| Hotline: 0983.970.780

Phòng bệnh cúm bằng tiêm vacxin hàng năm

Thứ Năm 25/11/2021 , 10:02 (GMT+7)

Bệnh cúm xuất hiện quanh năm, nhưng thường bùng phát mùa đông xuân. Để phòng ngừa, người dân nên tiêm vacxin cúm vào trước mùa cúm và nên được tiêm định kỳ hằng năm.

Một số người có sức đề kháng kém như phụ nữ có thai, người già, trẻ em, người mắc bệnh tim, phổi mãn tính, mắc bệnh suy giảm miễn dịch… là đối tượng dễ mắc cúm. Ảnh minh họa

Một số người có sức đề kháng kém như phụ nữ có thai, người già, trẻ em, người mắc bệnh tim, phổi mãn tính, mắc bệnh suy giảm miễn dịch… là đối tượng dễ mắc cúm. Ảnh minh họa

Nguyên nhân gây bệnh cúm

Cúm là bệnh do virus cấp tính đường hô hấp gây ra trên người và động vật có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí gây tử vong nhanh nếu không điều trị kịp thời. Cúm có khả năng lây truyền khủng khiếp, được xếp vào một trong những căn bệnh đáng sợ nhất thế giới khi bùng phát thành dịch. Lịch sử đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người.

Cúm (hay còn gọi là cúm mùa) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi virus cúm (Influenza virus). Tại Việt Nam, bệnh cúm thường gây ra bởi virus cúm chủng A, B, C, trong đó chủng hay gặp nhất ở người là chủng A và B.

Cúm thường khởi phát đột ngột, bắt đầu với những triệu chứng bao gồm sốt, ho, đau nhức bắp thịt, đau đầu, chảy nước mũi, đau họng và mệt mỏi toàn thân… Một vài người có thể ói mửa và tiêu chảy, nhưng triệu chứng này thường xuyên xảy ra với trẻ em hơn là với người lớn.

Các triệu chứng cuat cúm thường xuất hiện ngay sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh. Những triệu chứng ban đầu có thể gặp là sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau mỏi cơ bắp, chóng mặt, mệt mỏi… Trẻ em khi mắc cúm có thể có thêm triệu chứng đau tai, đau họng, tiêu chảy, nôn mửa.

Cúm là bệnh rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người xem nhẹ cúm, không có những biện pháp bảo vệ, phòng ngừa, từ đó phải gánh chịu những hậu quả đáng tiếc.

Bệnh cúm lây truyền như thế nào?

Virus cúm có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi…, dịch mũi họng và các giọt nước bọt mang theo virus bay vào không khí, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, các giọt dịch này khi vấy bẩn lên đồ ăn, vật dụng… cũng có thể truyền virus gây bệnh. Đây là nguyên nhân khiến cúm rất dễ lây lan nơi đông người. Nếu không phòng ngừa hiệu quả, cúm có thể lây truyền khủng khiếp gây ra đại dịch.

Cúm thường xuất hiện quanh năm, có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm thông thường nên rất nhiều người xem nhẹ. Chính vì sự chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn đã khiến bệnh chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp. Cúm còn là khởi nguồn của các bệnh: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu… nếu không điều trị kịp thời.

Phụ nữ mang thai nhiễm cúm trong 3 tháng đầu có khả năng sảy thai, thai lưu hoặc dị tật thai nhi. Nếu không may mắc cúm trong thời gian mang thai, phụ nữ nên theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng cách khám thai và siêu âm mỗi 2 tuần trong 2 tháng đầu và tiếp tục khám thai định kỳ sau đó. Thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm là hội chứng Reye (gây sưng phù ở gan và não). Mặc dù đây là hội chứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Hội chứng này thường hay gặp nhất ở trẻ em từ 2-16 tuổi. Reye xuất hiện chỉ sau vài ngày bị cúm, khi các triệu chứng có dấu hiệu giảm dần, trẻ đột nhiên nôn mửa, chuyển sang mê sảng, co giật đi vào hôn mê sâu rồi tử vong.

Cách tốt nhất để tránh bị mắc bệnh cúm là tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh minh họa

Cách tốt nhất để tránh bị mắc bệnh cúm là tiêm vaccine phòng bệnh. Ảnh minh họa

Phòng ngừa bệnh cúm

Bệnh cúm có thể lây truyền do virus cúm từ người bệnh phát tán vào môi trường xung quanh, hoặc từ tay sang miệng của người lành sau khi cầm nắm, sờ vào các vật dụng bị nhiễm virus cúm. Vì vậy, khi bị cúm hoặc có ai đó xung quanh bị cúm, nên thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, thường xuyên đeo khẩu trang khi tới nơi đông người và tiếp xúc với người bệnh, không sử dụng chung khăn mặt và các vật dụng sử dụng trong ăn uống, tránh đến chỗ đông người khi có dịch cúm, nên có khăn tay hoặc khăn giấy che miệng khi ho hoặc hắt hơi… Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Cách tốt nhất để tránh bị mắc bệnh cúm là tiêm vaccine phòng bệnh định kỳ hàng năm. Khoảng một tháng sau khi tiêm phòng vaccine, cơ thể sẽ sinh kháng thể đề kháng việc lây nhiễm cúm mùa. Đặc biệt, phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai nên tiêm vaccine cúm để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và con trong suốt thai kỳ, cũng như bảo vệ con sau sinh trong 6 tháng đầu khi trẻ chưa đến tuổi được tiêm phòng vắc xin cúm.

Nhiều người thường thắc mắc là vaccine phòng cúm có phải tiêm nhắc lại hàng năm không hay tiêm một mũi có thể bảo vệ, phòng bệnh cúm suốt đời. Theo các bác sĩ, cúm là loại virus có nhiều chủng loại và biến đổi hàng năm. Mỗi năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại đưa ra dự báo về chủng cúm mới, và vaccine cúm mùa thường được sản xuất dựa trên dự báo đó để phù hợp với các chủng gây bệnh đang lưu hành. Hơn nữa, kháng thể bảo vệ tạo ra nhờ virus cúm chỉ tồn tại trong thời gian ngắn dưới 1 năm. Đó là lý do mỗi loại vaccine cúm mùa chỉ có tác dụng đối với một chủng virus cúm nhất định và phải tiêm nhắc lại khi có vaccine ngừa chủng cúm mới để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất.

Dinh dưỡng cho người bệnh cúm

Khi bị cúm nên lưu ý: Cung cấp đủ nước cho cơ thể (Uống đủ 2l nước/ngày và ăn nhiều trái cây, rau xanh); sử dụng thêm các loại nước có bổ sung chất điện giải để cung cấp thêm natri và kali. Ăn thực phẩm dễ nuốt (cháo, súp hay các thực phẩm loãng). Ăn thực phẩm nhiều kẽm (tôm, hàu, thịt bò, sò, ngũ cốc, yến mạch,…) giúp người bệnh cúm chóng phục hồi sức và cải thiện hệ miễn dịch. Các loại rau củ quả (cải bó xôi, cải xoăn, súp lơ…).

Bên cạnh những thực phẩm có lợi cũng có không ít những thực phẩm gây hại và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của cúm. Người bệnh nên tránh một số sản phẩm sau: Các thực phẩm chế biến sẵn; Các loại đồ uống chứa cồn, chất kích thích như soda, rượu, cà phê…

(Kiến thức gia đình số 46)

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

Lá lốt có tác dụng gì với sức khoẻ?

Lá lốt không chỉ giúp hương vị của món ăn thêm thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe và còn có tác dụng điều trị một số loại bệnh.