| Hotline: 0983.970.780

Độc đáo làng bè trên đảo 'giàu - sang'

Chủ Nhật 01/05/2022 , 07:15 (GMT+7)

BÌNH THUẬN Không chỉ rất phong phú những loài hải sản đặc hữu quý hiếm, ngư dân ở huyện đảo Phú Quý đã sáng tạo ra những công trình nuôi hải sản độc đáo hiếm có.

Ngoài cá mú, tôm hùm, đảo Phú Quý còn có những loài hải sản đặc hữu, đó là cua huỳnh đế, cua mặt trăng, cua đá, cua đỏ và hàng chục loại ốc hiếm.

Đặc biệt, người dân không chỉ nuôi hải sản lồng bè ngoài biển, mà còn xây những hồ ven bờ, dùng nước thuỷ triều lên xuống đưa vào hồ nuôi hải sản. Những công trình độc đáo này không chỉ giúp an toàn cho hải sản trước gió bão, mà còn trở thành một trong những điểm tham quan rất hấp dẫn. Đó là hòn đảo mang tên “giàu – sang”, đảo Phú Quý của tỉnh Bình Thuận. 

Anh Võ Sinh và con cua đỏ, đặc sản Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Võ Sinh và con cua đỏ, đặc sản Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Thế giới cua, ốc 

Bài liên quan

Đến bãi biển thuộc thôn Phú Lân, xã đảo Long Hải (huyện đảo Phú Qúy), tôi hỏi thăm người đàn ông ngồi trong quán nước cách ra xóm bè, anh hỏi: “Anh muốn ra bè nào? Chỉ cần có só điện thoại, anh gọi người ta cho xuống vào đón ra. Nếu chưa biết ra bè của ai thì tôi chỉ cho”.

Tôi lắc đầu. Anh nói tiếp: “Đa số các bè đều có dịch vụ chế biến hải sản cho khách tham quan, một số ít thì chỉ nuôi hải sản, không có dịch vụ nấu nướng, vấn đề là anh muốn ăn món gì”. Nghe tôi giới thiệu, anh bảo: "Vậy thì anh ra bè anh Sinh đi. Ổng là một trong những người nuôi bè lâu nhất. Ngoài cá mú, còn có tôm hùm, cua, hơn chục loại ốc nữa, ổng cũng chế biến hải sản cho khách luôn. Để tôi gọi xem ổng có ngoài bè không, cần thiết tôi chở ra. Gần xụi hà!”.

Nói rồi, người đàn ông tôi chưa biết tên nhiệt tình rút điện thoại ra gọi cho anh Sinh, chủ bè. Xong anh thông báo: “Anh đợi chút xíu, ổng cho người vào đón”. Tôi tỏ ý cảm kích vì sự nhiệt tình của người đàn ông vừa gặp, đồng thời hỏi tên, xin số điện thoại, anh cười: “Tôi tên Hùng. Anh lấy số, cần hỏi gì cứ gọi, tôi chỉ cho. Ngoài này chuyện đó bình thường, không có gì đâu”.

Tác giả (trái) thích thú với loài cua đá. Ảnh: Võ Hùng.

Tác giả (trái) thích thú với loài cua đá. Ảnh: Võ Hùng.

Anh vừa nói xong thì một chiếc xuồng máy nhỏ tấp vào bờ. “Xuồng ông Sinh đó”, anh Hùng nói. Tôi ngỏ ý muốn nhờ anh đi cùng, anh gật đầu ngay. Tôi ngập ngừng hỏi chi phí, anh xua tay: “Tôi cũng đang rảnh, đi cùng hỗ trợ nhà báo chút thôi, không cần chi phí gì đâu. Khi nào rảnh anh em mình lai rai vài ly là được”. 

Ngay sau đó, chúng tôi lên xuồng ra xóm bè. Chạy qua những lồng bè san sát, anh Hùng cho biết, xóm bè có khoảng hơn trăm lồng bè, đa số ngư dân nuôi cá mú, cá bớp, cá chẽm. Ngoài ra còn có cua, ốc. “Ở đây cũng nhiều người giàu nhờ đi biển, nuôi cá lồng bè như chú Võ Liên, chú Ngô Chức, anh Võ Sinh, anh Chín… Từ khi đón khách du lịch, các hộ nuôi cá lồng bè thu nhập càng khá hơn”, anh Hùng nói.

