| Hotline: 0983.970.780

Gỗ rừng trồng ở Bình Định: Thua trên sân nhà

Thứ Tư 13/10/2010 , 10:05 (GMT+7)

Khi bán, gỗ rừng trồng của các tổ chức, cá nhân ở Bình Định luôn thấp hơn đến 1/2 giá so với gỗ rừng trồng của Cty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn. Vì sao?

Cùng trồng 1 loại cây, chế độ đầu tư chăm sóc như nhau. Đến kỳ thu hoạch chất lượng sản phẩm cũng ngang bằng, kích cỡ to như nhau. Thế nhưng khi bán, gỗ rừng trồng của các tổ chức, cá nhân ở Bình Định luôn thấp hơn đến ½ giá so với gỗ rừng trồng của Cty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn, một DN có 100% vốn Nhật Bản hoạt động tại Bình Định. Vì sao?

Thua tầm nhìn

Năm 1995, các nhà đầu tư nhật Bản sang Bình Định thuê 12.000 ha đất để trồng rừng gồm các loại keo và bạch đàn, lập nên Cty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn. Để trồng 12.000 ha rừng trên đất Bình Định, mặc dù 100% vốn là của phía các nhà đầu tư Nhật Bản nhưng 100% việc thực hiện là của TCty Sản xuất đầu tư dịch vụ xuất nhập khẩu Bình Định (PISICO). Ông Nguyễn An Điềm-Chủ tịch HĐQT TCTy PISICO cho biết: “Đơn vị chúng tôi tổng thầu việc trồng rừng cho Cty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn. Còn họ chỉ mỗi việc đưa sản phẩm vào nhà máy chế biến”.

Cũng theo ông Nguyễn An Điềm, khi đặt chân lên đất Bình Định, các nhà đầu tư Nhật Bản đã âm thầm tiến hành làm thủ tục xin cấp chứng chỉ FSC. Gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC là sản phẩm được chứng nhận đã được kiểm soát chặt chẽ theo tiêu chí phát triển rừng bền vững, có thể tự do lưu thông trên thị trường quốc tế mà không hề bị bất cứ 1 rào cản thương mại nào. Vào thời điểm ấy, do chưa thấy tầm quan trọng của chứng chỉ này nên hầu hết các DN trồng rừng ở Việt Nam chưa quan tâm. Tính đến nay tại Việt Nam, Cty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn vẫn là đơn vị duy nhất đã được cầm trong tay chứng chỉ FSC. Ông Điềm chua chát: “Đất trồng rừng của họ mình lo thủ tục, mình trồng, chăm sóc từ A đến Z thế nhưng khi họ làm thủ tục để được cấp chứng chỉ FSC mình không hề hay biết. Cứ lo trồng rừng chứ không nghĩ ngợi gì nhiều. Đến bây giờ toàn bộ diện tích rừng trồng của PISICO đều chưa có chứng chỉ này. Sản phẩm của chúng tôi chất lượng cũng chẳng kém cạnh gì của Cty TNHH Trồng rừng Quy Nhơn nhưng trở thành “bất hợp pháp”. Trong khi nước Mỹ và 1 số nước ở châu Âu, những thị trường lớn tiêu thụ gỗ rừng trồng của Việt Nam đã áp dụng việc cấm các DN của họ nhập khẩu gỗ không rõ nguồn gốc (không có chứng chỉ FSC) nên sản phẩm của chúng tôi không thể tiếp cận được với các thị trường này”.

Thiệt đơn thiệt kép

Sản phẩm không đi vào được những thị trường lớn thì đành “rẽ ngang” sang những thị trường nhỏ ở những nước chưa áp dụng đạo luật cấm nhập gỗ rừng trồng không có nguồn gốc. Thế nhưng giá thu mua ở các thị trường này rất thấp, sức mua lại yếu. Đến lúc này thì các đơn vị, cá nhân trồng rừng ở Bình Định mới “ngộ” ra sự thiếu bài bản và chuyên nghiệp của mình khi sản phẩm bán bị mất đến 1 nửa giá. Nếu như hiện nay, 1 tấn gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC được thị trường Mỹ và các nước châu Âu mua với giá 70 USD (khoảng 1,4 triệu đồng) thì 1 tấn gỗ không có chứng chỉ bán sang các thị trường nhỏ chỉ có giá từ 600.000đ-700.000đ.

