| Hotline: 0983.970.780

Phát triển rừng gỗ lớn bằng giống cây mọc nhanh

Thứ Năm 01/07/2021 , 14:02 (GMT+7)

HÒA BÌNH Tỉnh Hòa Bình chú trọng phát triển rừng gỗ lớn bằng các giống cây mọc nhanh và ứng dụng khoa học công nghệ trong nâng cao hiệu quả kinh tế rừng.

Rừng keo lai nuôi cấy mô của anh Nguyễn Văn Cương, thôn Cây Rường, xã An Bình (Lạc Thủy) có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, ít sâu bệnh, ít đỗ gãy khi có giông gió hơn so với giống keo cũ nhân giống từ hạt. Ảnh: Trung Quân.

Rừng keo lai nuôi cấy mô của anh Nguyễn Văn Cương, thôn Cây Rường, xã An Bình (Lạc Thủy) có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh, ít sâu bệnh, ít đỗ gãy khi có giông gió hơn so với giống keo cũ nhân giống từ hạt. Ảnh: Trung Quân.

Nguy cơ từ những cây giống tự ươm

Tỉnh Hòa Bình có tổng diện tích tự nhiên hơn 460.000ha, trong đó đất lâm nghiệp hơn 330.000ha. Lao động nông, lâm nghiệp chiếm trên 71% tổng số lao động trong tỉnh, đây là tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất lâm nghiệp.

Nếu những năm trước đây, người dân hoàn toàn trông chờ vào các dự án trồng rừng của nhà nước, hiện nay nhiều hộ đã tự bỏ vốn để trồng rừng kinh tế. Toàn tỉnh hiện có trên 1.000 trang trại rừng quy mô vừa và nhỏ cho thu nhập trung bình từ 50 - 60 triệu đồng/ha sau mỗi chu kỳ. Một số huyện như Lạc Thủy, Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn… đã xác định được thế mạnh từ kinh tế đồi rừng.

Tuy nhiên, trong trồng rừng sản xuất các hộ dân chủ yếu trồng rừng nguyên liệu chu kỳ kinh doanh từ 5-7 năm với giống cây phổ biến là keo tai tượng nhân giống bằng hạt. Nhiều hộ gia đình do điều kiện kinh tế hạn hẹp còn sử dụng cây tái sinh từ hạt cây rừng của chu kỳ trước để trồng.

Điều này vô hình chung đã làm giảm chất lượng cây con, do việc chọn tạo cây bố mẹ chủ yếu dựa trên kinh nghiệm nên chất lượng không được đảm bảo. Ngoài ra, giống keo này có bộ rễ bàn thường dễ đổ ngã khi có gió lớn. Độ già hóa của cây cao dẫn tới việc sinh trưởng, phát triển của cây khi đưa vào trồng thường chậm hơn so với những giống keo lai được chọn tạo từ các tiến bộ kỹ thuật khác.

Thực tế cho thấy, đối với những vườn ươm có sự giám sát, quản lý về nguồn gốc xuất xứ, cây con được thẩm định trước khi bán ra thị trường thì tỷ lệ sống đạt trên 90%. Đối với những cây giống có nguồn gốc trôi nổi tỷ lệ sống thấp, cây sinh trưởng không đồng đều, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng gỗ.

Nguyên nhân chính của việc này là do tâm lý đắn đo, ham sử dụng cây giống giá rẻ của người dân. Nhiều cơ sở sản xuất giống là hộ gia đình chưa tuân thủ quy định về quy trình sản xuất giống. Công tác kiểm tra, giám sát của các đơn vị quản lý cấp cơ sở chưa chặt chẽ…

Tín hiệu tích cực từ trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh

Trước thực tế đó, ngành lâm nghiệp tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng. Tập trung đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, chú trọng phát triển rừng bằng các giống cây gỗ lớn mọc nhanh.

sau thời gian 4 năm trồng, so với giống keo cũ thì keo lai mô sinh trưởng nhanh vượt trội gấp 1,5-2 lần. Tỷ lệ cây giống sống từ 95-98%, chiều cao vút ngọn từ 10 - 12 m, đường kính gốc từ 15-20 cm. Ảnh: Trung Quân.

sau thời gian 4 năm trồng, so với giống keo cũ thì keo lai mô sinh trưởng nhanh vượt trội gấp 1,5-2 lần. Tỷ lệ cây giống sống từ 95-98%, chiều cao vút ngọn từ 10 - 12 m, đường kính gốc từ 15-20 cm. Ảnh: Trung Quân.

Trong đó phải kể đến mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh sử dụng giống keo lai (BV10, BV16, BV32) nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô (keo lai mô). Mô hình được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình triển khai thực hiện với quy mô 38ha tại huyện Tân Lạc và 42ha tại huyện Lạc Thủy, chu kỳ kinh doanh 10-12 năm.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình, rừng keo gỗ lớn mọc nhanh được trồng với mật độ 1.330 cây/ha. Cây trồng trong mô hình được áp dụng đồng bộ các kỹ thuật từ khâu lựa chọn lập địa, phát dọn thực bì, làm đất, bón phân theo kỹ thuật hướng dẫn.

