Ngày 21/10, Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tọa đàm với chủ đề "Giải pháp sinh kế thích ứng và giảm thiểu rủi ro thiên tai tại cộng đồng" trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Đây là hoạt động nằm trong Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” theo Quyết định số 553/QĐ-TTg ngày 06/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề án có nội dung lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược phát triển đất nước. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các nội dung thuộc Đề án.
Những năm gần đây, tình hình thiên tai trong nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng diễn biến ngày càng phức tạp. Việc nâng cao nhận thức cho người dân gắn với phát triển kinh tế bền vững, giảm thiểu rủi ro thiên tai là biện pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận các vấn đề về công tác phòng trước khi thiên tai (đối với cây trồng, vật nuôi, nuôi và khai thác thủy sản); khắc phục trong và sau thiên tai (xử lý bùn đất, xử lý chuồng nuôi, ao nuôi, môi trường...); các giải pháp sinh kế để phát triển nông nghiệp bền vững (lựa chọn các loại cây trồng, vật nuôi có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, các biện pháp dự trữ thức ăn cho vật nuôi để đảm bảo sau lũ, hạn hán, cũng cấp đủ thức ăn cho đàn vật nuôi...).
Dịp này, đại biểu tham dự tọa đàm đã tham quan một số mô hình sinh kế trong sản xuất nông nghiệp giúp bà con vùng bão lũ phát triển kinh tế giảm thiểu thiệt hại sau thiên tai như: Mô hình trang trại chăn nuôi bò sinh sản tại xã Hải Thái, huyện Gio Linh; mô hình nuôi ốc nhồi tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ.
Thông qua buổi tọa đàm, góp phần nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai; cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành văn hoá phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng chống thiên tai...