Đảm bảo an toàn, sức khỏe người cao tuổi trong thiên tai
Ngày 27/10, tại Hà Nội, Hội thảo “Đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” được tổ chức với mục đích nâng cao nhận thức về sự cần thiết của việc đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đồng thời, Hội thảo cũng thảo luận để đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện nội dung này tốt hơn trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN-PTNT), Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, nhấn mạnh, trong công tác phòng, chống thiên tai, người cao tuổi luôn được quan tâm, đảm bảo an toàn, sức khoẻ trước thiên tai.
Đồng thời, lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai qua các thời kỳ luôn trân trọng những đóng góp của người cao tuổi, luôn xem người cao tuổi là điểm tựa, tấm gương học tập cho các thế hệ cán bộ làm phòng, chống thiên tai tại các cấp, đặc biệt là tại cấp cơ sở.
Lời hiệu triệu toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi đồng bào phòng chống lũ lụt năm 1947 có nội dung “Tôi tha thiết kêu gọi đồng bào bất kỳ già trẻ, trai gái, mọi người đều phải coi việc canh đê, phòng lụt là việc cần thiết của mình”.
“Lời hiệu triệu khẳng định công tác phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của toàn xã hội, toàn dân và lấy người dân là trung tâm. Quan điểm này đã được Chính phủ quán triệt sâu sắc và chỉ đạo trong Nghị quyết 76 của Chính Phủ về công tác phòng, chống thiên tai, Chiến lược Phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án ‘Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”, ông Nguyễn Văn Tiến nhấn mạnh.
Theo đó, với nỗ lực rất lớn từ các Bộ, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế, nhiều hoạt động tập huấn, truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng đã được triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận. Nhiều mô hình tốt, nhiều cá nhân xuất sắc đã được ghi nhận, tuyên truyền và nhân rộng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Thiên tai dưới tác động của biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, khó lường. Việc phát huy vai trò, sự tham gia chủ động của người dân, nhóm có nguy cơ cao, người cao tuổi và các lực lượng xã hội đã và đang là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai thông qua việc hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai các chương trình, đề án giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, góp phần bảo vệ thành quả phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe những bài tham luận về khái niệm, cơ sở pháp lý và sự cần thiết của việc đưa người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, các vấn đề đặt ra và thực hành tốt đã được thực hiện tại một số địa phương.
Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận nhóm với chủ đề “Cần làm gì để đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”. Kết quả thảo luận nhóm của các đại biểu tập trung vào một số điểm như vai trò và khả năng đóng góp của người cao tuổi trước, trong và sau thiên tai, các khoảng trống trong nhận thức, trong luật pháp chính sách cũng như việc áp dụng luật pháp chính sách và đưa ra một số khuyến nghị để có thể thực hiện tốt hơn công tác đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Việt Nam đã có những luật pháp, chính sách quan tâm đến vấn đề người cao tuổi trong thiên tai. Tuy nhiên, trong bối cảnh già hóa dân số nhanh, dịch bệnh và thiên tai diễn biến phức tạp, để công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả và thành công, nhiều đại biểu cho rằng cần phải vừa tính đến các nhu cầu đặc thù và tính dễ bị tổn thương của người cao tuổi, vừa phải phát huy được các kinh nghiệm, năng lực và sự tham gia của người cao tuổi, đặc biệt ở cộng đồng, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Người cao tuổi có sức khỏe, kinh nghiệm, kỹ năng, uy tín, tiếng nói, trách nhiệm
Theo bà Trần Bích Thủy, Giám đốc Tổ chức HelpAge International tại Việt Nam (HAI), hiện nay, 2 vấn đề nóng mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đang tìm cách thích ứng là biến đổi khí hậu và già hóa dân số.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới.
Tại Việt Nam, tỉ trọng người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên trong tổng dân số tăng nhanh từ 8,68% (7,45 triệu) năm 2009 lên 12,8% (12,6 triệu người) năm 2021 và dự báo sẽ đạt gần 17% (17,9 triệu) năm 2030.
Năm 2038 sẽ có 20% dân số (22,29 triệu) là người cao tuổi. Tức là cứ 5 người thì có 1 người là người cao tuổi. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng cao, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới (72 tuổi).
Năm 2036 Việt Nam được dự báo sẽ bước vào giai đoạn dân số già và cũng năm 2036, số người 60 tuổi trở lên sẽ nhiều hơn số trẻ em dưới 15 tuổi.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, năm 2019, phần lớn (58,5%) người cao tuổi thuộc nhóm người cao tuổi trẻ hay còn gọi là nhóm sơ lão (dưới 70 tuổi), và tỉ lệ này vẫn chiếm gần 57% vào năm 2029.
Theo bà Trần Bích Thủy, thực tế đó đặt ra 2 vấn đề đối với công tác quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Thứ nhất là làm thế nào để phát huy vai trò và sự đóng góp của người cao tuổi, một lực lượng tại chỗ ngày càng tăng, nhất là khi phần lớn người cao tuổi đang thuộc độ tuổi trẻ, có sức khỏe, có kinh nghiệm, kỹ năng, uy tín, tiếng nói, trách nhiệm ở cộng đồng.
Thứ hai, làm thế nào để đảm bảo các nhu cầu đặc thù, giảm các yếu tố rủi ro hay tính dễ bị tổn thương của người cao tuổi liên quan đến sức khỏe, tình trạng khuyết tật, an sinh thu nhập, sắp xếp cuộc sống… khi phần lớn người cao tuổi có bệnh mãn tính, 11,7% người cao tuổi là người khuyết tật, số người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn còn cao và tỉ lệ người cao tuổi sống một mình hoặc sống với vợ/chồng hay gia đình khuyết thế hệ (chỉ có người cao tuổi sống với cháu dưới 15 tuổi) có xu hướng tăng cao, chiếm đến 35% người cao tuổi.
“Công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và của tất cả các cấp, các ngành. Việc đưa nội dung người cao tuổi vào quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng chỉ thành công nếu mỗi chúng ta, mỗi tổ chức chúng ta thực hiện nội dung này trong các hoạt động, chương trình phòng, chống thiên tai của tổ chức mình”, đại diện Tổ chức HAI nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng cần nâng cao nhận thức, hiểu biết về người cao tuổi, về sự cần thiết và cách đưa nội dung người cao tuổi vào phòng chống thiên tai nói chung và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng nói riêng.
Đồng thời, cần xây dựng, cập nhật, thu thập, phân phát và sử dụng thường xuyên cơ sở dữ liệu có phân tách theo độ tuổi, giới tính và tình trạng khuyết tật trong phòng, chống thiên tai.