Cua mặt trăng, loài cua độc đáo ở đảo Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Cua mặt trăng, loài cua độc đáo ở đảo Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Sau chừng chục phút, chiếc ghe tấp vào bè anh Võ Sinh. Sinh năm 1981, người đàn ông có nước da đen mun, nhưng nụ cười lại rất thân thiện. Anh Sinh có kinh nghiệm nuôi bè 25 năm, được nhiều người mệnh danh là “đại gia” xóm bè. Hiện gia đình anh sở hữu 35 lồng bè nuôi, nhốt nhiều loại hải sản gồm tôm hùm bông baby, cá mú đỏ và đen.

Đặc biệt, trên bè của anh Sinh nuôi nhốt 3 loại cua đặc sản của vùng đảo Phú Quý là cua mặt trăng, cua đỏ và cua đá. Riêng cua huỳnh đế anh thả ở hồ trong đảo, vì loài này cần có lớp cát dưới đáy hồ để sống chứ không bám lưới như các loài cua khác”.

Riêng mặt hàng ốc của anh Sinh lên tới hơn chục loại, trong đó có những con ốc hình thù khá lạ, tôi chưa từng thấy bao giờ như ốc bàn chân, ốc bàn tay, vú nàng, giác sắt, ốc đỏ… Trong số này, ốc hoàng hậu cao cấp nhất, to nhất, có con tới 3kg, với giá 420 ngàn đồng/kg, muốn ăn con ốc này, tốn cả triệu bạc. “Nó mắc là bởi vì cái vỏ đẹp. Người ta ăn xong lấy vỏ chưng bày, hoặc bán giá, có khi cả mấy trăm ngàn một cái vỏ”, anh Sinh cho biết.

Anh Sinh là đầu mối cung cấp nhiều loại ốc đặc sản. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Sinh là đầu mối cung cấp nhiều loại ốc đặc sản. Ảnh: Phúc Lập.

Cách bè anh Sinh không xa là lồng bè của chàng trai trẻ Võ Thành Trung, 35 tuổi. Trung có 14 lồng cá mú, 1 lồng cá chẽm, 1 lồng cá bớp. Lúc tôi đến, Trung cùng người bạn làm chung đang cắt nhỏ những con cá búa làm thức ăn cho cá. Anh Trung cho biết, cá lồng bè ở đây thịt ngon không thua cá thiên nhiên, vì ngoài nuôi trong lồng biển, chẳng khác tự thiên, thức ăn của cá đều là các loại cá nhỏ, hoàn toàn không có thức ăn công nghiệp. 

“Đầu ra có ổn không?”, tôi hỏi. “Trước khi có dịch, cá mú được người Trung Quốc lập điểm thu mua tại Cam Ranh, nhưng 2 năm lại đây, họ về rồi, không mua nữa, nên đầu ra khó khăn hơn trước chút, giá thấp hơn. Em còn mấy lồng cá quá cỡ chưa xuất bán", anh Trung nói. 

Anh Võ Thành Trung và lồng bé cá mú đạt trọng lượng 4 - 5kg/con. Ảnh: Phúc Lập.

Anh Võ Thành Trung và lồng bé cá mú đạt trọng lượng 4 - 5kg/con. Ảnh: Phúc Lập.

Cũng theo anh Trung, cá mú ở đây nuôi khoảng 16 – 18 tháng, cho kích cỡ chuẩn từ 0,9kg đến 1,5kg có giá 350 ngàn đồng/kg, còn nếu trọng lượng lớn hơn, giá tụt xuống còn 320 ngàn đồng/kg, trong khi nuôi chi phí lại nhiều hơn.

Ao chắn biển nuôi hải sản, tác phẩm tuyệt mỹ 

Đây là một trong những công trình không chỉ thể hiện sự sáng tạo, độc đáo mà còn đạt hiệu quả kinh tế rất cao, giúp nuôi hải sản an toàn, không sợ thiên tai.

Ao chắn biển, một công trình không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn mang tính thẩm mỹ cao. Ảnh: Võ Hùng.

Ao chắn biển, một công trình không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn mang tính thẩm mỹ cao. Ảnh: Võ Hùng.

Từ năm 1999, người dân trên đảo Phú Qúy đã bắt đầu xây ao nuôi hải sản thay thế lồng bè trên biển. Ở làng bè hiện có khoảng 30 hộ đã xây dựng mô hình này tại khu vực bãi biển xã Long Hải, huyện đảo Phú Quốc. Đứng trên đồi cao nhìn xuống, những ao chắn biển liền nhau, tạo thành quần thể đẹp như một bức tranh tuyệt mỹ.

Người đầu tiên thực hiện mô hình này là anh Dương Thanh Phong ở xã Long Hải. Nói về lý do xây những ao chắn biển này, anh cho biết hồi xưa, cứ đến mùa mưa bão gia đình anh lại thấp thỏm lo sợ. Bởi hàng chục triệu đồng đầu tư nuôi cá mú lồng bè nếu không cẩn thận sẽ trôi theo biển cả. Ngày đêm trăn trở, anh đã nghĩ ra.

