Quyết định số 1086 của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/9/2023, phê duyệt quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, trong các đột phá phát triển nhấn mạnh: thu hút tối đa nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông (giao thông liên kết nội vùng, liên kết với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng thủ đô Hà Nội). Phát triển thủy lợi, hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng liên kết nông thôn với đô thị, liên kết nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ.
Yên Bái là cửa ngõ vùng Tây Bắc, nằm trên trung điểm của một trong những tuyến hành lang kinh tế chủ lực Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Những năm qua, từ các nguồn đầu tư, Yên Bái đã phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng, tạo cơ hội thuận lợi để hội nhập, giao lưu kinh tế thương mại, phát triển văn hóa xã hội… với các tỉnh trong vùng, các trung tâm kinh tế lớn trong cả nước và quốc tế.
Phát triển đô thị hài hòa 2 bên bờ sông Hồng
Những ngày đầu năm 2024, ngược xuôi đôi bờ sông Hồng đoạn qua thành phố Yên Bái có thể chứng kiến những cây cầu mới hoàn thành mang xứ mệnh kết nối đôi bờ. Trước đây, cầu Yên Bái là chứng nhân lịch sử mở đường gắn kết giao thương giữa trung tâm tỉnh với các huyện, thị miền Tây. Hiện nay, những cây cầu mới như: Tuần Quán, Bách Lẫm, Văn Phú, Cổ Phúc, Giới Phiên lại có nhiệm vụ mở rộng, phát triển thành phố sang hữu ngạn sông Hồng.
Cuối năm 2023, cầu Giới Phiên chính thức khánh thành đưa vào hoạt động. Đây là cây cầu thứ 8 bắc qua sông Hồng tại Yên Bái. Với kiến trúc mỹ thuật, điểm nhấn mỹ quan đẹp đã góp phần cơ bản hoàn thiện hệ thống cầu vượt sông, phát triển không gian đô thị thành phố hiện đại, kết nối vùng, liên vùng.
Ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, hệ thống các công trình cầu qua sông Hồng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với tỉnh Yên Bái, các công trình đưa vào sử dụng đã và sẽ từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là động lực thu hút đầu tư xây dựng trung tâm thành phố Yên Bái mới, các khu đô thị, khu trung tâm dịch vụ thương mại, giáo dục, y tế, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và khu công nghiệp.
Trong chuyến làm việc tại tỉnh Yên Bái cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao việc tỉnh Yên Bái quy hoạch mở rộng thành phố Yên Bái sang hữu ngạn sông Hồng và phân thành phố thành 3 khu vực là khu đô thị cũ, khu vực không gian sông Hồng và khu đô thị mới.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị tỉnh Yên Bái cần tiếp tục lấy sông Hồng làm trục không gian phát triển. Xây dựng các cây cầu để phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Hồng, mỗi một cây cầu cũng là một điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc du lịch. Việc mở rộng không gian phát triển mới phải dành quỹ đất phát triển sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo công ăn việc làm, phát triển bất động sản, đô thị bền vững.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã hoàn thành 8 cây cầu vượt sông Hồng tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái. Qua đó, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương của nhân dân, rút ngắn thời gian vận tải của doanh nghiệp; thu hút đầu tư và phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Gạch nối liên kết vùng
Bên cạnh hệ thống cầu, hàng loạt tuyến đường giao thông mang tính chất kết nối vùng, liên vùng, xoay quanh tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại tỉnh Yên Bái đã và đang được triển khai đầu tư xây dựng. Ngay trong những tháng đầu năm, các đơn vị thi công vẫn miệt mài huy động máy móc, phương tiện sẻ núi, dựng cầu mở đường nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC15). Dự án có tổng mức đầu tư 1.900 tỷ đồng, với quy mô đường cấp IV miền núi có tổng chiều dài gần 70 km.
Công trình hoàn thành sẽ phá thế độc đạo từ trung tâm tỉnh Yên Bái đi huyện Mù Cang Chải, đáp ứng niềm mong mỏi bao đời của người dân vùng cao nơi đây. Đồng thời tạo điều kiện phát triển du lịch cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) chia sẻ: tuyến đường này sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Mù Cang Chải - Hà Nội từ 7 - 8 tiếng xuống còn 4 - 5 tiếng và kết nối Mù Cang Chải với các tỉnh Đông Bắc bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển sản xuất, đẩy mạnh giao thương, phát triển du lịch và thu hút đầu tư.
Tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên, hiện đang có có hàng loạt tuyến đường được triển khai xây dựng để đấu nối vào IC13, IC14, IC15 (đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai).
Ông Lưu Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: trên địa bàn huyện hiện đang triển khai nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh như: dự án đầu tư xây dựng đường nối quốc lộ 32 với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại điểm IC15, dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc, tuyến nối thị xã Nghĩa Lộ với cao tốc Nội Bài - Lào Cai...
Các tuyến đường này khi hoàn thành sẽ nâng cao khả năng vận tải, giảm chi phí, thời gian đi lại giữa các khu vực trong tỉnh với đường cao tốc. Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại. Góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có tiềm lực đến đầu tư, kinh doanh, phát triển du lịch, hạ tầng đô thị, dịch vụ trên địa bàn.
Hình thành 6 trục kinh tế, 2 trung tâm đô thị
Trong giai đoạn tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương liên quan đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai theo quy hoạch; đầu tư xây dựng mới tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với tỉnh Hà Giang. Đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến đường quốc lộ hiện có như: Quốc lộ 37, 70, 32, 32C, 2D; quy hoạch mới 2 tuyến Quốc lộ 32D và 3B. Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh lộ, đường đô thị, liên tỉnh, liên huyện, liên xã.
Việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông sẽ là động lực quan trọng giúp tỉnh Yên Bái hình thành các trục kinh tế theo Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Cụ thể, thứ nhất, trục dọc theo tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai là trục kinh tế huyết mạch đi qua vùng trung tâm tỉnh Yên Bái gồm thành phố Yên Bái và các huyện Trấn Yên, Văn Yên. Trục này, định hướng phát triển kinh tế tổng hợp, công nghiệp hỗ trợ, logistics, thương mại, giáo dục, y tế, du lịch, nông nghiệp sinh thái.
Trục thứ hai dọc theo tuyến Quốc lộ 70, đi qua trung tâm vùng phía Đông tỉnh Yên Bái (gồm các huyện Yên Bình, Lục Yên) định hướng phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, lâm nghiệp, dược liệu.
Trục thứ ba dọc theo tuyến Quốc lộ 32 đi thị xã Nghĩa Lộ và các huyện Văn Chấn, Mù Cang Chải, Trạm Tấu; định hướng phát triển đô thị, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch mạo hiểm, nông nghiệp sinh thái, thương mại dịch vụ…
Trục thứ tư được hình thành từ nâng cấp các tuyến đường tỉnh lộ 174, 175 và tuyến đường Trạm Tấu (Yên Bái) - Bắc Yên (Sơn La), định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ, logistics, du lịch, đô thị, nông nghiệp sinh thái, lâm nghiệp.
Trục thứ năm theo trục giao thông được hình thành mới nối huyện Mù Cang Chải với cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC15; tuyến đường liên vùng kết nối Mường La (Sơn La), Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu), Mù Cang Chải, Văn Chấn, Văn Yên (Yên Bái) với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, định hướng phát triển du lịch, công nghiệp, dịch vụ, logistics, lâm nghiệp.
Trục thứ sáu dọc theo tuyến Quốc lộ 37, hành lang kết nối thành phố Yên Bái và các huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Chấn; định hướng phát triển trung tâm thương mại, logicstic, giáo dục, y tế, du lịch.
Ngoài ra, còn hình thành 2 trung tâm động lực kinh tế quan trọng gồm: trung tâm đô thị thành phố Yên Bái và huyện Yên Bình, đô thị trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, giáo dục, dịch vụ, du lịch. Trung tâm đô thị Nghĩa Lộ là đô thị văn hóa di sản gắn với thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao…
Giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư 26 dự án, công trình trọng điểm với tổng mức đầu tư đến nay khoảng gần 13.000 tỷ đồng; trong đó, có 17 dự án, công trình phát triển hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư hơn 9.500 tỷ đồng.