Các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, tài nguyên cạn kiệt… đã và đang tác động rất lớn đến nền kinh tế và chính “sức khỏe” của mỗi doanh nghiệp.
Không còn là việc “nên làm”, phát triển bền vững đã trở thành con đường bắt buộc nếu muốn tồn tại, vượt qua giai đoạn hiện tại và để đi xa hơn trong tương lai.
Theo chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại “Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam 2020”, Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp, nhưng hiện chỉ có 2.000 doanh nghiệp (2%) là thành viên của cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững ở Việt Nam và khoảng 100.000 doanh nghiệp (15%) tiếp cận được các thông tin về phát triển bền vững.
Điều đó cho thấy phát triển bền vững tại Việt Nam trong những năm qua tuy đã có bước tiến mới nhưng sức lan tỏa chưa cao.
Trong khi đó, thực tế cho thấy Covid-19 đã gây ra những tác động lên kinh tế - xã hội như thế nào khi giao thương khó khăn, chuỗi cung ứng có nguy cơ đứt gãy, thu nhập giảm sút...
Theo nhiều ý kiến nhận định, trong bối cảnh đó, phát triển bền vững sẽ là “vaccine” cho doanh nghiệp để bảo vệ chính mình giữa bối cảnh Covid-19. Các doanh nghiệp theo đuổi định hướng này thường trụ vững tốt hơn, tìm ra cơ hội để tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sự ổn định về hoạt động, thậm chí vẫn duy trì được các giá trị mang đến cho xã hội và đóng góp vào nền kinh tế.
“Thực tiễn hoạt động trong bối cảnh Covid-19 cho thấy những doanh nghiệp xây dựng được mô hình quản trị theo hướng phát triển bền vững đã chứng tỏ được khả năng chống chịu cao hơn so với các doanh nghiệp khác”, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết.
Vinamilk là một trong những doanh nghiệp Việt Nam điển hình cho thấy rõ hơn nhận định này. Kết thúc năm tài khóa 2020 đầy thách thức, doanh nghiệp vẫn ghi nhận mức doanh thu hợp nhất đạt 59.723 tỷ đồng và tiến lên 6 bậc trong danh sách 50 công ty sữa lớn nhất của thế giới.
Ứng phó với các tác động, biến “nguy” thành “cơ” trong mảng xuất khẩu, Vinamilk tận dụng cơ hội để đẩy mạnh các sản phẩm thế mạnh sang các thị trường truyền thống, khai phá tốt các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore…, phát triển thêm thị trường mới tại các khu vực mới như châu Phi.
Không chỉ mở theo chiều rộng, ở chiều sâu, giá trị của thương hiệu Vinamilk cũng đã tăng lên 2,4 tỷ USD trong một năm đầy thách thức và ảm đạm của nền kinh tế.
Nếu không đặt phát triển bền vững ở tầm chiến lược và quản trị, Vinamilk đã khó có được sự vững vàng giữa tâm bão. Chiến lược cũng như hành động cụ thể về phát triển bền vững đã được thể hiện rất rõ qua các Báo cáo Phát triển bền vững do doanh nghiệp này công bố hàng năm.
Được biết, liên tục từ năm 2012, các hoạt động phát triển bền vững đã được Vinamilk lập thành một báo cáo độc lập với Báo cáo thường niên. Nội dung được đầu tư công phu, trình bày rõ ràng từ định hướng, phương thức quản lý, đến mục tiêu; chương trình hành động, đặc biệt là các sáng kiến nổi bật liên quan đến lĩnh vực trọng yếu.
Qua đó Vinamilk cho thấy mức độ cam kết, sự lắng nghe và hài hòa mong đợi của Vinamilk dành cho các bên liên quan như Nhà cung cấp/đối tác; Cộng đồng; Cổ đông/Nhà đầu tư; Người lao động; Chính phủ/Hiệp hội ngành; và Người tiêu dùng.
Theo Vinamilk, nhằm đảm bảo tiêu chí minh bạch, toàn diện, đáng tin cậy, Báo cáo Phát triển bền vững của Vinamilk được lập theo Chuẩn mực sáng kiến báo cáo toàn cầu về lập báo cáo (GRI standards) cùng một số chỉ tiêu được công bố bổ sung theo hướng dẫn của GRI dành riêng cho lĩnh vực thực phẩm (GRI Food Processing).
Trong Báo cáo Phát triển bền vững, Vinamilk còn đề cập đến bối cảnh và sự tương quan, đồng hành cùng các vấn đề về phát triển bền vững của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nổi bật là các mục tiêu và hoạt động chiến lược của Vinamilk gắn với các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (17 Sustainable Development Goals), Khung Phát triển bền vững ngành sữa (DSF)…
Có thể nhận thấy rõ hơn qua các vấn đề như việc làm bền vững, môi trường, năng lượng sạch, năng lượng bền vững... đã được doanh nghiệp này đẩy mạnh trong thời gian qua và đây là định hướng được công ty quyết tâm thực hiện.
“Kinh tế tuần hoàn” là từ khóa được Vinamilk nhắc đến trong báo cáo về phát triển bền vững cách đây 3 năm. Mô hình này, khi Covid-19 xảy ra, đã được nhiều chuyên gia đánh giá là trợ thủ cho các doanh nghiệp vượt sóng và sẵn sàng cho cơ hội bứt phá “hậu đại dịch”. Việc giảm chi phí, tiết kiệm tài nguyên bằng cách tăng cường giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế… thực sự là hướng đi đúng đắn cho các doanh nghiệp.
Chiến lược rõ nét, liên tục cải tiến công tác quản trị và sự minh bạch, nghiêm túc trong phát triển bền vững được cho là sẽ giúp cho doanh nghiệp sữa tỷ đô ổn định trong đỉnh của đại dịch, sẵn sàng bứt tốc đón lấy xu thế phục hồi. Duy trì được sự bền vững, thì mục tiêu họ đặt ra về top 30 công ty sữa lớn nhất thế giới thực sự không phải quá tầm tay.