khai sản phẩm tài chính xanh chưa đồng bộ. Do đó, các tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn trong việc xác định, đánh giá các dự án được tài trợ.

Một thách thức khác là thiếu phương pháp đo lường hiệu quả môi trường, khả năng sinh lời và độ rủi ro của dự án, khiến nhiều nhà đầu tư e ngại. Những điều này đang trở thành rào cản trong khơi thông nguồn vốn xanh tại Việt Nam.

Cuộc họp kỹ thuật Thúc đẩy tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam diễn ra ngày 25/3, tại Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên.

Cuộc họp kỹ thuật Thúc đẩy tài chính xanh hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam diễn ra ngày 25/3, tại Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên.

Bà Đặng Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Năng lượng và Môi trường nhận định, dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam hiện tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong khi các giao dịch trái phiếu xanh chưa có thị trường thứ cấp, chủ yếu là các giao dịch không được công bố rộng rãi.

Qua khảo sát và đánh giá của các chuyên gia, để thúc đẩy tài chính xanh tại Việt Nam, giải pháp trọng yếu là xây dựng chiến lược tổng thể về tài chính xanh, đảm bảo sự nhất quán với Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia. Trong đó xác định vai trò của các bên liên quan và thành lập cơ quan đầu mối quốc gia để điều phối việc thực hiện tăng trưởng xanh.

Việc xây dựng Danh mục phân loại xanh và cơ chế cập nhật định kỳ cần đảm bảo tính linh hoạt và phù hợp với xu thế phát triển công nghệ carbon thấp; hoàn thiện hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Mặt khác, nhà nước cần thiết lập một nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia để theo dõi và công bố thông tin về các sản phẩm tài chính xanh rộng rãi. Đây là những nền tảng căn bản giúp hệ thống tài chính xanh có thể hoạt động ổn định, trở thành đòn bẩy cho các dự án xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam.  

Xem thêm
4 'nhất' khi đặt mua các dòng xe VinFast Green trong 8 ngày vàng

Ngoài chi phí ban đầu, một trong những yếu tố khiến VinFast Green được săn đón ngay trong những ngày đầu mở cọc là khả năng 'kiếm ra tiền' vô cùng hiệu quả...

Thúc đẩy xanh hóa ngành cao su - nhựa

TP.HCM Việc thực hiện tốt EPR sẽ giúp ngành cao su - nhựa giảm thiểu tác động môi trường, đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực tái chế phát triển mạnh mẽ hơn.

Diễn Châu (Nghệ An): 'Gánh nặng' xử lý rác thải vùng ven biển

Một số xã vùng ven biển ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) đang xảy ra tình trạng đổ rác thải bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường và khó khăn trong công tác quản lý.

Xâm nhập mặn 'đe dọa' xóa sổ vùng lúa - rươi của Hải Phòng

HẢI PHÒNG Hàng nghìn hecta đầm ngoài đê được người dân canh tác theo mô hình kết hợp lúa - rươi tại Hải Phòng đang bị đe dọa bởi xâm nhập mặn ngày càng tăng.

Chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi Tả Trạch phải kiểm tra chất lượng nước thường xuyên, đảm bảo cho sản xuất.