| Hotline: 0983.970.780

Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến vô cùng phức tạp

Thứ Hai 13/05/2019 , 07:02 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đang có những diễn biến vô cùng phức tạp, khi mà đến nay, đã có 29 tỉnh thành trên cả nước nổ ra dịch, với trên 1,2 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy và đang không ngừng lây lan trên phạm vi cả nước. Trong khi đó, công tác tổ chức phòng chống dịch nảy sinh muôn vàn khó khăn...

* Đe dọa “xóa sổ” chăn nuôi lợn

Trước tình hình này, hôm nay (13/5), Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tổ chức cuộc họp trực tuyến cùng các tỉnh thành trên cả nước và các bộ ngành liên quan khẩn cấp bàn các giải pháp xốc lại công tác ứng phó với dịch.
 

Dịch tấn công vào trang trại lớn

Theo Cục Thú y, đến ngày 10/5, DTLCP đã xảy ra ở 2.277 xã, thuộc 202 huyện của 29 tỉnh, thành phố, với số lợn buộc phải tiêu hủy là 1.210.556 con.

Trong đó, có cả các tỉnh đã qua 30 ngày, nhưng nay đã lại tái phát dịch như Hòa Bình, Bắc Kạn. Thời gian qua, đã có 29 xã của 12 tỉnh dịch đã qua 30 ngày, nhưng sau đó đã phát sinh trở lại.

DTLCP tấn công các trang trại lớn

Có tình trạng trong 1 xã, có hàng trăm hộ nuôi thì chỉ có một số hộ mắc bệnh, đã tiêu hủy, nhưng lại phát hiện dịch tiếp tục nổ ra ở hộ khác. Vì vậy, tỷ lệ ổ dịch qua 30 ngày bị phát sinh dịch trở lại rất nhiều.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y lo ngại: DTLCP đang diễn biến hết sức phức tạp. Tại các xã có ổ dịch đã qua 30 ngày, lại tiếp tục phát sinh các hộ chăn nuôi mới có lợn bệnh, điều đó cho thấy các tỉnh xảy ra dịch có nguy cơ xuất hiện trở lại rất cao.

Điều này cũng cho thấy dịch đã xuất hiện ở nhiều địa phương nhưng do xử lý chưa tốt, dẫn đến mầm bệnh lưu hành trong môi trường rất lớn, trong khi đó các biện pháp an toàn sinh học chưa hiệu quả.

Tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng (ĐBSH), nguy cơ phát sinh dịch rất cao, số lượng buộc phải tiêu hủy tiếp tục tăng nhiều, vì hầu hết là chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao, các hộ chăn nuôi gần nhau, khó có thể đảm bảo an toàn toàn sinh học, các hộ giết mổ nhỏ lẻ, phương thức vận chuyển, kiểm soát giết mổ gặp rất nhiều khó khăn…

Đặc biệt nguy hiểm khi thời gian qua, DTLCP đã tấn công vào các trang trại chăn nuôi lớn, với 18 cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô trên 1.000 con đã bị nhiễm bệnh, buộc phải xử lý tiêu hủy.
 

Lợn chết không chỗ chôn

Theo Cục Thú y, hầu hết các cơ sở chăn nuôi có lợn bị DTLCP hiện không bố trí được quỹ đất để tiêu hủy, ví dụ như Hà Nam, lực lượng tiêu hủy lợn phải làm việc quá tải, nên có tình trạng để người dân tự vứt xác ra môi trường xung quanh chuồng nuôi vài ngày mới có lực lượng chức năng đến tổ chức tiêu hủy.

Cây cầu tạm mắc đầy xác lợn chết

Tại Nam Định, có nơi người chăn nuôi để lợn chết trương phềnh mới có lực lượng chức năng đến tiêu hủy. Tại Thái Bình, số lượng lợn tiêu hủy rất lớn, khó khăn cho việc tìm quỹ đất và xử lý môi trường, nguy cơ ô nhiễm lớn.

Tại Hưng Yên, nhiều nơi (như xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào), lợn tiêu hủy thường phải thuê máy xúc với chi phí 800.000 đồng/ca, vì con lợn rất to, lợn nái gần 2 tạ thì không thể khiêng được, phải thuê máy xúc nâng lên để đặt lên bàn cân, sau đó cẩu đi tiêu hủy, chứ người không thể khiêng được.

Điều này khiến chi phí cho tiêu hủy rất lớn, nhất là trường hợp xã này đã phải tiêu hủy 57% số lợn, trong khi ngân quỹ xã chỉ có 20 triệu quỹ dự phòng cho công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh, hiện tại đã hết sạch, không còn kinh phí hỗ trợ.

