Tại Diễn đàn Doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nông và phát triển bền vững năm 2024 diễn ra chiều 9/4 tại Hà Nội, TS Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nêu bật tính cấp thiết của việc sử dụng phân bón thích ứng với biến đổi khí hậu và nông nghiệp xanh ở Việt Nam.
Dẫn số liệu của Bộ NN-PTNT, TS Phùng Hà cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ do biến đổi khí hậu, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long, một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất bởi nước biển dâng.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ước tính đến năm 2050, mực nước biển sẽ tăng thêm 33cm, đến năm 2100 là 100cm, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng.
Trong bối cảnh báo động đó, các loại phát thải khí nhà kính chính trong nông nghiệp đang đóng góp khoảng 13,5% tổng lượng phát thải.
Lượng phát thải các khí nhà kính có thể xảy ra trực tiếp trong các hoạt động nông nghiệp (trồng trọt, thu hoạch) hoặc gián tiếp trong quá trình sản xuất, vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm.
Việt Nam đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực cho mục tiêu đảm bảo giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 1,5 độ C tại COP21, giảm phát thải ròng carbon của quốc gia về 0 vào năm 2050 tại COP26.
Do vậy, TS Phùng Hà đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng nông nghiệp hữu cơ để ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, mặt khác đây cũng là ngành phát thải khí nhà kính nhiều thứ hai sau ngành năng lượng.
Lượng phát thải sinh ra từ các quá trình sản xuất và sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý đất, trồng lúa nước...
Trong khi đó, nông nghiệp hữu cơ là lựa chọn phù hợp vì sử dụng nguyên liệu đầu vào gồm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ít phát thải ô nhiễm.
Xác định giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu, TS. Phùng Hà nêu ra các giải pháp, gồm: đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển ammoniac xanh, hóa học xanh và tập trung vào phương thức quản lý, điều chỉnh thành phần dinh dưỡng theo nhu cầu của cây trồng nhằm giảm thất thoát ra môi trường.
Đặc biệt, đối với phân đạm, việc tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân bón hiệu quả cao, phân bón lá và sử dụng phụ gia ức chế các quá trình phát thải N2O, phụ gia chống mặn, chống ngập lụt, ưu tiên sử dụng các chất có nguồn gốc tự nhiên từ khoáng chất, thực vật cũng đóng vai trò quan trọng.
Đi vào những giải pháp cụ thể, TS Phùng Hà cho rằng cần áp dụng nghiêm túc sáng kiến “4 đúng” trong quản lý phân bón: đúng loại, đúng tỷ lệ, đúng lúc và đúng cách. Công tác nghiên cứu nông nghiệp chính xác sẽ cung cấp một loạt các công nghệ giám sát giúp nông dân sử dụng chính xác chủng loại và lượng phân bón.
Ngoài ra, việc phát triển rộng rãi của các dạng phân bón đặc biệt là phân bón phân giải/tan chậm, kiểm soát phân giải sẽ giúp đạt được mục đích cuối cùng của bón phân đúng nhằm tăng sự hấp thu phân bón của cây trồng, đồng thời giảm tác hại đến môi trường.
TS Phùng Hà cũng đề cập đến tầm quan trọng của tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, như: thay thế phân bón tổng hợp bằng phân chuồng, phân trộn hoặc phân hủy có khả năng giảm lượng khí thải từ 10 - 20% hoặc cao hơn; bổ sung chất hữu cơ cho đất (compost, phân gia súc, phân xanh, trùn quế) để tăng hàm lượng carbon trong lớp đất mặt, tạo liên kết với amoni và cố định vi sinh vật.
Việc sử dụng phân bón hữu cơ sẽ góp phần đảm bảo độ phì nhiêu cho đất, giúp nâng cao khả năng chống chịu với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, tăng cường đa dạng sinh học.
Là đơn vị đưa ra giải pháp phân bón thích ứng với biến đổi khí hậu tại diễn đàn, ông Hà Huy San, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Phân lân Ninh Bình cho biết, theo lý giải của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), dự đoán vào năm 2050, hơn 70% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố.
Vì thiếu đất canh tác trên khắp thế giới, nông dân đang bị buộc phải sử dụng thêm nhiều phân bón để tăng sản lượng nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, nhu cầu về phân lân hữu cơ cũng ngày càng tăng do quá trình chuyển đổi sang các phương pháp nông nghiệp bền vững và nhu cầu của người tiêu dùng đối với thực phẩm hữu cơ.
Những loại phân bón này không chứa bất kỳ hóa chất nguy hiểm nào và việc sử dụng chúng sẽ ngăn ngừa suy thoái và ô nhiễm đất.
Đi theo xu hướng đó, các nhà sản xuất phân bón đang chi tiêu đáng kể vào nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm mới và có tính sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về phân lân. Tiêu biểu trong số đó, việc sử dụng phân bón tan chậm có thể làm tăng năng suất nông nghiệp trong khi cần ít phân bón hơn.
Đáp ứng được nhu cầu trên, sản phẩm phân lân nung chảy của công ty có đặc tính không tan trong nước nhưng tan được trong môi trưởng axit yếu do đầu rễ cây tiết ra. Do đó, cây trồng có thể hấp thụ được mà lân không bị cố định trong đất, an toàn về môi trường sinh thái.
Từ thực tiễn trên, mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa ban hành quyết định công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 1078:2023 về sử dụng phân lân nung chảy cho nông nghiệp hữu cơ.
"Phân lân nung chảy Ninh Bình dùng trong trồng trọt hữu cơ đều phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí được yêu cầu. Đồng thời, nguyên liệu sản xuất có nguồn gốc từ tự nhiên, không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất", ông San chia sẻ.