Bức tường của ao chắn sóng xây bằng đá và xi măng đúc ống rộng khoảng 70cm, có thể đi lại để ngắm, phía dưới có lỗ che lưới để nước biển ra vào. Ảnh: Phúc Lập.

Bức tường của ao chắn sóng xây bằng đá và xi măng đúc ống rộng khoảng 70cm, có thể đi lại để ngắm, phía dưới có lỗ che lưới để nước biển ra vào. Ảnh: Phúc Lập.

Là người đầu tiên nghĩ ra và xây dựng ao chắn ven biển nên anh vấp phải không ít thất bại. Khó khăn nhất là công đoạn xây xi măng dưới nước. Nhiều lần xây mà không thành, cuối cùng, anh đã nghĩ ra cách đúc bi bằng ống. Sau khi nước rút, anh sắp các lớp bi và tận dụng đá đen ven biển chồng lên nhau, rồi đổ xi măng xen kẽ bi và đá đen lên cao chừng 2m.

Chờ xi măng khô và nước rút lần nữa, anh đổ bê tông lên cao khoảng 2 – 3m quá mặt nước. Bờ tường dày và có những lỗ tròn, khi thuỷ triều lên, nước sẽ vào ao. Như vậy, hải sản nuôi bên trong có môi trường sống không khác gì ngoài biển. Cứ vậy, anh Phong dần dần hoàn thành ao đầu tiên rộng hơn 300 m2 của mình quanh bãi biển lởm chởm đá đen. Khi hoàn thành, anh bắt đầu thả cá mú, tôm, ốc vào nuôi tổng hợp như môi trường thiên nhiên. Các loài đều phát triển rất nhanh. 

Nhờ ao chắn sóng, anh Trần Văn Chơn nuôi ốc đặc sản trong ao rất nhanh lớn, gần như không có rủi ro. Ảnh: Phúc Lập.

Nhờ ao chắn sóng, anh Trần Văn Chơn nuôi ốc đặc sản trong ao rất nhanh lớn, gần như không có rủi ro. Ảnh: Phúc Lập.

Trải qua thăng trầm sóng gió, đến nay, những ao chắn sóng này vẫn vững chãi giữa biển khơi. Chỉ cần nguồn nước biển trong lành là cá mú, tôm hùm, tôm đỏ của anh Phong sẽ phát triển và sinh trưởng tốt. Từ mô hình này, rất nhiều người đã học hỏi làm theo. Khu vực này cũng trở thành điểm du lịch vô cùng hấp dẫn bởi nằm ngay dưới chân di tích đền thờ Thầy Sài Nại nổi tiếng.

Mặc dù đi sau, nhưng anh Trần Văn Chơn, sinh năm 1986 cũng khá thành công với mô hình ao chắn biển này. Do 2 ao của anh có đặc điểm trước đó là vũng khá sâu, lại có khá nhiều sinh vật sống như rong, tảo, nhiều hang hốc nên tạo môi trường sống khá lý tưởng cho các loài hải sản. Anh thả các loại ốc, cua đỏ, cua mặt trăng, tôm hùm bông nuôi, chẳng tốn bao nhiêu chi phí thức ăn, nhưng anh thu hoạch liên tục.

“Nuôi bằng lồng bè tỷ lệ rủi ro cao. Còn nuôi trong ao này cực an toàn, chẳng lo gì bão tố hay sóng gió”, anh Chơn nói. 

Tôm hùm nuôi trong ao chắn sóng. Ảnh: Phúc Lập.

Tôm hùm nuôi trong ao chắn sóng. Ảnh: Phúc Lập.

“Hiện nay, huyện đảo Phú Quý đang tiếp tục khảo sát, tìm địa điểm phù hợp để quy hoạch, phát triển mô hình ao chắn sóng phục vụ du lịch và nuôi trồng hải sản. Cụ thể, tại eo vịnh Mỏm Đá, nếu có khả năng lấn biển được, huyện sẽ quy hoạch và định hướng kỹ thuật để bà con làm ao chắn. Sắp tới, huyện cũng sẽ cải tiến thêm một bước là có thiết kế ao gắn với mỹ quan và chất lượng công trình. Từ đó, người dân vừa trực tiếp nuôi trồng hải sản, vừa tạo điều kiện để khách du lịch có thể tham quan an toàn, chiêm ngưỡng cảnh hoang dã hiện có của huyện đảo”, ông Ngô Tấn Lực, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý cho biết.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.