| Hotline: 0983.970.780

Phát triển sinh kế nhờ mô hình tiết kiệm tự quản

Thứ Ba 18/10/2022 , 07:40 (GMT+7)

Nhờ mô hình tiết kiệm tín dụng tự quản do CARE xây dựng, hơn 11.000 phụ nữ dân tộc thiểu số được vay vốn để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Dự án Bứt phá Thúc đẩy Tài chính toàn diện cho phụ nữ Dân tộc thiểu số được CARE Việt Nam phối hợp triển khai từ năm 2018.

Dự án Bứt phá Thúc đẩy Tài chính toàn diện cho phụ nữ Dân tộc thiểu số được CARE Việt Nam phối hợp triển khai từ năm 2018.

Bốn năm triển khai, trên địa bàn 18 tỉnh, xây dựng hơn 500 nhóm tiết kiệm tín dụng tự quản, với hơn 11.000 phụ nữ tham gia và hàng chục tỉ đồng được huy động, nhưng khi được hỏi về ấn tượng của Dự án Bứt phá Thúc đẩy Tài chính toàn diện cho phụ nữ Dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Đức Thành, quản lý dự án của CARE Việt Nam chọn câu nói từ một phụ nữ hưởng lợi trực tiếp.

"Trước đây, khi tham gia dự án, em phải hỏi ý kiến chồng và gia đình nhà chồng. Nhưng giờ, em có thể tự tin và thuyết phục mọi người cùng vào".

Bình luận về điều này, ông Thành nói: "Rõ ràng đã có sự thay đổi lớn về nhận thức từ đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là nhiệm vụ khó khăn nhất, cũng là vấn đề chúng tôi trăn trở nhất trước khi khoanh vùng dự án".

Số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2017 (Findex) củng cố nỗi băn khoăn của ông Thành. Vào thời điểm khảo sát, chỉ có 30% nam giới và 31% nữ giới trưởng thành ở Việt Nam được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức - tỷ lệ thuộc diện thấp ở Đông Á. So với nam giới, phụ nữ tiếp cận tài chính khó khăn hơn bởi những thách thức về bất bình đẳng giới, chuẩn mực văn hóa truyền thống.

Để phá thế bí, những nhà tổ chức cần một mô hình đem lại hiệu quả tức thì, rõ rệt. Dựa trên kinh nghiệm của CARE khi thực hiện mô hình Tiết kiệm tín dụng thôn bản tự quản (VSLA) từ năm 1991 tại Nigeria, các bên đã thống nhất đưa vào nguyên tắc "3 Tự": Tự nguyện tham gia, Tự quản lý và Tự chịu trách nhiệm. Tất cả nhằm thúc đẩy nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng đối với tất cả các thành viên.

Chị Hồ Thị Nhớ, người dân tộc Vân Kiều, thôn Pa Hy, Xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị thụ hưởng nhiều lợi ích từ dự án. 

Chị Hồ Thị Nhớ, người dân tộc Vân Kiều, thôn Pa Hy, Xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị thụ hưởng nhiều lợi ích từ dự án. 

Từ những đồng tiết kiệm ban đầu, chị em vùng dân tộc thiểu số được tập huấn để sử dùng nguồn vốn quy mô nhỏ một cách hiệu quả. Tại thôn Cầu Gụ, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế, Bắc Giang, chị Lê Thị Nguyệt vận động được 11 chị em thành lập nhóm Tấm Cám. Sau thời gian đầu đi vào nề nếp, nhóm của chị tiết kiệm trung bình khoảng 15-20 triệu đồng/tháng, đủ giúp 1-2 thành viên vay vốn.

Bản thân chị Nguyệt, khi gia cảnh khó khăn do dịch Covid-19, cũng được xét cho vay 10 triệu đồng. Nhờ khoản đầu tư này, kết hợp thế mạnh của địa phương về lâm sản, gia đình chị mua dụng cụ về làm thơi phơi gốm. Với sản lượng 700-800 chiếc/tháng, gia đình chị giờ có thu nhập ổn định 7-10 triệu đồng.

Tại Lâm Đồng, gia đình chị Phạm Thị Vòng, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh là một trong những hộ đầu tiên đầu tư hệ thống trang trại nuôi lợn theo quy trình VietGAP. Tuy nhiên, tháng 6/2021, đàn lợn nhà chị bị virus Dịch tả lợn châu Phi, làm 400 con phải tiêu hủy, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Trong lúc chị Vòng khó khăn, chưa biết xoay sở tái đàn như nào, nhóm VSLA đã xét duyệt và cấp khoản vay 8 triệu đồng để gia đình chị đầu tư mua 5.000 con chim cút. Tận dụng hệ thống chuồng trại sẵn có, và canh tác theo định hướng nông nghiệp tuần hoàn khi lấy phân chim cút ủ lại, bón cho sầu riêng và chuối laba, hiện chị đã sống được bằng nghề mới.

