| Hotline: 0983.970.780

Phú Quý - Những giai thoại truyền kỳ: Ngôi chùa… không thích trụ trì nam

Thứ Ba 17/05/2022 , 07:04 (GMT+7)

Nhiều năm qua, ngôi chùa không có trụ trì, bởi các sư nam giới được phân công về làm trụ trì, chỉ một thời gian ngắn, lại lần lượt xách tay nải đi.

Trên đảo Phú Quý có gần chục ngôi chùa lớn nhỏ. Trong đó, Chùa Linh Quang nổi tiếng không chỉ bởi đây là một công trình có kiến trúc hoàn mỹ, là di tích cấp Quốc gia, mà còn là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam với gần 300 năm tuổi. Tuy nhiên, trong bài viết này, tôi muốn dành cho một ngôi chùa “trẻ” hơn, nhưng rất đặc biệt. Đó là chùa Linh Sơn, tọa lạc trên đỉnh núi Cao Cát, xã Long Hải, huyện đảo Phú Quý.

Núi Cao Cát, nơi có chùa Linh Sơn, một trong những danh thắng ở đảo Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Núi Cao Cát, nơi có chùa Linh Sơn, một trong những danh thắng ở đảo Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Hiện thân của tình người

Hơn 12 giờ trưa, tôi lên đến sân chùa sau khi mướt mồ hôi leo hơn 100 bậc thang trong cái nắng nóng gay gắt. Một nhóm hơn chục phụ nữ đủ lứa tuổi, mặc trang phục phật tử đang ríu rít chuẩn bị ăn trưa. Có 2 cô gái khá trẻ bồng theo trẻ nhỏ. Đây là những người dân xã Long Hải, lên chùa làm công quả, chăm sóc Phật môn. Từ nhiều năm nay, ngôi chùa lớn này chỉ có duy nhất 1 nữ tu trông coi là sư cô Nguyễn Thị Mỹ Thanh, 42 tuổi.

Linh Sơn tự, ngôi chùa đặc biệt ở Phú Phú. Ảnh: Phúc Lập.

Linh Sơn tự, ngôi chùa đặc biệt ở Phú Phú. Ảnh: Phúc Lập.

Sư cô Mỹ Thanh là người đang sưu tầm những tư liệu lịch sử ngôi chùa và người lập chùa Linh Sơn, bà Trần Thị Tấn. Vì thế, sư Mỹ Thanh cũng chính là người hiểu rõ nhất quá trình lập chùa.

Theo lời sư cô Mỹ Thanh, chùa Linh Sơn ban đầu chỉ là một thảo am nhỏ, tức am làm bằng cây, lá, do sư cô Trần Thị Tấn lập vào năm Bính Thân (1866), dưới thời vua Tự Đức. Bà Tấn sinh năm 1836, trong một gia đình Nho giáo ở làng Thoại Hải, xã Long Hải bây giờ. Số phận không may khiến bà nhiều lần gặp trắc trở, đắng cay trong tình duyên khi tuổi còn rất trẻ. Đó cũng là lý do khiến bà lên núi dựng am, ngày ngày tụng kinh niệm phật, cầu mưa thuận gió hòa, cầu bình an cho ngư dân đi biển.

Cảm thương số phận người phụ nữ trẻ cô quạnh, một thân một mình trong am nhỏ giữa đỉnh núi quanh năm gió thét, người dân trên đảo vốn có truyền thống tương trợ, dùm bọc, nên thường xuyên góp công, góp sức tu sửa am nhỏ ngày một khang trang hơn.

Sư cô Mỹ Thanh, người duy nhất tu hành đang trông coi chùa Linh Sơn. Ảnh :Trần Thắng.

Sư cô Mỹ Thanh, người duy nhất tu hành đang trông coi chùa Linh Sơn. Ảnh :Trần Thắng.

“Năm 1913, ngôi chùa được làm lại lần đầu, từ nhà lá sang nhà kiên cố với vật liệu chính là đá, mái ngói. Theo lời các cụ kể lại thì lúc đó, đích thân ông Lý trưởng tên Võ Nhạc cùng các hương chức trong làng đứng ra huy động toàn dân trong làng góp công cùng làm. Lúc này chùa mới có chính điện, có tượng Phật tổ, Quan âm lớn trên đỉnh núi và một con đường đi từ chân núi lên bằng đá. Ngôi chùa lúc này mang tên “Linh Sơn Thanh long cổ tự”. Năm 1958, ngôi chùa xuống cấp, mái dột, chính quyền xã khí đó lại đứng ra huy động bà con góp công tu sửa, mái ngói nung được thay bằng ngói đúc xi măng. Năm 1972, Linh Sơn tự tiếp tục được tu sửa, tôn tạo lớn hơn, hoành tráng hơn”, sư Thanh kể.