Lợn chết mắc tại khu vực cầu kè Gia Tư, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang

Tại Hải Phòng, mặc dù địa phương đã thực hiện tốt tiêu hủy đàn lợn theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, tuy nhiên vẫn còn tình trạng lợn chết dồn ứ tại cầu phao sông Hóa, huyện Vĩnh Bảo. Tình trạng này cũng xảy ra ở huyện Thái Thụy, Thái Bình, tổng cộng đến nay đã phải thu gom, xử lý rất nhiều xác lợn.
 

Bán chạy, vứt lợn bệnh ra môi trường

Cục Thú y cảnh báo: Nhiều nơi, đặc biệt là tại các tỉnh phía Bắc, công tác nắm bắt, điều tra, phát hiện và xử lí ổ dịch đang nảy sinh vô vàn bất cập như: Giám sát, phát hiện, báo cáo công bố dịch chậm, dẫn tới dịch bệnh lây lan; một số địa phương chưa chủ động nắm bắt kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh, chậm báo cáo hoặc báo cáo sai dẫn đến khó khăn trong xử lý ổ dịch, chưa xử lý kịp thời khi dịch bệnh lây lan. Ví dụ điển hình cho thực trạng này như Bắc Giang, Phú Thọ.

Một số địa phương như Hà Nam, Nam Định, mặc dù các văn bản hướng dẫn nói là không điều trị, nhưng người chăn nuôi vẫn tự điều trị, có nơi thú y xã hướng dẫn điều trị lợn bệnh tốn cả chục triệu đồng, kết quả lợn vẫn chết và lây lan dịch bệnh. Một số địa phương chậm công bố dịch; có tình trạng người dân bán chạy lợn, vứt lợn chết ra ngoài môi trường ở các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng…

Hố tiêu huỷ không được che, lấp kín để khống chế nguồn lây lan bệnh.

Công tác phát hiện, tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời và chưa triệt để, mặc dù Bộ NN-PTNT và Cục Thú y đã có các văn bản hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể, nhưng nhiều địa phương chưa thực hiện đúng, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Nhiều nơi chỉ tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết, còn những con khác trong cùng ô thì giữ lại để theo dõi theo kiểu cố giữ, cuối cùng tất cả số lợn này đều chết, dẫn đến việc tiêu hủy lặp đi lặp lại nhiều lần trong một hộ.
 

Cán bộ thú y quá tải công việc

Bên cạnh những yếu tố chủ quan, thiếu quyết liệt ở một số địa phương, công tác phòng chống DTLCP đang nảy sinh hàng loạt khó khăn bất cập.

Không được lực lượng chức năng trợ giúp, người dân tự vận chuyển lợn chết từ nhà ra nghĩa địa

Theo Cục Thú y: quy định lợn bệnh và lợn nghi mắc bệnh phải được thú y kiểm tra, xác định, tuy nhiên do dịch nổ ra ở nhiều hộ chăn nuôi cùng một xã, cùng một ngày, trong khi mỗi xã chỉ có 1 – 2 nhân viên thú y, nên xã không thể kiểm tra, xác minh kịp thời. Cá biệt có trường hợp chính quyền xã phó mặc cho cán bộ thú y tự kiểm tra, tự rắc vôi, phun thuốc sát trùng, tự tổ chức tiêu hủy.

Ở nhiều nơi, mặc dù đã có hóa chất tiêu độc khử trùng do Trung ương cấp về, nhưng không được sử dụng vì không đủ người để phun, hoặc không đủ dụng cụ phun, nên chủ yếu phát cho các hộ chăn nuôi.

Trong khi đó, thù lao cho cán bộ thú y xã rất thấp, chi trả chậm, thậm chí dịch bệnh đã xảy ra trong thời gian dài, lực lượng tổ chức tiêu hủy phải làm việc quá tải, trong thời gian quá dài dẫn đến chưa tổ chức tiêu hủy đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, thiếu bảo hộ lao động. Mức thù lao so với ngày công thực tế cho người tham gia trực tiếp phòng chống dịch quá thấp, dẫn đến người lao động ngại hoặc không tham gia triển khai các hoạt động phòng, chống, nhất là thực hiện gấp trong thời gian dài, nhân lực cho công tác phát hiện, xử lý ổ dịch thiếu rất nhiều.

Lợn của một hộ gia đình chết nằm ngổn ngang, nhưng gọi mãi chẳng thấy cán bộ thú y đến chở đi tiêu huỷ.

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh không có bảo hộ lao động để phòng ngừa lây lan, có nơi có 10 người đi tiêu hủy thì có 3 người làm lây lan bệnh.