Chị Nguyệt, chị Vòng chỉ là hai trong số hơn 11.000 phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận với đồng vốn của VSLA. Bà Lê Kim Dung, Giám đốc CARE Việt Nam bày tỏ: "Mô hình VSLA được coi là xuất phát điểm, giúp thành viên các tổ nhóm gắn kết và tiếp cận với các hình thức dịch vụ tài chính khác. Đây là một phần trong hệ sinh thái tài chính bao trùm, trong đó ai cũng có quyền tham gia và tiếp cận dịch vụ tài chính".

Theo bà Dung, cách làm và đặc điểm của mô hình VSLA rất phù hợp với mục tiêu của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khi vừa hỗ trợ hiệu quả phụ nữ và gia đình trong các hoạt động phát triển sinh kế, vừa góp phần đảm bảo an ninh tài chính của hộ gia đình.

Các diễn giả tại buổi tổng kết Dự án Bứt phá Thúc đẩy tài chính toàn diện cho phụ nữ Dân tộc thiểu số.

Các diễn giả tại buổi tổng kết Dự án Bứt phá Thúc đẩy tài chính toàn diện cho phụ nữ Dân tộc thiểu số.

Suy nghĩ ấy cũng là của chị Hồ Thị Nhớ, thôn Pa Hy, Xã Tà Long, huyện Đakrông, Quảng Trị. Tại buổi tổng kết Dự án Bứt phá Thúc đẩy Tài chính toàn diện cho phụ nữ Dân tộc thiểu số, chị cho biết: "Trước đây, chị em phụ nữ hầu hết không có việc làm ổn định, chủ yếu làm nông, làm nương rẫy. Vì thế, vị thế của chị em trong gia đình gần như không có, phụ thuộc hết vào chồng".

Thông qua các nhóm tiết kiệm VSLA, chị em được nâng cao quyền tự chủ kinh tế, cải thiện cuộc sống và vị thế, đồng thời học thêm được kỹ năng quản lý tài chính, thay đổi thói quen quản lý chi tiêu vốn do  chồng quản lý trước đây. Quan trọng nhất, theo chị Nhớ, là chị em sản xuất, kinh doanh giờ không còn nỗi lo vướng vào tín dụng đen.

Là tổ trưởng, chị Nhớ thổ lộ, mỗi năm tiết kiệm được 2-3 triệu đồng. "Số tiền này rất lớn đối với những phụ nữ không có việc làm ổn định. Nó cũng giúp chị em hết cảnh chạy vạy mỗi khi Tết đến hoặc khi gia đình có công việc", chị vui mừng nói.

Để có niềm vui ấy, chị cùng thành viên trong nhóm thống nhất: Đều đặn vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng, nhóm tập trung ở nhà nhóm trưởng để trả lãi và gửi tiết kiệm định kỳ. Số tiền gửi được ghi cả vào sổ tiết kiệm cá nhân lẫn sổ chung do trưởng nhóm quản lý. Tùy vào nhu cầu, nguyện vọng vay vốn của hội viên, nhóm sẽ giải quyết cho vay theo thứ tự ưu tiên. Từng phiên giao dịch đều được ghi chi tiết để quản lý và hạch toán sau này.  

Dựa trên tiềm năng vô hạn trong cộng đồng ấy, CARE cùng P&G đã mở rộng dự án. Từ 4 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn trong giai đoạn đầu từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2019, 14 tỉnh thành khác đã tham gia ở giai đoạn hai, từ năm 2020 đến tháng 6/2022. Đặc biệt, trong năm cuối 2022, dự án phát triển mạnh mẽ, với 269 nhóm được thành lập, cùng 4.058 thành viên phụ nữ. Số tiền huy động trong nửa năm này lên tới 5,62 tỉ đồng, giúp 1.416 lượt thành viên được vay vốn.

Bà Đào Mai Hoa, Phó Ban Hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá mô hình VSLNA phù hợp với điều kiện kinh tế và năng lực của phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp cho chị em hình thành thói quen tiết kiệm, tự quản và hỗ trợ nhau những lúc khó khăn.

Thông qua mô hình, Hội cũng triển khai song song các hoạt động truyền thông về chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những kiến thức cần thiết khác cho phụ nữ như tổ chức cuộc sống gia đình, tăng thu nhập, bình đẳng giới.

Xem thêm
Hơn 500 kg lòng lợn hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện 520kg lòng lợn bốc mùi hôi thối sắp được bán lại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất lạp sườn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.