Trong số 7 lần trùng tu, lần gần nhất, cũng lớn nhất, là năm 1992, kéo dài đến năm 1996 mới xong. Đây cũng là lần người dân trên đảo tham gia làm công quả, đóng góp nhiều nhất.

Sư cô Mỹ Thanh cho biết, mặc dù ra đời đã 156 năm, nhưng tài liệu về ngôi chùa rất ít, chủ yếu qua truyền miệng và một tấm bảng nhỏ như vậy. Ảnh: Phúc Lập.

Sư cô Mỹ Thanh cho biết, mặc dù ra đời đã 156 năm, nhưng tài liệu về ngôi chùa rất ít, chủ yếu qua truyền miệng và một tấm bảng nhỏ như vậy. Ảnh: Phúc Lập.

Chị Trần Thị Hợp, người dân thôn Đông Hải, xã Long Hải, đang làm công quả tại chùa, kể: “Hồi đó tụi tôi làm liên tục mấy tháng trời. Tôi nhớ là khi đó chùa ký hợp đồng xây dựng với 1 đơn vị thi công ở đất liền ra, do việc vận chuyển vật liệu khó khăn, nên tiến độ có nguy cơ chậm so với hợp đồng, đơn vị thi công họ dọa nếu không cung cấp đủ vật liệu cho họ làm thì hết thời hạn hợp đồng họ cũng sẽ ngưng. Vì thế, phải huy động hết mọi người đóng góp công.

Mỗi khi tàu chở vật liệu ra, người dân huy động bốc lên bờ, xe chở đến chân núi, lại vận chuyển lên chùa, làm cả đêm, đến khi nào hết vật liệu dưới chân núi mới thôi. Mọi người tự nguyện làm và thấy bình thường chứ không ai tỏ ra khó chịu cả. Vậy nhưng, hết thời hạn ghi trong hợp đồng, đơn vị thi công vẫn làm đến khi xong chứ không bỏ ngang như họ nói. Sau nay, họ nói rằng, thấy bà con chung tay đóng góp công  sức, làm bất kể ngày đêm như vậy mà tụi tôi không động lòng thì còn gì là tình người”.

Đứng trên đỉnh núi Cao Cát có thể ngắm nhìn toàn bộ cảnh đẹp hùng vĩ của cả huyện đảo Phú Quý. Bên phía đông có mộ Thầy Sài Nại nổi bật trên ghềnh đá đen bí ẩn, phía nam bạt ngàn màu xanh của nương rẫy do người dân gieo trồng. Ở phía tây là ngọn hải đăng Núi Cấm lớn nhất Việt Nam, gần đó là Đền Thờ công chúa Bàn Tranh. Còn phía bắc có thể thấy bờ kè Ngũ Phụng cùng các trạm điện nổi bật giữa hàng cây phượng nở hoa đỏ thắm mỗi khi hè về.

Nhiều sư trụ trì nam đến rồi đi

Hiện nay, chùa Linh Sơn đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất trên đảo Phú Quý. Bởi chùa tọa tạc ở vị trí “đắc địa” nhất. Đó chính là núi Cao Cát, ngọn núi chỉ cao hơn 100m, nhưng lại vô cùng đặc biệt bởi trên đỉnh, ngoài việc có tượng Phật Quan âm hơn 100 năm tuổi, thiên nhiên còn ban tặng cho ngọn núi những khối đá hình dạng đặc biệt với hoa văn xoắn ốc, rãnh ngang do phong hóa, được ví với thung lũng trong công viên địa chất Grand Canyon, Mỹ.

Ngôi chùa đặc biệt ở chỗ, tất cả người dân trên đảo đều góp công, tự nguyện đến làm công quả, chăm sóc chùa. Ảnh: Trần Thắng. 

Ngôi chùa đặc biệt ở chỗ, tất cả người dân trên đảo đều góp công, tự nguyện đến làm công quả, chăm sóc chùa. Ảnh: Trần Thắng. 

Một điều khiến tôi không khỏi ngạc nhiên, đó là trong khi các ngôi chùa khác có khá nhiều nhà sư tu hành, thì tại Linh sơn, trước nay không có sư nam. Nói đúng hơn là sư nam giới cũng từng đến đây, nhưng không thể gắn bó lâu, đến một thời gian ngắn là lại đi.

Từ đỉnh núi Cao Cát, có thể quan sát hầu hết đảo Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Từ đỉnh núi Cao Cát, có thể quan sát hầu hết đảo Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Bà Nguyễn Thị Nỗng, 50 tuổi, phật tử làm công quả tại chùa kể: “Tôi sống hơn nửa đời ở đây, biết rất rõ. Từ trước đến giờ, chưa có trụ trì nam nào đến đây làm mà được hơn 1 năm. Tôi nhớ có 3 - 4 trụ trì nam được Giáo hội Phật giáo cử đến đây làm trụ trì. Nhưng ông nào cũng vậy, chỉ được chưa tới 1 năm là phải đi”. “Lý do sao họ đi?”, tôi hỏi. “Lý do thật sự thì tôi không biết. Chỉ biết là mấy trụ trì này đến thì phật tử ít, mà sức khỏe này càng kém đi, tinh thần cũng vậy. Nên họ xin về chùa khác. Khi về một thời gian thì họ lại khỏe mạnh trở lại như cũ”, bà Nỗng kể.

Ngừng giây lát, bà Nỗng ngập ngừng cho rằng, có thể cuộc sư cô sáng lập chùa Nguyễn Thị Tấn, sinh thời đã chịu quá nhiều đau khổ sau mấy lần đứt gánh tình duyên, nên bà không thích đàn ông đến chùa chăng? “Trong thời gian ngắn sắp tới, khi sư cô Mỹ Thanh học xong khóa thứ 3 về phật học (mỗi khóa 3 tháng), sẽ chính thức làm lễ xuống tóc và có thể sẽ là trụ trì chùa Linh Sơn”, bà Nỗng tiết lộ.

Ông Lê Ngữu, người đàn ông duy nhất có thể 'nhập hộ khẩu' vào chùa Linh Sơn. Ảnh: Trần Thắng.

Ông Lê Ngữu, người đàn ông duy nhất có thể "nhập hộ khẩu" vào chùa Linh Sơn. Ảnh: Trần Thắng.

Trong lúc dạo quanh chùa, tôi bắt gặp một người đàn ông lớn tuổi đang ngồi tỉ mẩn gỡ những sợi cước rối trong căn phòng nhỏ, đôi mắt mờ đục. Ghé vào hỏi thăm, ông cho biết tên Lê Ngữu, pháp danh Thiện Bảo, 72 tuổi, ở trong chùa từ 5 năm nay. Hỏi thăm mới biết, lúc trẻ ông lành lặn, khỏe mạnh và đi biển từ năm 10 tuổi. Năm 1974, tai nạn đã cướp đi đôi mắt của ông. Mặc dù vậy, ông vẫn tiếp tục theo nghề biển đến năm 2010 mới nghỉ. Kể từ đó, ông thường xuyên lên chùa Linh Sơn làm công quả. Cách đây 4 năm, ông chính thức lên ở luôn tại chùa. Ông Ngữu là người đàn ông duy nhất “nhập hộ khẩu” được ở chùa Linh Sơn này. Bà Nỗng nói, ông Ngữu ở chùa được là bởi vì ông không còn nhìn được, không thấy mọi chuyện xung quanh.

“Có thể nói, Linh Sơn tự không giống bất cứ ngôi chùa nào trên đảo nói riêng và cả nước nói chung. Vì suốt hơn 150 năm hình thành, từ một am nhỏ, đến ngôi chùa đẹp như hôm nay, đã trải qua 7 lần tu sửa, tôn tạo, tất cả đều có bàn tay, công sức của toàn cư dân trên đảo. Dù nhiều năm qua, chùa không có trụ trì, nhưng luôn ấm cúng, sạch sẽ. Người dân đảo coi ngôi chùa như nhà mình, ngoài thời gian được phân công ra, bất cứ khi nào họ rảnh rỗi là lại lên chùa chăm sóc, hoặc thay vì đi chơi, họ lên chùa”.

Xem thêm
Phá vỡ khuôn mẫu quá khứ để tự do sống và yêu

Phá vỡ khuôn mẫu không có nghĩa là nổi loạn, mà là thoát khỏi những sự ràng buộc mang tính ám ảnh quá khứ để có thể mưu cầu hạnh phúc đích thực.

Đàn ông toan tính không thể có hạnh phúc hôn nhân

Đàn ông toan tính chạy theo nhan sắc và tiền bạc, thì dù có khéo léo đến mấy cũng lộ ra khuôn mặt bội bạc và khó giữ mái ấm đích thực.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?