Trong tổ chức tiêu hủy, nhiều nơi chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật vận chuyển từ chuồng đến nơi tiêu hủy, không có bạt hoặc túi ni lông để lót sàn, chỉ dùng xe ba gác, dẫn tới chất thải, phân lợn, dịch tiết, máu lợn rơi vãi ra môi trường làm lây lan dịch bệnh. Lực lượng tham gia giết lợn khi đi tiêu hủy chưa được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, dụng cụ và trang phục của người tham gia tiêu hủy lợn chưa đảm bảo kỹ thuật, chưa đảm bảo yêu cầu sát trùng tiêu diệt mầm bệnh.
 

Hệ thống thú y cơ sở có nguy cơ tan rã

Trong bối cảnh DTLCP đang diễn biến hết sức phức tạp thì hiện nay, nhiều địa phương vẫn đang tiếp tục thực hiện việc sáp nhập hệ thống thú y các cấp như Đăk Nông, Vĩnh Long, hoặc các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An vẫn đang có kế hoạch sáp nhập lại hệ thống ngành thú y địa phương như các chi cục thú y sáp nhập về các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, nơi thì sáp nhập về chi cục phát triển nông nghiệp, trạm thú y cấp huyện sáp nhập thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp, hoặc trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, trung tâm cung ứng dịch vụ kỹ thuật, chuyển giao giống vật nuôi, phòng kinh tế hoặc phòng nông nghiệp, trực thuộc giao cho cấp huyện quản lý.

Hiện, các xã chỉ có 1 nhân viên phụ trách nông nghiệp nói chung để gộp công việc với nhau, và hầu hết các tỉnh có rất ít cán bộ thú y, nên khi tổ chức triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh không xuyên suốt như trước đây.

“Bây giờ, muốn làm việc với trung tâm dịch vụ huyện thì phải làm việc thông qua ông UBND huyện, sau đó mới làm việc được” – ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y ái ngại.
 

Tiền hỗ trợ tiêu hủy rất chậm đến tay dân

Theo Cục Thú y, các địa phương còn chậm trong hỗ trợ kinh phí tiêu hủy lợn cho người dân, do đó trước mắt, nhiều người chăn nuôi khi phát hiện bệnh, nghi lợn mắc bệnh thì không khai báo, bán chạy lợn, tự ý giết mổ lợn nên lây lan.

Sau thời gian dài tham gia tiêu hủy lợn nhiễm bệnh một số cán bộ thú y và chính quyền địa phương có biểu hiện mệt mỏi, lơ là. Ảnh: Ký Phú.

Ví dụ Hưng Yên, tỉnh nổ ra dịch sớm nhất cả nước, đến nay mới chỉ tổ chức hỗ trợ được cho 68 hộ dân, và cả tỉnh mới cấp kinh phí công tác phòng chống dịch bệnh 2,9 tỷ đồng. Hải Phòng mới hỗ trợ được 6 hộ dân, và chỉ mới cấp cho công tác phòng chống dịch bệnh là 4,8 tỷ đồng (riêng chi hỗ trợ cho 6 hộ dân là 138 triệu đồng). Tại Hải Dương, tỉnh này mới chỉ hỗ trợ được cho 1 hộ và toàn tỉnh mới chỉ cấp 3,6 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh.

“Kinh phí phòng chống dịch bệnh, hàng năm từ tháng 9 - 10, Bộ NN-PTNT đã có văn bản xây dựng kế hoạch đề nghị các tỉnh xây dựng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản. Theo đó, các tỉnh hầu hết đều có kế hoạch, nhưng nhiều tỉnh dù có kế hoạch được phê duyệt nhưng lại không có kinh phí” – ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y phản ánh.

Bên cạnh đó, khâu xác định mức giá hỗ trợ tiêu hủy lợn hiện nay cũng đang rất thiếu nhất quán và gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, một số tỉnh hỗ trợ theo mức 80% giá trị trường tại từng thời điểm (Nam Định 30 – 45 nghìn đồng/kg, Hải Dương 32 – 52 nghìn đồng/kg, Hà Nam 32 – 48 nghìn đồng/kg…).

Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng đang đề xuất chỉ hỗ trợ một giá, không tính 80% theo thời giá hoặc thấp hơn, và không phân loại lợn. Bởi việc điều chỉnh giá theo thị trường từng thời điểm hiện gặp rất nhiều rất vướng mắc, do theo Luật Giá thì phải đi lấy 200 phiếu có xác nhận, sau đó về hợp với nhau ở các sở ban ngành, trình lãnh đạo tỉnh xét duyệt thì phải mất 8 – 10 ngày, trong khi đó giá thị trường thì thay đổi từng ngày, không làm theo việc đó thì không đúng quy định của Luật Giá.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.