Phạm điều cấm khi yêu một người khác đạo, không nghe lời can ngăn, nàng công chúa cành vàng lá ngọc ấy bị triều đình kết tội phản nghịch, bị đày ra hoang đảo.
Khi bị đày ra hòn đảo chưa từng có dấu chân người, tưởng khó lòng vượt qua. Nhưng không… Nàng là công chúa Bàn Tranh (Po Sah Ina), con gái của vua Champa thế kỷ XIV. Người dân trên đảo gọi là bà Chúa Ngọc.
Ngược dòng lịch sử
Sau gần 3 giờ lênh đênh trên biển từ cảng Phan Thiết (Bình Thuận), cuối cùng tôi cũng đến được đảo Phú Quý dưới ánh nắng chói chang. Mặc dù say sóng đứ đừ, tôi nhanh chóng hồi phục khi đón những làn gió biển hào phóng liên tục phả vào mặt.
Anh Trần Văn Thắng, công tác ở văn phòng UBND huyện đảo Phú Quý chờ tôi ngay cầu tàu. Đón giúp chiếc ba lô trĩu nặng trên vai, anh nói: “Phú Quý tuy nhỏ, nhưng nhiều di tích, nhiều chuyện hay, thú vị lắm. Anh muốn đi những đâu, tôi sẽ đưa anh đi”. Tôi ngỏ ý muốn đến đền thờ công chúa Bàn Tranh, anh gật đầu nói: “Đúng, ra đảo nên đến đó đầu tiên. Bà Chúa Ngọc là người có công khai khẩn hòn đảo này. Nhưng muốn biết nhiều chuyện hay, phải gặp mấy chú coi đền”.
Xe chúng tôi chạy thẳng đến nhà ông Nguyễn Văn Thinh, 78 tuổi, ở thôn Đông Hải, xã Long Hải. Ông Thinh nguyên là lãnh đạo xã Long Hải, lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử về đảo Phú Quý và thuộc nằm lòng những giai thoại, truyền thuyết về công chúa Bàn Tranh.
“Trên đảo này, cậu có thể hỏi bất cứ người dân nào về bà Chúa Ngọc. Vì nó đã lưu truyền từ đời này sang đời khác từ mấy trăm năm qua. Dù truyền thuyết về bà có mấy phiên bản, nhưng nội dung chính tương đối giống nhau”, ông Thinh nói.
Rồi ông kể, công chúa Bàn Tranh là con gái út của vua Champa tên Po Kathit, Tiểu vương quốc Champa Panduranga (Chiêm Thành Nam - Phan Rang, gồm các vùng đất Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay), đem lòng yêu chàng trai tên Po Sanimpan cùng dân tộc nhưng khác đạo. Đấy là điều cấm kỵ, vì thế, cuộc tình của công chúa Bàn Tranh đã gây sóng gió trong hoàng tộc, gây bất bình trong thần dân Chiêm Thành lúc bấy giờ.
Dù rất yêu thương công chúa, nhưng Tiểu vương Po Kathit không thể chấp nhận một cuộc hôn nhân khác tôn giáo và sự phản đối gay gắt của thần dân. Vua đành để cho quần thần khép nàng vào tội phản nghịch, buộc ly khai khỏi hoàng tộc, buộc phải đi lưu đày đến đảo hoang, vĩnh viễn không được trở về. Tiểu Vương ban cho công chúa ân huệ cuối cùng, đó là cho một số tỳ nữ theo hầu, cấp dụng cụ sản xuất, và những hạt giống lương thực rồi giong buồm ra khơi trong vô định.
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, đoàn thuyền của công chúa Bàn Tranh đã dạt vào một hòn đảo nhỏ có hình dáng như một con cá Thu. Đó chính là đảo Phú Quý, hay còn gọi là cù lao Thu.
Lên đảo, công chúa cùng tùy tùng dựng lều ngay dưới chân núi Cao Cát (thôn Đông Hải, xã Long Hải ngày nay), bắt đầu tạo dựng cuộc sống tự lập trên hoang đảo với những công cụ sản xuất mang theo.
Các triều vua Chiêm Thành về sau do nhiều cuộc nội chiến, dần suy yếu. Khi Tiểu Vương Po Kathit qua đời, vua kế vị từng có chỉ dụ cho công chúa Bàn Tranh được phép trở về đất liền, nhưng bà đã khước từ, bởi quá khứ đau buồn, và bởi bà đã yêu hòn đảo hoang này, coi đây là nơi sẽ gắn bó cả cuộc đời.
Khi công chúa qua đời, người dân trên đảo tiếc thương, lập mộ bia, lập miếu thờ ngay nơi bà sinh sống.