Cây keo lai mô có ưu điểm được lấy mẫu từ cây bố mẹ khỏe mạnh, có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt ở ngoài thực địa và được thông qua cải thiện giống về di truyền. Cây có tán tròn đều, góc phân cành lớn, thân cây chính có độ thon thẳng và không cong queo.

Với nguồn giống được bảo quản trong phòng kỹ thuật, khi được đưa vào trồng ngoài thực tế cây con ít bị sâu bệnh, sinh trưởng và phát triển nhanh. Rút ngắn chu kỳ kinh doanh khoảng từ 4-6 năm cho gỗ làm nguyên liệu giấy, gỗ dăm, từ 8-12 năm cho gỗ lớn, gỗ xẻ, gỗ dân dụng đóng các đồ trang trí nội thất.

Sau 4 năm đưa vào trồng thử nghiệm, giống keo mới được người dân đánh giá rất cao, khả năng phát triển nhanh hơn so với các cây keo tai tượng hiện đang được trồng tại địa phương (giống trồng nhân giống bằng hạt). Tỷ lệ sống đạt 98%, cây sinh trưởng tốt với chiều cao đạt trung bình từ 90-110cm/3 tháng.

Anh Nguyễn Văn Cương, thôn Cây Rường, xã An Bình (Lạc Thủy) cho biết: Gia đình anh có 2 ha trồng keo lai mô được 4 năm. Qua theo dõi và so sánh hai diện tích rừng trồng thì nhận thấy tốc độ phát triển và sản lượng gỗ của cây keo lai mô thời gian trồng 4 năm đã bằng bằng cây keo cũ trồng thời gian 6 năm. Cây phát triển đồng đều, trọng lượng cây nặng hơn, sức chống chịu với thời tiết tốt hơn, ít đổ gãy khi có giông gió. Đặc biệt, cây phù hợp với những diện tích đất đồi bạc màu, hạn chế nước tưới mà trước đây anh đã trồng thử giống keo cũ không thành công.

Anh Nguyễn Văn Cương mới tỉa bán số lượng ít cây gỗ dăm đã thu được 8 tấn gỗ, với giá bán từ 760.000-800.000đ/tấn. Anh Cương tính toán, nếu cây đạt chu kỳ 10 năm trở lên khi thu hoạch năng suất có thể đạt 140 tấn/ha (giống keo cũ chỉ đạt khoảng 80 tấn/ha).

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Quân, người cùng thôn cũng trồng thử nghiệm 1ha giống keo lai mô chia sẻ: Sau thời gian trồng 4 năm anh nhận thấy cây ít bị sâu bệnh. So với giống keo cũ thì keo lai mô sinh trưởng nhanh vượt trội gấp 1,5-2 lần. Tỷ lệ cây giống sống từ 95-98%, chiều cao vút ngọn từ 10 - 12 m, đường kính gốc từ 15-20 cm.

Cây keo lai mô có ưu điểm được lấy mẫu từ cây bố mẹ khỏe mạnh, có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt ở ngoài thực địa và được thông qua cải thiện giống về di truyền. Cây có tán tròn đều, góc phân cành lớn, thân cây chính có độ thon thẳng và không cong queo. Ảnh:Trung Quân.

Cây keo lai mô có ưu điểm được lấy mẫu từ cây bố mẹ khỏe mạnh, có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt ở ngoài thực địa và được thông qua cải thiện giống về di truyền. Cây có tán tròn đều, góc phân cành lớn, thân cây chính có độ thon thẳng và không cong queo. Ảnh:Trung Quân.

Thành công bước đầu từ các mô hình trồng keo lai nuôi cấy mô đã mở ra hướng đi mới cho nông dân về đầu tư thâm canh rừng sản xuất hiệu quả, bền vững trên địa bàn tỉnh. Mô hình không chỉ thay đổi phương thức canh tác, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tăng năng suất, đem lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp người dân giảm bớt số lần khai thác, chống xói mòn, rửa trôi đất. Qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu, tạo việc làm cho lao động nông thôn và thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cũng theo ông Đỗ Đức Trường, để giống cây mới này được phổ biến rộng rãi, vấn đề cốt lõi là thay đổi tập quán canh tác của người dân. Hiện còn nhiều hộ trồng rừng vẫn mang tâm lý cho rằng giá cây giống cao, chưa chứng kiến được hiệu quả kinh tế thu về, nên còn tỏ ra dè dặt, không mạnh dạn áp dụng trồng thử.

Ông Đỗ Đức Trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình cho biết: Trồng rừng gỗ lớn, rừng nguyên liệu bằng giống cây keo lai nuôi cấy mô đang là xu hướng sản xuất kinh doanh hiệu quả và bền vững hiện nay. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng trồng. Mang lại hiệu quả cao về kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp.

 

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.