Người trồng rừng ở Bình Định càng thua thiệt hơn khi hiện nay, gỗ rừng trồng đang được các DN chế biến lâm sản trên địa bàn sử dụng ngày càng nhiều hơn, nhất là loại gỗ keo đỏ có đường kính từ 12-14cm để thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu có giá cao ngất. Nếu như trước kia chỉ có khoàng 10-15% gỗ rừng trồng được sử dụng trong các nhà máy chế biến gỗ thì nay đã tăng đến 30%. Nếu có chứng chỉ FSC thì loại gỗ này cũng sẽ được các DN chế biến mua giá cao, vì hàng lâm sản được làm từ nguồn nguyên liệu hợp pháp thì có thể SX những mặt hàng cao cấp xuất khẩu sang các thị trường mầu mỡ ở Mỹ và các nước châu Âu với giá cao. Biết là thiệt thòi lớn nhưng hiện người trồng rừng ở Bình Định vẫn phải đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Nước đến chân chưa...nhảy!

Dù khó, nhưng nếu được Nhà nước quan tâm hỗ trợ thì sớm muộn gì các DN cũng “với” được cái chứng chỉ FSC. Khó khăn, thiệt thòi nhất là những diện tích rừng trồng phân tán trong nhân dân. Mỗi hộ trồng vài ba ha, hộ trồng nhiều nhất cũng chỉ vài chục ha, kinh phí ở đâu ra để những hộ trồng rừng này lo thủ tục xin cấp chứng chỉ FSC. Trong khi đó con số rừng trồng phân tán trong nhân dân không phải là ít. Chỉ riêng ở Bình Định, 50-60% sản lượng gỗ rừng trồng là từ rừng phân tán của nhân dân. Nếu vĩnh viễn không cầm được chứng chỉ FSC, số lượng gỗ rừng trồng khổng lồ này phải chấp nhận bán cái giá thua thiệt.
Khi đã nhận ra sự thua thiệt nhãn tiền, các DN trồng rừng có quy mô lớn ở Việt Nam mới lục tục chạy làm thủ tục để được cấp chứng chỉ FSC. Hiện trên toàn quốc mới chỉ có 4 doanh nghiệp đang xúc tiến xin cấp chứng chỉ FSC, trong đó có PISICO.

Tuy nhiên, khi thực hiện chuyện này một cách muộn màng, các DN phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. “Muốn được cấp chứng chỉ FSC các DN phải hội đủ nhiều điều kiện như phải kiểm soát được quy trình SX từ khâu trồng đến khâu khai thác theo tiêu chí phát triển rừng bền vững. Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết nhất là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), đây chính là vướng mắc lớn của chúng tôi hiện nay. Đã 3 năm nay PISICO làm thủ tục xin cấp chứng chỉ FSC cho 2.000 ha rừng đã trồng tại các huyện Vân Canh, Hoài Ân những đến nay chưa ngã ngũ”, ông Nguyễn An Điềm cho biết.

Các doanh nghiệp gặp khó trong việc xin cấp chứng chỉ FSC là vì cái tội làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì” của mình. Trước đây, hễ có đất là trồng chứ không tính chuyện căn bản, lâu dài. Nhiều khi trồng chồng cả trên đất trước đó đã được cấp sổ đỏ cho đơn vị khác, nảy sinh tranh chấp. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết, phải mất 1 thời gian dài các mối rối mới được gỡ thì lại vướng việc phân cấp 3 loại rừng. Lại phải mất thêm thời gian đợi việc phân cấp rừng ngã ngũ. Tiếp đến là thời gian đợi được cấp sổ đỏ. Khoảng cách giữa chứng chỉ FSC và DN cứ xa lắc xa lơ.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.