Một trong những tập tục có lẽ do chính công chúa Bàn Tranh để lại mà không đâu có, đó là việc các đôi trai gái lấy nhau không cần tổ chức đám cưới. “Có thể, do nỗi buồn từ chính câu chuyện tình của mình mà công chúa Bàn Tranh sau này ở trên đảo muốn các đôi trai gái yêu nhau, lấy nhau không cần phải thủ tục rườm rà, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, chỉ cần thương nhau là đưa nhau về ra mắt cha mẹ. Sau đó, gia đình nhà trai làm một vài mâm cỗ, báo với họ hàng thân tộc, tổ tiên về thành viên mới. Không cần tổ chức lễ dạm hỏi, vu quy, không đám cưới, không xe hoa… nhưng hầu như các cặp vợ chồng trẻ trên đảo đều sống thủy chung, hạnh phúc với nhau cho đến ngày răng long, đầu bạc. Khoảng chục năm trở lại đây, tụi nhỏ đi ra ngoài, du nhập văn hóa đất liền, nên trên đảo mới bắt đầu có đám cưới, nhưng cũng không nhiều”, ông Văn Chỉm kể.
Những di sản để lại cho hậu thế
Đến đền thờ công chúa Bàn Tranh nằm trên con đường mang tên bà ở thôn Quý Hải, xã Long Hải, tôi gặp ông Văn Chỉm, 68 tuổi, người đang coi đền. Ông Chỉm dẫn tôi vào khu vực thờ chính, đốt mấy nén hương, đưa cho tôi 3 nén, rồi quỳ xuống lầm rầm khấn vái. Xong ông bảo: “Công đức của bà đối với hòn đảo này rất lớn. Từ đời vua Minh Mạng (1820 - 1840) cho tới vua Khải Định (1916 - 1925), bà đã được ban tặng 8 sắc phong, ghi nhận công đức của bà đối với đảo. Những sắc phong này là tài sản vô giá của hậu thế, được dân đảo thay nhau hương khói, phụng thờ”.
Đền công Chúa Bàn Tranh được công nhận Di tích Quốc gia năm 2015. Hiện nay, kiến trúc Champa xưa của đền không còn nguyên gốc, do bị hư hỏng, xuống cấp nên được tu bổ, tôn tạo nhiều lần. Khuôn viên đền từ ngoài vào gồm cổng chính, cột cờ, bình phong, chính điện. Cổng chính theo kiểu cổng tam quan, trên nóc có trang trí phù điêu long, phượng, hoa lá… Chính điện được kiến tạo theo kiểu nhà vuông, mái lợp ngói, trên nóc trang trí lưỡng phụng chầu nhật.
Nội thất bài trí 3 khám thờ, khám giữa có chữ “Thần” thờ công chúa Bàn Tranh, trên bàn thờ đặt 3 bia Kut đá Chăm, hai khám hai bên thờ Tiền Hiền, Hậu Hiền. Các cột gỗ bên trong chính điện được khắc hoành phi câu đối ca ngợi công đức của công chúa Bàn Tranh.
Một trong những di tích cổ nguyên vẹn còn lại ở đền là chiếc giếng cổ có miệng hình bán nguyệt nằm bên hông phải đền. Ông Chỉm và cả ông Thinh cùng xác nhận, chiếc giếng này không biết có từ khi nào, nhưng ngay cả cha mẹ 2 ông đều nói khi còn nhỏ đã thấy có. Dẫn tôi ra giếng, ông Chỉm mở nắp gỗ nhỏ, ròng chiếc gầu bằng nhựa xuống giếng, tôi ước sợi dây gầu dài chừng hơn 2m. Múc nước lên, ông Chỉm đưa gầu lên miệng uống ngon lành.
“Ngay cả tuổi thơ của cha mẹ tôi cũng đã gắn liền với đền và cái giếng cổ này. Còn tôi, từ bé đến giờ, chưa thấy giếng cạn bao giờ. Hồi nhỏ mỗi khi đi chăn trâu, khát nước lại chạy vào xin bà cho hớp nước rồi múc uống. Nhưng phải xin rồi mới được lấy”, ông Chỉm đưa gàu lên miệng tu một hơi, rồi đưa cho tôi. Rụt rè đón chiếc gầu nước từ tay ông Chỉm, tôi đưa lên miệng uống thử. Sau vài giây e ngại, tôi đã tu một hơi dài. Nước không những rất ngon mà còn có vị ngọt tinh khiết. Trước khi rời đi, tôi đã xin rót đầy vào một chai nước suối nhét vào ba lô mang theo.
“Cách đây mấy năm, có một anh Việt kiều ra tham quan, anh ấy ngỏ ý muốn ủng hộ đền đầu tư, cải tạo thêm một số công trình cho đẹp hơn. Anh ấy cũng muốn đào một giếng khác to hơn, đẹp hơn. Huyện cũng đồng ý rồi, nhưng đến khi làm lễ cúng, xin phép bà, xin keo thì gieo đi gieo lại mãi không được. Nên cuối cùng anh ta không dám làm”, ông Chỉm kể.
Huyện đảo Phú Quý có 3 xã Tam Thanh, Ngũ Phụng, Long Hải, và 9 làng. Việc thờ phụng, cúng tế công chúa Bàn Tranh là trách nhiệm chung của tất cả người dân trên đảo. Mỗi làng được giao trông coi đền thờ, lưu giữ sắc phong ở nơi thờ sắc phong riêng của làng mình, gọi là Nhà Vuông, đồng thời cúng tế Bà Chúa trong một năm. Sau đó, vào ngày giỗ mùng 3 tháng giêng, các làng tổ chức lễ rước sắc để chuyển cho làng khác rước về làng mình thờ.