Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang tháng Chạp, giai đoạn nhu cầu về các sản phẩm phục vụ Tết Nguyên đán tăng mạnh. Ngay từ lúc này, Sở NN-PTNT nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, chiến lược nhằm đảm bảo nguồn cung nông sản, thực phẩm phục vụ đợt tiêu thụ lớn nhất trong năm.
Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết, tỉnh đã chuẩn bị nhiều loại hoa quả như xoài, quýt, nhãn, mít, chanh cho dịp Tết. Trong đó, tỉnh đã rải vụ và dự kiến tổng sản lượng hoa quả trong các tháng 12/2021, 1/2022 và 2/2022 lần lượt là khoảng: 19.000 tấn, 22.000 tấn, và 35.000 tấn.
Bên cạnh hoa quả, Đồng Tháp còn chuẩn bị nhiều loại rau, củ, với sản lượng hiện hơn 3.000 tấn. Những sản phẩm OCOP và các cơ sở chế biến sâu như dầu cá tinh luyện, thực phẩm chức năng, trà, hoa quả sấy cũng được tỉnh quan tâm.
“Tham dự Diễn đàn kết nối nông sản 970 là bước khởi đầu cho các hộ nông dân tiêu biểu của tỉnh được giới thiệu, quảng bá nông sản làm bằng tâm huyết của mình tới các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hy vọng qua buổi làm việc này, chúng tôi sẽ có thêm thông tin để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường”, ông Điền nói.
Phát triển sản phẩm OCOP cũng là mục tiêu được các tỉnh Vĩnh Long, Lạng Sơn hướng đến. Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long cho biết, toàn tỉnh hiện có 74 sản phẩm nông sản được cấp chứng nhận OCOP 3 sao trở lên.
Một số sản phẩm nổi trội của tỉnh, được đánh giá cao trên thị trường như: Bưởi năm roi và bưởi da xanh sản lượng khoảng 400 tấn; dưa hấu 8.000 tấn; dưa lưới 20 tấn; các loại rau củ quả hơn 3.000 tấn; hành lá 2.000 tấn; cá diêu hồng hơn 100 tấn. Vùng chuyên canh khoai lang hàng năm khoảng 14.000 ha, có thể cung cấp 400.000 tấn khoai thương phẩm…
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lạng Sơn thông tin, tỉnh đang tập trung quảng bá sản phẩm OCOP và kinh tế số, bên cạnh việc chuyển đổi dần sang cửa khẩu số nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu như Hữu Nghị, Tân Thanh.
Về kinh tế số, Lạng Sơn hiện có 80.000 cửa hàng số của hộ gia đình, trong đó 65.000 tài khoản đã có giao dịch trên sàn Lạng Sơn Post Mart. Mặt hàng được Lạng Sơn kỳ vọng là thạch đen, đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Hiện tỉnh biên giới này có 3.000ha đất trồng thạch đen, sản lượng mỗi năm 16.000 tấn. Ngoài ra, sản phẩm quýt Tràng Định có sản lượng khoảng 1.000 tấn và dự kiến sẽ thu hoạch rộ vào đúng dịp Tết Nguyên đán.
Theo thống kê tiêu dùng của người dân những năm qua, các sản phẩm thịt sấy, các loại hạt qua chế biến và một số mặt hàng như nước ép, đồ uống cũng được quan tâm vào dịp Tết. Đón đầu xu hướng này, tỉnh Tây Ninh đã chủ động lên kế hoạch cho sản phẩm thịt bò (được chế biến thành thịt mát, thịt đùi bít tết, thịt ba chỉ mát…), bánh tráng, rượu mãng cầu, nước ép mãng cầu, muối tôm, các loại thực phẩm chay.
"Tất cả đều được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn GlobalGAP, đồng thời được chứng nhận là sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao", ông Nguyễn Văn Mấy, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh chia sẻ.
Về nhóm sản phẩm trái cây, Tây Ninh hiện đang có 500 tấn mít Thái siêu sớm, 3.000 tấn chuối Nam Mỹ, gần 300 tấn mãng cầu na, 100 tấn dưa lưới, 80 tấn bưởi da xanh, 10 tấn na Hoàng hậu. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn VietGAP và được thị trường đánh giá cao.
Thông qua Phiên thứ 17 Diễn đàn Kết nối nông sản 970 với chủ đề "Kết nối cung cầu nông sản thực phẩm dịp Tết nguyên đán", ông Mấy mong muốn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP, đồng thời hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, các chủ thể OCOP để quảng bá, giao thương trực tiếp với các hệ thống phân phối, siêu thị trên cả nước.