Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - tự đi xe máy đến nhiệm sở. Ảnh: Dân Trí. |
Đó là: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết có nên thực hiện mô hình chủ tịch tỉnh đi xe máy, giám đốc sở ngành đi xe đạp, bộ trưởng đi xe buýt không?
Nếu thực hiện thì có giảm được ách tắc giao thông không? Giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay?".
Có lẽ cũng có sự đồng cảm nhất định, ông Nguyễn Văn Thể đã trả lời rất hào hứng: “Trước tiên tôi rất hoan nghênh sáng kiến đại biểu Thủy và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang. Chúng tôi nghĩ đề xuất này là một trong những đề xuất để chúng tôi nghiên cứu.
Nếu lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong, thì chúng tôi xin chọn Hậu Giang làm thí điểm. Sau khi thí điểm ở tỉnh Hậu Giang chủ tịch đi xe máy, cán bộ đi xe đạp và các đồng chí cán bộ Trung ương đến địa bàn Hậu Giang xe buýt đưa đi mà tốt, thì chúng tôi nghiên cứu nhân rộng ra chứ không áp dụng đại trà ngay!”.
Ai cũng biết, thực trạng giao thông đang tồn tại nhiều bất cập. Không chỉ hạ tầng giao thông xuống cấp, mà ách tắc giao thông cũng thành vấn nạn ở các đô thị. Băn khoăn của Đại biểu Quốc hội - Nguyễn Thanh Thủy giống như một phép thử cho bài toán giao thông, vừa đặt ra vai trò làm gương của người đứng đầu các cấp về thực hành tiết kiệm, vừa đặt ra yêu cầu phải sâu sát hơn và quyết liệt hơn về cải thiện các chiến lược giao thông.
Thế nhưng, Bộ trưởng lại dùng phương pháp bỏ qua câu chuyện chăm sóc cánh rừng để tập trung vào câu chuyện… cắt tỉa cây xanh. Chọn tỉnh Hậu Giang để thí điểm cũng chưa hẳn cần thiết, vì trên thực tế tỉnh Đồng Tháp nhiều năm nay đã chứng kiến lãnh đạo tỉnh đi làm bằng xe máy.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chia sẻ: “Thời tiết mát mẻ thì đi xe máy thích hơn. Đặc biệt, khi đi xe máy, mình muốn ghé, đỗ xe chỗ nào cũng được. Và đi xe máy giúp tôi cũng như nhiều anh em khác dễ quan sát xung quanh. Có khi gặp rác thải, biển hiệu giao thông bị hư… là chụp hình gửi cho cán bộ quản lý để xử lý ngay. Ngoài ra, khi tôi đi xe máy, tôi có thể dễ dàng vào các khu dân cư, nhìn cuộc sống của bà con. Người nào có việc bức xúc, phiền hà về cán bộ, thủ tục hành chính… là gọi ngay mình lại để trình bày. Có việc mình giải quyết ngay tại chỗ, có việc mình chuyển nhanh đến bộ phận liên quan để giải quyết cho người dân”.
Điều cốt lõi của đề nghị lãnh đạo đi xe máy hoặc xe buýt, nằm ở việc nâng cao ý thức thấu hiểu đầy đủ tầm quan trọng của các quyết sách về giao thông đối với cuộc sống. Khi và chỉ khi, người có quyền định đoạt các chủ trương và các dự án cảm nhận trọn vẹn vui buồn của người bình thường mỗi ngày đi lại trên đường, thì những vướng mắc giao thông may ra mới được tháo gỡ hiệu quả.