Ngày 21/12, tại Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê trong quần thể di tích Bạch Đằng Giang, ông Lê Văn Thành - Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, việc phát hiện khai quật bãi cọc Bạch Đằng tại xã Liên Khê là việc làm vô cùng ý nghĩa.
Đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng để giúp chúng ta có thể có những nhận thức hết sức mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng. |
GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho biết, thông qua những phát hiện này chưa thể khẳng định trận đánh chính nằm ở bãi cọc Quảng Yên (Quảng Ninh) hay Cao Quỳ (Hải Phòng). Nhưng đây là một phát hiện cực kỳ quan trọng để giúp chúng ta có thể có những nhận thức hết sức mới, thậm chí làm thay đổi nhận thức về chiến thắng Bạch Đằng.
Theo nhận định của nhiều nhà khoa học về mặt cấu trúc địa chất, khu vực phát hiện bãi cọc ở Thủy Nguyên có núi non, rất phù hợp với việc ém quân và phục binh. |
Trước đó, như Báo NNVN đã đưa tin, ngày 1/10, trong quá trình đào đất trồng cau ở khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê), anh Nguyễn Văn Triệu đã phát hiện hai cây gỗ nằm cách bề mặt chừng 0,5-0,7m. Trước đó trong quá trình đào huyệt ở khu vực nghĩa địa, nằm về phía Bắc - Tây Bắc khu vườn cau, người dân cho biết có gặp phải những cọc gỗ lớn.
Trên cơ sở đó, các cấp ngành liên quan đã quyết định khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ. Kết quả khai quật 950m2, với 3 hố khai quật phát hiện 27 cọc. Các cọc phân bố theo chiều Đông - Tây, đường kính từ 26-46cm, trên các cọc có mộng ngoàm dùng để buộc dây kéo.
Các cọc phân bố không thẳng hàng và căn cứ vào kết quả giám định niên đại cho thấy, các cọc gỗ này có thể được bố trí thành thế trận vào thế kỷ XIII.
Bước đầu Viện Khảo cổ học nhận định, bãi cọc trên thuộc trận chiến Bạch Đằng lần 3 (năm 1288) của nhà Trần dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn chống quân xâm lược Nguyên Mông.
Về sự kiện này, lịch sử vẫn còn ghi rõ, đây là chiến thắng vẻ vang của quân Đại Việt do Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chỉ huy trước quân xâm lược Nguyên Mông.
Quân Nguyên bị thiệt hại vô cùng nặng (với khoảng hơn 4 vạn quân sĩ bị loại khỏi vòng chiến và nhiều tướng Nguyên trong đó có cả Ô Mã Nhi, Phạm Nhàn và Phàn Tiếp cũng bị bắt sống và dâng lên Thượng hoàng Thánh Tông.
Ngoài ra, có những 400 chiến thuyền của quân Nguyên rơi vào tay quân Trần thắng lớn. Đại thắng trên sông Bạch Đằng được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, và là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông.