| Hotline: 0983.970.780

Phát triển công nghiệp sinh học: Cơ hội và thách thức trong tình hình mới

Thứ Năm 09/07/2020 , 06:01 (GMT+7)

Trong quá trình triển khai, Bộ Công Thương luôn đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm để gắn kết với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học công nghệ...

Nghiên cứu giống cây trồng mới ở khu công nghiệp công nghê cao tại TP.HCM. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nghiên cứu giống cây trồng mới ở khu công nghiệp công nghê cao tại TP.HCM. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.


Đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm

Ngày 4/3/2005, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 50 CT/TW về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nắm bắt được nhu cầu thực tế trong nước cũng như xu hướng phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học trong các ngành công nghiệp chế biến của các nước trong khu vực và thế giới, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai từ ngày 25/1/2007. Đây chính là dấu mốc quan trọng đánh dấu quá trình chuyển biến từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ sinh học trong nước và cũng chính hướng đi này đã khẳng định sự chỉ đạo đúng đắn, phù hợp và hiệu quả của lãnh đạo Chính phủ đối với việc phát triển, đưa khoa học và công nghệ vào đời sống nói chung cũng như thúc đẩy công nghệ sinh học tại Việt Nam theo phương hướng lãnh đạo của Ban Bí thư.

Quá trình phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đã được Bộ Công Thương triển khai trên cả 3 miền (Bắc, Trung, Nam), trải dài từ tỉnh Quảng Ninh đến Cà Mau, triển khai tại gần 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với sự tham gia của hơn 1.000 nhà khoa học trong nước và quốc tế. Trong quá trình triển khai, Bộ Công Thương luôn đặt doanh nghiệp ở vị trí trung tâm để gắn kết với các tổ chức, cá nhân KH&CN nhằm thúc đẩy có hiệu quả kết quả nghiên cứu, điều đó được thể hiện qua con số từ 52% tăng lên 100% sự tham gia, phối hợp hoặc chủ trì của doanh nghiệp trong quá trình triển khai các nhiệm vụ KH&CN thuộc Đề án ở các khía cạnh khác nhau như: Nghiên cứu, đào tạo công nghệ, tiếp nhận công nghệ, sản xuất sản phẩm hoặc phân phối, kinh doanh sản phẩm trong nước và xuất khẩu.

Hầu hết các nhiệm vụ KH&CN trong giai đoạn vừa qua đều gắn với yêu cầu thực tiễn sản xuất và đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực, công nghệ bước đầu được triển khai theo định hướng “công nghệ tuần hoàn”, “sạch” và một số kết quả đạt trình độ ngang bằng các công nghệ tương tự trong khu vực và châu Âu, các sản phẩm có giá thành cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại ngoại nhập (thấp hơn từ 20 - 60%). Đây chính là cách tiếp cận hiệu quả với thực tiễn và nhu cầu phát triển kinh tế của doanh nghiệp. Tỷ lệ đề tài chiếm 65,5%, dự án sản xuất thử nghiệm chiếm 34,5% nhưng kinh phí đối ứng của doanh nghiệp chiếm xấp xỉ 50% so với kinh phí được giao từ ngân sách nhà nước. Điều đó chứng tỏ, bên cạnh các dự án phải đối ứng với tỷ lệ 70-30 thì các đề tài cũng đã chủ động đối ứng kinh phí vào giai đoạn hoàn thiện sản phẩm, bao bì và sản xuất sản phẩm, quảng bá sản phẩm.

Nghiên cứu chế biến cá tra xuất khẩu của Cty Trường Giang (Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nghiên cứu chế biến cá tra xuất khẩu của Cty Trường Giang (Đồng Tháp). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Kết quả triển khai Đề án cho thấy, công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học của Bộ Công Thương đã đạt nhiều tiến bộ vượt bậc, thể hiện rõ nét trong quá trình chuyển đổi từ nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm và sản xuất sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Các nhiệm vụ KH&CN từng bước được đổi mới, cả về số lượng, chất lượng và cả trình độ của các công nghệ. 

Cơ hội và thách thức phát triển công nghiệp sinh học trong thời kỳ mới

Ngày 30/6/2019, Việt Nam đã ký kết chính thức Hiệp định EVFTA. Ngày 8/6/2020, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua phê chuẩn EVFTA và EVIPA. Việc ký kết thành công của hiệp định thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Phát triển công nghiệp sinh học trong nước nhận thấy sẽ có một số cơ hội: (1) Ưu đãi về thuế cho hàng Việt, sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như nông thủy sản, sản phẩm chế biến sâu từ nông thủy sản... sang thị trường EU - một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay là rất đáng kể. Theo đó, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, giúp cho các loại hàng hóa được sản xuất bằng chính các công nghệ sinh học từ nguồn nguyên liệu nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh; (2) Về sở hữu trí tuệ, cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, chính vì vậy, các công nghệ đã được nghiên cứu, phát triển và đăng ký sở hữu trí tuệ về công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến sẽ có lợi thế rất lớn khi gia nhập một trong những “thị trường công nghệ” lớn nhất thế giới là EU; (3) Thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất hàng hóa, nhìn chung, các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế về công nghệ, vì vậy đã góp phần tích cực trong việc tạo ra một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao và xu thế đầu tư của EU chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến trong nước có cơ hội tiếp nhận các công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ sinh học của EU để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU với lợi thế cạnh tranh cao về nguồn nhân lực và nguồn nguyên liệu giá rẻ, phong phú, sẵn có tại Việt Nam.

Tuy nhiên cơ hội song hành cùng thách thức: Để nắm bắt được các cơ hội này không phải là dễ dàng, hàng hóa được tạo ra từ các công nghệ “Made in Việt Nam” còn cần phải vượt qua nhiều rào cản như hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ… Các doanh nghiệp công nghiệp sinh học trong lĩnh vực chế biến nông sản cần phải chủ động nâng cao, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và áp dụng mô hình, công cụ quản trị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào thị trường châu Âu, tìm hiểu thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của doanh nghiệp mình. Trong quá trình đó, Bộ Công Thương sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình, đề án về khoa học và công nghệ.

Sản xuất cà chua công nghệ cao tại Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Sản xuất cà chua công nghệ cao tại Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.


Kết luận

Từ các kết quả đạt được sau 12 năm triển khai thực hiện Quyết định số 14/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, với hàng trăm công nghệ đã được nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào các loại hình doanh nghiệp (nhỏ, vừa và doanh nghiệp quy mô công nghiệp), nhiều sản phẩm được sản xuất, lưu thông trên thị trường đã khẳng định việc triển khai thành công của Chương trình phát triển công nghệ sinh học do Bộ Công Thương chủ trì theo Chị thị 50 của Ban Bí thư, Quyết định số 14/2007/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ đối với thực tiễn nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam nói chung và của ngành công nghiệp chế biến nói riêng. Qua đó, khẳng định việc triển khai đồng bộ, bài bản và đạt chất lượng đối với hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, đảm bảo việc sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đóng góp một phần không nhỏ và khẳng định sự thành công của việc phát triển công nghệ sinh học tại Việt Nam để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, đứng trước lộ trình triển khai EVFTA, đòi hỏi các doanh nghiệp phát triển công nghiệp sinh học trong nước cần chủ động xây dựng lộ trình cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực, trình độ công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để sẵn sàng đi trước đón đầu và tạo lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn tới. Đồng thời, công tác quản lý triển khai phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương cũng đòi hỏi phải có những bước đi sáng tạo, cải cách triệt để thủ tục hành chính, rút gọn các quy định trong sở hữu trí tuệ để đáp ứng hài hòa với yêu cầu của EU trong quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển sản phẩm có chất lượng cao để công cuộc thực hiện EVFTA và EVIPA đạt hiệu quả cao như định hướng chỉ đạo của Chính phủ.

Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất