Một nhóm các nhà khoa học của Trường Đại học Tây Nguyên vừa có chuyến khảo sát tại hai quần thể thủy tùng còn lại ở Ea Răl - huyện Ea H’Leo và Trấp K’Sơ - huyện Krông Năng (Đăk Lăk) đã phát hiện loài thủy tùng hay còn gọi thông nước (có tên khoa học Glyptostrobus pensilis) có thể sinh sản được bằng hình thức tái sinh chồi từ rễ thở. Đây được coi là phát hiện mới nhất và gây bất ngờ lớn.
Theo các nhà khoa học, họ đã phát hiện được khá nhiều cây thủy tùng non được sinh sản bằng hình thức tái sinh chồi trên các rễ thở bị thương của cây mẹ. Các cây non này đều có chất lượng tốt, bộ rễ khỏe. Đối với các loại cây có rễ thở thì việc tái sinh chồi trên rễ là rất hiếm gặp, mặt khác đầu các rễ thở của thủy tùng rất xốp, khiến khả năng sinh sản bằng cách tái sinh chồi trên rễ càng khó xảy ra hơn. Vì vậy, phát hiện này đã gây bất ngờ lớn trong giới khoa học.
Rễ thở của thủy tùng mọc lan xa cách gốc tới 6-7m và nhô cao lên khỏi mặt đất từ 5-30 cm. Cho đến nay, đã có rất nhiều nghiên cứu để nhân giống thủy tùng như giâm hom, ghép, nuôi cấy mô, vi nhân giống… nhưng vẫn chưa có phương pháp nào đem lại hiệu quả khả quan. Hiện vẫn chưa tìm thấy khả năng thụ phấn để sinh hạt tại các quần thể thủy tùng còn lại.
Thủy tùng là một loại gỗ quý hiếm đang bị nhiều đối tượng săn lùng và được bán với giá rất cao trên thị trường. Hiện nay trên thế giới, thủy tùng mọc tự nhiên chỉ còn lại một số quần thể với số lượng ít ỏi tại Đăk Lăk. Theo kết quả điều tra mới đây, trên toàn tỉnh Đăk Lăk hiện còn lại ba địa điểm có thủy tùng là Trấp K’Sơ ở huyện Krông Năng (31 cây), Ea Răl ở huyện Ea H’Leo (219 cây) và Cư Né ở huyện Krông Búk (5 cây), tổng cộng có 255 cây thủy tùng có độ tuổi 50-600 tuổi, đường kính 20-180cm.
Hiện tỉnh Đăk Lăk đang lập Dự án Bảo tồn loài-sinh cảnh thủy tùng với tổng kinh phí 45,9 tỷ đồng. Nếu dự án này được phê duyệt sẽ nhanh chóng được đưa vào thực hiện trong giai đoạn 2011 đến 2015.