| Hotline: 0983.970.780

Phát triển nghề nuôi cá cảnh, gắn với nền nông nghiệp đô thị

Thứ Tư 29/05/2019 , 14:35 (GMT+7)

Hiện nay, nhân nuôi, kinh doanh và xuất khẩu (XK) cá cảnh tại TP.HCM được xem là nghề có tốc độ tăng trưởng mạnh, và đây cũng được TP chọn là lĩnh vực quan trọng để phát triển nền nông nghiệp đô thị. 

TP HCM có điều kiện tự nhiên thuận lợi, ban hành nhiều chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vay vốn, nên cá cảnh được xem là đối tượng giúp nông dân tạo ra giá trị, thu nhập cao gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp truyền thống.

18-54-23_20190517_090800
Quang cảnh buổi hội thảo.

Mặc dù có nhiều tiến bộ vượt bậc, tuy nhiên qua khảo sát mức độ phát triển và tỷ trọng XK cá cảnh, vẫn còn khá thấp so với khả năng và tiềm lực của TP HCM. Trong khi đó, nhiều cơ sở, DN, các hộ nuôi cá cảnh vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng SX, kết nối thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Như ở huyện Củ Chi, các hộ nuôi cá cảnh chủ yếu tiêu thụ sản phẩm thông qua thương lái, trang mạng cá nhân (zalo, facebook), chỉ một số ít tiêu thụ qua hợp đồng với Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức, Công ty CP Sài Gòn cá kiểng và HTX sinh vật cảnh Sài Gòn,…

Để góp phần giải quyết khó khăn trên, Trung tâm Khuyến nông TP HCM đã tổ chức Hội thảo “Triển khai Chương trình phát triển cá cảnh, chuỗi liên kết giá trị ngành cá cảnh” tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, nhằm tìm ra giải pháp xây dựng chuỗi liên kết, phát triển ngành cá cảnh theo đúng khả năng và tiềm lực của TP.

Hội thảo còn giới thiệu chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện Chương trình Khuyến nông theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/4/2018 (với mức hỗ trợ 50% giống và 50% thức ăn). Từ đó, khuyến nông sẽ tập trung đầu tư những giống cá cảnh có nhu cầu cao trên thị trường như cá đĩa, cá koi và nhập từ nước ngoài, giúp nông dân tăng gia SX, cải thiện thu nhập, phát triển ngành nghề, tạo thương hiệu cá cảnh cho TP HCM.

Hội thảo đã lắng nghe ý kiến của nông dân, các đơn vị, DN kinh doanh XK cá cảnh và các lãnh đạo ban ngành liên quan. Theo đó, các hộ còn e ngại với chính sách đầu tư theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP và hỗ trợ cá giống nhập từ nước ngoài. Vì mức hỗ trợ theo Nghị định 83/2018/NĐ-CP, người dân sẽ bỏ vốn đối ứng nhiều, trong khi đó giống cá nhập từ nước ngoài về sợ chưa thích nghi với môi trường nước, điều kiện tự nhiên ở địa phương, nên quá trình nuôi không đảm bảo hiệu quả,...

Nhưng theo ông Tân Xuyên, chủ cửa hàng cá cảnh Tân Xuyên, thì ngành cá cảnh Việt Nam có từ những năm 1980, nhưng đến nay vẫn chưa có thương hiệu riêng trên thế giới. Nguyên nhân là do ngành còn yếu về con giống, khả năng ứng dụng KHKT vào nhân giống, lai tạo giống. Thực tế, khâu giống chưa đạt được chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường, trong khi nhu cầu NK luôn đòi hỏi cái mới, lạ.

Một gian hàng cá cảnh ở TP.HCM.

Các trang trại nuôi cá cảnh còn manh mún, nhỏ lẻ và quá ít sản phẩm. Công nghệ nuôi theo phương thức truyền thống, khó cạnh tranh với các nước trong khu vực. Do đó, nông dân nên mạnh dạn thay đổi giống, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. Còn khi khuyến nông hỗ trợ giống nhập từ nước ngoài, sẽ chọn những giống cá dễ sinh sản, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên ở địa phương và nên thuần dưỡng cá giống ổn định (thời gian nửa tháng) mới chuyển giao cho nông dân thực hiện mô hình.

Các ông Phạm Phú Cường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi và ông Nguyễn Văn Phơn, Phòng Kinh tế huyện cũng nhất trí, vấn đề đầu ra là quan trọng. Nên đề nghị các hộ, đơn vị SX cần liên kết tạo thành các CLB cá cảnh, các tổ hợp tác, HTX, để chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu thị trường, cùng nhau làm tiền đề phát triển ngành cá cảnh.

Kết luận hội thảo, ông Phạm Lâm Chính Văn đã giải đáp thắc mắc của các hộ nuôi cá cảnh. Về mặt chính sách, khuyến nông TP HCM thực hiện Nghị định 83/2018/NĐ-CP là quy định chung của cả nước, nên mong nông dân cùng đồng hành với cơ quan khuyến nông, cùng nâng cao chất lượng nông nghiệp nói chung và ngành cá cảnh nói riêng.

Về thực trạng của ngành, như chủ cửa hàng cá cảnh Tân Xuyên cho biết, ngành nuôi các cảnh TP HCM vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát triển đúng tiềm năng sẵn có, nguyên nhân do chất lượng giống chưa đạt giá trị cao. Vì vậy, năm 2019 khuyến nông sẽ hỗ trợ đúng đối tượng tham gia mô hình trình diễn, việc NK con giống theo nhu cầu thị trường, tiến tới xây dựng thương hiệu cá cảnh của TP HCM, cũng như cá cảnh Việt Nam.

Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi, phối hợp với Hội Nông dân, Phòng Kinh tế huyện bám sát chính sách, chọn đúng đối tượng tham gia mô hình sẽ đạt hiệu quả cao. Hộ tham gia mô hình phải là người có tay nghề cao, thực sự tâm huyết với nghề mới thực hiện được. Sau khi hộ tham gia mô hình, SX được những con giống có chất lượng, sẽ cung cấp lại cho những hộ có khả năng ít hơn về vốn, kỹ thuật,… tiếp tục tạo ra cho thị trường nhiều chủng loại cá cảnh, đa dạng về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu XK.

TP HCM phải thành lập chuỗi liên kết giá trị trong nghề SX cá cảnh, thành lập những Tổ hợp tác, HTX có kế hoạch SX ổn định, đảm bảo hiệu quả mô hình.

Đặc biệt, trong quá trình SX nếu có vướng mắc, các hộ mạnh dạn liên hệ với cơ quan khuyến nông, cùng nhau giải quyết, nhằm tạo ra những dòng sản phẩm cá cảnh cao cấp, cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế phù hợp với định hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị.

Xem thêm
Phòng, chống bệnh động vật, khống chế dịch tả heo Châu Phi

Kiên Giang Bệnh dịch tả heo Châu Phi đang có chiều hướng gia tăng, nguy cơ lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi, môi trường và nguồn cung thực phẩm.

Nghệ An phải có bộ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao

Giai đoạn 2024 – 2030 Nghệ An sẽ chi hơn 39 tỷ đồng để nâng cao chất lượng giống cây lâm nghiệp, đây là nội dung mang tính then chốt.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 1] Hơn 20% thoái hóa nặng và rất nặng

Nếu Tây Nguyên không có giải pháp mang tính toàn diện để bảo vệ tài nguyên đất thì diện tích đất đai bị thoái hóa ngày càng gia tăng, dẫn đến nhiều hệ lụy.