| Hotline: 0983.970.780

Phát triển vùng nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ đến hồi bức thiết

Thứ Bảy 23/04/2022 , 11:36 (GMT+7)

Những năm qua, nguồn cung gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu bị đứt gãy, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng đã đến lúc phải quyết liệt thực hiện.

Đứt gãy nguồn cung gỗ nguyên liệu

Chiều 22/4, Bộ NN-PTNT cùng Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị phát triển vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong chế biến gỗ xuất khẩu, nguyên liệu đóng vai trò quyết định của sự tăng trưởng trong sản xuất và chiếm từ 40-60% cơ cấu giá thành của sản phẩm. Hàng năm, ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam phải nhập khẩu 5-6 triệu m3 gỗ quy tròn để phục vụ sản xuất.

Thế nhưng trong những năm qua, nguồn cung gỗ nguyên liệu trên thế giới biến động rất lớn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 và hiện nay là xung đột giữa Nga và Ukraina. Vậy nên, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng để chủ động gỗ nguyên liệu là kế sách nhằm ổn định sản xuất cho các doanh nghiệp chế biến gỗ đang hết sức bức thiết, là việc cần làm ngay.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Khánh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Khánh.

“Cung cầu gỗ nguyên liệu trên thế giới có những biến động rất lớn trong những năm vừa qua, nhất là khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraina. Trong khi ngành chế biến gỗ của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu và chịu tác động trực tiếp từ những biến động nói trên.

Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 cũng đã tác động tiêu cực đến nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu, gây thiếu hụt nguồn container làm tăng giá cước vận chuyển và thiếu lao động trong khâu khai thác. Dẫn tới khan hiếm đồng thời tăng giá gỗ nguyên liệu, thời gian giao hàng không đảm bảo khiến hoạt động sản xuất của ngành gỗ Việt Nam không ổn định, làm giảm lợi thế cạnh tranh của đồ gỗ trên thị trường thế giới”, ông Đỗ Xuân Lập cho biết.

Cũng theo ông Lập, sau đại dịch Covid-19, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina đã dẫn đến các lệnh trừng phạt của các nước phương Tây áp dụng với Nga, khiến nước này đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gỗ tròn và 1 số mặt hàng khác để trả đũa, nguồn cung gỗ nguyên liệu từ Nga từ 30 triệu m3/năm hiện đã giảm sâu và còn tiếp tục đà giảm trong thời gian tới. Nguồn cung gỗ nguyên liệu trên thế giới thiếu hụt tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước nhập khẩu gỗ, đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh.

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam lệ thuộc lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: Lê Khánh.

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam lệ thuộc lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: Lê Khánh.

“Để ổn định nguồn gỗ nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ trong nước, không gì khác hơn phải thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn. Đặc biệt là nâng cao chất lượng rừng trồng, bao gồm thúc đẩy phát triển rừng gỗ lớn có chứng chỉ rừng bền vững, đa dạng các loài để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai”, ông Đỗ Xuân Lập khẳng định.

Giải pháp tháo gỡ khó khăn

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chiến lược phát triển ngành lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ giai đoạn 2021-2030, cùng với việc điều chỉnh, bổ sung Nghị định 102 đã thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết sử dụng gỗ hợp pháp theo tinh thần của Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) mà Chính phủ đã ký kết với EU năm 2018, Hiệp định về khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp mà Chính phủ vừa ký với Chính phủ Hoa Kỳ vào tháng 10/2021 cùng nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương khác.

Hiện nay, gỗ nhập khẩu từ các nguồn “gỗ sạch” chiếm phần lớn và đang tiếp tục tăng trưởng, trong khi gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro có xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong năm 2021, vẫn còn gần 1,8 triệu m3 gỗ quy tròn từ các nguồn rủi ro nhập khẩu vào Việt Nam và trong 3 tháng đầu năm 2022 tiếp tục nhập khẩu 0,5 triệu m3 nữa. Trước tình hình trên, việc đẩy mạnh phát triển các vùng trồng rừng quy mô lớn đang rất bức thiết để góp phần làm giảm tình trạng thiếu gỗ nguyên liệu trong chế biến của ngành gỗ Việt Nam.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, để ngành gỗ đảm bảo sản xuất cần phải chủ động nguồn gỗ nguyên liệu, nhất là trong bối cảnh nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu đang lâm cảnh bế tắc. Do đó, gỗ rừng trồng đang là cứu cánh quyết định cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Cũng theo ông Lập, hiện nay, gỗ rừng trồng mới chỉ đáp ứng được 60-65% nhu cầu sử dụng nội địa và xuất khẩu, trong thời gian tới, Việt Nam cần tìm ra giải pháp, ban hành các cơ chế để thúc đẩy phát triển gỗ rừng trồng.

Nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu hiện nay đang tăng giá rất cao, gây khó cho các doanh nghiệp chế biến. Ảnh: Lê Khánh.

Nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu hiện nay đang tăng giá rất cao, gây khó cho các doanh nghiệp chế biến. Ảnh: Lê Khánh.

“Muốn vậy, chúng ta phải tính đến chuyện trồng rừng quy mô lớn trong điều kiện diện tích đất ngày càng thu hẹp. Do đó, chúng ta phải tận dụng trồng rừng hết quỹ đất hiện hữu và cả những diện tích đất nghèo kiệt cùng những diện tích rừng kém hiệu quả. Đồng thời áp dụng KHKT và đưa giống mới có chất lượng vào trồng rừng để tăng năng suất từ 80-90 m3/ha hiện nay lên 150-200 m3/ha như các nước trên thế giới. Muốn vậy, trước tiên, Việt Nam phải xây dựng cho được thị trường chuyển nhượng đất rừng và cổ phần hóa các doanh nghiệp lâm nghiệp, để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào việc  trồng rừng”, ông Đỗ Xuân Lập, chia sẻ.

“Phải khẳng định ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu của nước ta có thuận lợi về thị trường, tuy nhiên còn lệ thuộc quá nhiều về nguồn nguyên liệu nhập khẩu, vùng nguyên liệu trong nước phục vụ chế biến chưa đủ đáp ứng. Các địa phương phải quy hoạch được vùng nguyên liệu rừng trồng, tập trung nguồn lực phát triển rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững nhằm nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.

Đặc biệt, các địa phương cần chú trọng công tác quản lý chất lượng giống cây lâm nghiệp, kiểm soát được chất lượng giống; đầu tư kỹ thuật trong trồng và chăm sóc, lựa chọn nghiên cứu các giống cây gỗ lớn phù hợp; đẩy mạnh dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ người dân, chủ rừng chăm sóc rừng tốt hơn; đẩy mạnh chứng chỉ phát triển rừng bền vững”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tre xanh trên Long Cốt sơn

Quảng Ngãi Tre xanh tốt trên núi cằn trơ sỏi đá. Thân tre to lớn vươn lên trời cao, mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nông dân ở vùng đất bạc màu.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất