| Hotline: 0983.970.780

Phát triển ngành thủy sản bền vững: [Bài 2] Vai trò của cộng đồng ngư dân

Thứ Hai 20/11/2023 , 14:12 (GMT+7)

Trong hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngoài sự vào cuộc của các ngành chức năng, địa phương thì vai trò của cộng đồng ngư dân là một phần không thể thiếu.

Người dân và cơ quan chức năng tham gia thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Q.V.

Người dân và cơ quan chức năng tham gia thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: Q.V.

Trong những năm gần đây, các nhóm hải sản chính như: cá nổi nhỏ, cá nổi lớn ở vùng biển nước ta có xu hướng suy giảm ở mức độ khác nhau, trong đó nguồn lợi hải sản tầng đáy có mức độ suy giảm mạnh nhất. Tỷ lệ suy giảm nhiều nhất ở vùng biển Trung bộ với khoảng 57%. Theo số liệu thống kê năm 2022, sản lượng sản lượng khai thác của nước ta đạt 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% so với năm 2021, riêng sản lượng khai thác biển giảm 2%.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Kiểm ngư, Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay trữ lượng thủy sản ở nước ta không những giảm mà nhiều loài đã biến mất. Đây là hệ quả của một thời gian dài chúng ta chưa kiểm soát được số lượng tàu thuyền khai thác phù hợp với từng vùng biển và nguồn lợi cho phép khai thác. Ngoài ra, nhận thức của người dân về vấn đề bảo vệ nguồn lợi vẫn chưa cao.

Thực tế, ở các tỉnh thành ven biển, hành động đánh bắt trái pháp luật như dùng xung điện, chất nổ… vẫn còn diễn ra. Một số địa phương vẫn còn duy trì khá nhiều tàu cá đánh bắt theo kiểu tận diệt như nghề lười dây, lưới kéo. “Trong một mẻ lưới kéo chỉ có 10% là cá thương mại, còn lại là cá phân (cá thức ăn). Tỷ lệ thất thoát sau khai thác cũng còn khá lớn, khoảng 30%. Đây là tồn tại và thách thức rất lớn của ngành thủy sản cũng như công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, từ thực tế thấy được, để giải quyết được tận gốc rễ vấn đề thì cần phải làm sao thay đổi được nhận thức của người dân, đánh bắt có trách nhiệm, khôn khéo. Cùng với đó là ý thức tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản đảm bảo sinh kế lâu dài. Ngoài ra, lãnh đạo các tỉnh, thành cũng phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện và có giải pháp xử lý với những hành vi khai thác bất hợp pháp, ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên.

“Điều đầu tiên các nhà lãnh đạo nên quan tâm là điều tra về loài không phải chỉ ở vùng biển mà cả vùng nội đồng: khu vực đó có bao nhiêu loại, bao nhiêu hệ sinh thái, số lượng hải sản. Khi có được thông tin này rồi thì hoàn toàn chủ động được các giải pháp, kế hoạch để bảo vệ, phát triển. Những khu vực cấm sẽ tiến hành thực thi pháp luật. Đối với những khu vực bảo vệ sẽ giao cho cộng đồng quản lý”, ông Hùng kiến nghị.

Tổ cộng đồng ngư dân ở xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam) vừa tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản vừa kết hợp phát triển du lịch tại rạn Bà Đậu. Ảnh: L.K.

Tổ cộng đồng ngư dân ở xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam) vừa tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản vừa kết hợp phát triển du lịch tại rạn Bà Đậu. Ảnh: L.K.

Hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không thể thiếu được người dân. Người dân được xác định là trung tâm của định hướng. Ở một số địa phương, tổ cộng đồng ngư dân đã cho thấy được hiệu quả tương đối rõ nét. Tại tỉnh Quảng Nam, Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi hải sản rạn Bà Đậu (xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) được xem là một ví dụ điển hình.

Hiện nay, tổ cộng đồng này có 43 thành viên được giao quyền quản lý 64ha mặt nước. Những thành viên trong tổ có trách nhiệm tổ chức, quản lý, tuần tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm liên quan đến nuôi trồng, khai thác hải sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đối tượng cần bảo vệ mà tổ cộng đồng hướng tới là hệ sinh thái rạn san hô bao gồm các loài san hô và thủy sản sống trong khu vực rạn san hô (rong biển, tôm hùm mẹ đang mang trứng, tôm hùm giống, rùa biển…).

Theo ông Nguyễn Xuân Uy, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, ngoài hoạt động bảo vệ, tổ cộng đồng đã xây dựng phương án nhằm định hướng cho các hộ khai thác lợi thế nguồn lợi thủy sản một cách bền vững, bảo vệ môi trường gắn với hoạt động du lịch; tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh và xây dựng chuỗi liên kết giữa các hộ khai thác thủy sản với các hộ kinh doanh du lịch, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho hộ dân.

Về vấn đề chính sách để thực hiện mục tiêu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ông Lê Trần Nguyên Hùng thông tin, hiện nay, đơn vị đang thực hiện 3 chương trình gồm: Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản; Chương trình quốc gia về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đề án thành lập mới, mở rộng khu bảo tồn biển, khu phục hồi hệ sinh thái.

“3 chương trình này hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ. Nếu được phê duyệt thì đây sẽ là không gian vô cùng quan trọng cho Trung ương và địa phương triển khai công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới, có thể là 10 năm. Để nghề thủy sản phát triển bền vững, không có con đường nào khác là bảo tồn biển, bảo vệ đa dạng sinh học cũng giống như nguồn lợi thủy sản”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo định hướng đến 2030, ngoài 27 khu bảo tồn biển, Việt Nam sẽ thành lập và khoanh vùng khoảng 268 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó có 149 ngoài biển (59 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, 63 khu vực cấm và 27 khu cư trú nhân tạo) cùng với 119 trong nội địa.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.