Bộ tem bưu chính này được thiết kế theo phương pháp đồ họa, chắt lọc, thể hiện sơ đồ kênh Vĩnh Tế gắn với các địa danh liên quan và hình ảnh chân dung Danh thần Thoại Ngọc Hầu, người có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình bình định, mở mang bờ cõi vào thời nhà Nguyễn.
Kênh Vĩnh Tế là thành tựu thủy nông dưới triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Kênh được khởi công xây dựng năm 1819 và hoàn thành vào năm 1824 với chiều dài gần 91km, do Danh thần Nguyễn Văn Thoại (Thoại Ngọc Hầu) chỉ huy đào kênh.
Kênh Vĩnh Tế được đào song song với đường biên giới Việt Nam – Chân Lạp (nay là Campuchia), bắt đầu từ bờ Tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành (thuộc TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Công trình thể hiện tầm nhìn chiến lược của cha ông ta trong việc phát triển sản xuất, giao thương và bảo vệ chủ quyền biên giới.
Đến nay, kênh Vĩnh Tế vẫn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, cung cấp nước ngọt và phù sa cho hàng nghìn hecta đất nông nghiệp tại An Giang và vùng Tứ giác Long Xuyên. Ngoài ra, đây còn là nơi đón lượng nước lũ từ sông Mekong, mang lại nguồn lợi thủy sản dồi dào cho người dân An Giang.
Theo ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông An Giang, kênh Vĩnh Tế là một công trình lớn mang tính lịch sử, thể hiện trí tuệ, sức lao động sáng tạo của cha ông trước đây, vừa phát triển sản xuất, giao thương vừa bảo vệ tuyến biên giới, xác lập chủ quyền lãnh thổ nước ta.
Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế là dịp để mọi người ôn lại truyền thống lịch sử, ghi nhớ công ơn to lớn của các vị tiền nhân khai hoang, mở cõi. Qua đó, khuyến khích các thế hệ trẻ bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh đó, việc phát hành bộ tem bưu chính “Kỷ niệm 200 năm hoàn thành kênh Vĩnh Tế” không chỉ tưởng nhớ và tôn vinh công lao của Danh thần Thoại Ngọc Hầu cùng nhân dân trong công cuộc xây dựng kênh Vĩnh Tế mà con góp phần quảng bá giá trị văn hóa và lịch sử của kênh Vĩnh Tế nói riêng, đất và người An Giang nói chung đến với du khách trong nước và quốc tế.