Ngư dân Bình Định bán sản phẩm tại cảng cá Quy Nhơn (Ảnh: ĐT) |
Bởi vi phạm vẫn chưa có chế tài xử phạt, chủ yếu chỉ nhắc nhở, tuyên truyền, vì thế nhiều tàu không tuân thủ những quy định tại cảng.
Trong nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” EU đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, cảng cá Quy Nhơn (TP Quy Nhơn) là 1 trong 4 cảng cá trên cả nước thành lập Văn phòng Thanh tra kiểm soát nghề cá. Theo quy định, khi tàu thuyền vào hoạt động tại cảng cá phải báo cho Ban quản lý (BQL) cảng cá biết. Tuy nhiên, nhiều tàu cá đều không tuân thủ quy định trên. Tuy vậy, BQL cảng cá không thể không tiếp nhận các tàu thuyền không tuân theo quy định, vì chưa có chế tài xử phạt hành vi nói trên. Không chỉ xảy ra tại cảng cá Quy Nhơn, thực trạng này còn đang xảy ra ở cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát).
Theo ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc BQL Cảng cá Bình Định, tại cảng cá Quy Nhơn tàu thuyền bất chấp quy định nhiều nhất là tàu hành nghề giã cào. Những tàu này hầu hết không đăng ký, đăng kiểm, hoặc đăng kiểm đã hết hạn, nhưng vẫn cứ thoải mái “tung tăng” ra vào cảng tranh giành chỗ neo đậu, khi vào lại không chấp hành việc đăng ký và khai báo thông tin. Dù đã được BQL cảng cá và Bộ đội Biên phòng thường trực tại cảng nhắc nhở, nhưng các chủ tàu giã cào vẫn không hợp tác, thậm chí còn phản kháng, gây khó cho việc thực hiện đăng ký cập cảng và thu thập thông tin.
“Từ năm 2014 BQL cảng cá Bình Định đã phối hợp với Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, công an và chính quyền địa phương các phường Đống Đa, Trần Phú, Lê Lợi chấn chỉnh hoạt động của tàu hành nghề giã cào. Tuy nhiên, đến nay các tàu này vẫn ngang nhiên hoạt động”, ông Thiện nói.
Theo ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, toàn tỉnh hiện có 6.243 tàu cá hoạt động khai thác thủy sản. Tuy nhiên, số tàu cá có giấy phép hoạt động đúng quy định rất thấp. Hiện có trên 2.800 tàu cá chưa có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn hoạt động.
Ông Đào Xuân Thiện chia sẻ thêm: Để quản lý tàu thuyền hoạt động tại cảng cá là rất khó, nhất là đối với những tàu không có giấy phép hoạt động nghề cá. Bởi, nghề cá của mình hiện nay là nghề cá nhân dân, ngư dân đã quen hoạt động không theo quy củ. Giờ muốn nâng cao ý thức của ngư dân, hướng họ hoạt động theo nghề cá hiện đại, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành liên quan.
“Các lực lượng Bộ đội Biên phòng, cảnh sát đường thủy, Chi cục Thủy sản, lực lượng Kiểm ngư, BQL cảng cá phải được phân chia trách nhiệm rõ ràng. Khi tàu cá cập cảng, Bộ đội Biên phòng phải kiểm tra trước, tàu đủ điều kiện mới cho cập cảng, khi đó BQL cảng cá sẽ theo dõi những yếu tố thuộc chuyên ngành thủy sản rồi báo cho Chi cục Thủy sản. Nếu tàu cá nào bất tuân quy định hoạt động tại các cảng cá thì phải có cảnh sát đường thủy hoặc lực lượng Kiểm ngư xử lý”, ông Thiện nói.
Riêng tại cảng cá Quy Nhơn, mỗi năm có 11.000 lượt tàu cá thông qua cảng. Bình quân mỗi ngày có trên 30 lượt tàu thuyền ra vào bến, lúc cao điểm có trên 200 lượt, mùa mưa bão số lượng tàu thuyền vào cảng tăng gấp 3 lần.
Cùng với việc Cty CP Tân cảng Quy Nhơn mở rộng quy hoạch làm cho diện tích mặt nước trong cảng bị thu hẹp, dẫn tới gia tăng tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng của cảng như: Hệ thống thoát nước, nhà lồng, cầu cảng… tuy đã được đầu tư nâng cấp, nhưng so với thực tế chưa đáp ứng được so với nhu cầu. Đây là cũng là những khó khăn trong việc thực hiện những quy định của EU về quản lý tàu thuyền của ngư dân hoạt động tại cảng cá.
“Việc giao cho các cảng cá thực hiện truy xuất nguồn gốc theo Luật Thủy sản 2017 cần phải có sự phối hợp và phân công trách nhiệm cụ thể giữa các lực lượng liên quan, đồng thời phải có chế tài xử phạt cụ thể, nghiêm minh. Ngoài ra, cần có lộ trình thực hiện phù hợp, để từng bước chuyển nghề cá nhân dân thành nghề cá hiện đại. Khi ý thức của ngư dân đã tốt thì không lo gì không thực hiện được những quy định của IUU”, ông Đào Xuân Thiện. |