| Hotline: 0983.970.780

Phát huy vai trò đội ngũ khuyến nông cơ sở

Thứ Ba 09/07/2019 , 14:05 (GMT+7)

Công tác khuyến nông cơ sở của Hà Giang đã có những đóng góp thiết thực và hiệu quả vào việc chuyển giao các tiến bộ KHKT nông nghiệp cho nông dân.

Do đặc thù, đội ngũ khuyến nông cơ sở (gồm đội ngũ cán bộ khuyến nông xã, thị trấn và các thôn bản) là những cán bộ nông nghiệp luôn sâu sát, gần gũi nhất đối với người nông dân. Họ chính là cầu nối quan trọng để chuyển giao những tiến bộ KHKT nông nghiệp đến với người nông dân.

07-44-55_cn_bo_khuyen_nong_x_linh_ho_huyen_vi_xuyen_chuyen_gio_tien_bo_ky_thut_cnh_tc_lu_ci_tien_sri_toi_nguoi_nong_dn
Cán bộ khuyến nông cơ sở chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa SRI tới người nông dân.

Nhờ đó, trong những năm qua, nông nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển mang tính đột phá trên các lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi; năng suất cây trồng, vật nuôi không ngừng được nâng lên; góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình xây dựng NTM trên địa bàn của một tỉnh nghèo.

Theo tiêu chí xây dựng NTM tại các xã trung du và miền núi thì thu nhập bình quân đầu người/năm phải đạt từ 1,2 lần trở lên so với mức bình quân chung của tỉnh và tỷ lệ hộ nghèo phải đạt dưới 10 %. Để đạt được mục tiêu quan trọng này, hệ thống khuyến nông cơ sở của Hà Giang đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp đề ra, đó là góp phần cùng các cơ quan chuyên môn đưa các giống lúa lai, ngô lai, đậu tương giống mới có năng suất, chất lượng cao vào SX, kết hợp với việc đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, không ngừng nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở của Hà Giang đã tham gia công tác tuyển chọn các loại gia súc và gia cầm mang tính đặc sản địa phương có giá trị và hiệu quả kinh tế cao như: Gạo tẻ Già Dui huyện Xín Mần, lúa Khẩu Mang huyện Đồng Văn, bò vàng, dê núi đá, gà xương đen tại 4 huyện vùng cao nguyên đá….kết hợp với áp dụng các tiến bộ KHKT mới nhằm không ngừng nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi.

Anh Ma Doãn Vang, cán bộ khuyến nông xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên - người đã được UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen vì có “Đóng góp xuất sắc vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp của tỉnh Hà Giang”, tâm sự: Cán bộ khuyến nông cơ sở là những người gần gũi nhất đối với nông dân. Để người dân tiếp thu và áp dụng tốt các kiến thức KHKT thì cán bộ khuyến nông cơ sở phải có phương pháp chuyển giao bền bỉ, thuyết phục. Bên cạnh đó, phải biết lắng nghe ý kiến phản hồi từ chính bà con nông dân để thay đổi phương pháp chuyển giao cho phù hợp.

Nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân, ngành nông nghiệp của Hà Giang đã triển khai hàng trăm mô hình thuộc các lĩnh vực nông lâm nghiệp, chủ yếu là các mô hình trình diễn cây trồng và chăn nuôi giống mới. Trong đó, đối với 4 huyện vùng Cao nguyên đá (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ) tập trung vào các mô hình hỗ trợ trồng cỏ gắn với chăn nuôi bò hàng hóa; mô hình trồng rau, hoa sạch; các mô hình trồng cây dược liệu và nuôi ong.

Đối với 2 huyện vùng cao phía tây (Hoàng Su Phì và Xín Mần) tập trung vào các mô hình chăn nuôi trâu, lợn đen, trồng và chế biến chè, cây dược liệu và đậu tương. Đối với các huyện vùng thấp (Vị Xuyên, Bắc Quang, Quang Bình, Bắc Mê và TP Hà Giang) tập trung triển khai các mô hình phát triển chăn nuôi thuỷ sản, trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia cầm và phát triển lúa, ngô hàng hoá… Thành công của các mô hình này có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở tại các xã, thị trấn, thôn bản.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, ngoài sự cố gắng chung sức của ngành nông nghiệp, của Chương trình Xây dựng NTM còn có sự đóng góp hiệu quả của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở. Họ chính là người “cầm tay, chỉ việc” giúp nông dân, chỉ đạo các khâu kỹ thuật từ khi triển khai đến kết thúc các mô hình.

Khuyến nông cơ sở chính là nguồn lực quan trọng giúp người nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đó chính là tiền đề quan trọng trong quá trình xây dựng thành công NTM trên địa bàn của tỉnh Hà Giang trước mắt cũng như lâu dài.

(Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Hà Giang)

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.