Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP Cần Thơ chưa ghi nhận trường hợp người bị tử vong vì bệnh dại do chó, mèo và các loại vật nuôi trong nhà cắn, cào, cấu nhưng không tiêm vacxin kịp thời dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có 23.213 hộ nuôi chó và mèo, tổng đàn 41.081 con. Riêng 7 tháng đầu năm 2024, các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã triển khai tiêm hơn 80% liều vacxin phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo.
Tại các địa phương, công tác phòng bệnh cho vật nuôi, cũng như bảo vệ sức khỏe cho gia đình mình và cộng đồng, thời gian qua nhiều hộ dân có nuôi chó, mèo đã thực hiện tốt việc tiêm vacxin phòng bệnh dại.
Ông Trần Văn Hữu, ở phường An Bình, quận Ninh Kiều cho biết: "Gia đình có nuôi 4 con chó để giữ nhà. Tôi luôn tuân thủ tiêm vacxin phòng bệnh dại cho chúng theo đúng định kỳ hằng năm. Tôi rất mừng khi được lực lượng thú y hỗ trợ đưa vacxin đến tận nhà tôi để tiêm cho đàn chó, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí so với việc phải chở chó đến tiêm tại các bệnh xá thú y hay điểm tiêm tập trung".
Theo chị Đặng Thị Ngọc Trinh ở khu vực 1, phường An Khánh, quận Ninh Kiều dù có nuôi 2 con mèo để làm thú cưng nhưng gia đình chị cũng đã tiêm vacxin phòng bệnh dại nhằm đảm bảo an toàn cho mèo và các thành viên của gia đình khi tiếp xúc với chúng.
Quận Ninh Kiều là trung tâm của TP Cần Thơ nhưng lại có số lượng đàn chó, mèo lớn nhất thành phố, hơn 3.900 hộ dân nuôi chó và mèo, với tổng đàn hơn 7.290 con. Thời gian qua, nhờ lực lượng thú y cùng ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân trong tiêm vacxin phòng bệnh dại mà tỷ lệ đàn chó, mèo tại quận được tiêm phòng luôn đạt ở mức cao, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra bệnh dại.
Ông Vương Quốc Chính, Trưởng ban Chăn nuôi và Thú y phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: Trên địa bàn phường có đàn chó, mèo hơn 1.500 con. Hàng năm, lực lượng thú y của phường thực hiện tiêm vacxin phòng bệnh dại cho từ 85-95% trên tổng đàn, còn lại nhiều hộ dân cũng tự đem chó, mèo đến các phòng mạch thú y để tiêm ngừa bệnh dại. Ðể đạt tỷ lệ cao trong tiêm phòng, lực lượng thú y của phường đã quan tâm nắm kỹ số lượng đàn chó, mèo và đi đến tận nhà hộ dân để tuyên truyền, hỗ trợ tiêm vacxin.
Theo ông Nguyễn Văn Ðạo, Phó trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y liên quận Ninh Kiều - Bình Thủy, để phòng tránh bệnh dại, cần phải làm tốt khâu thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để giúp người dân hiểu biết về việc tiêm vacxin phòng bệnh dại. Ðồng thời, cần phối hợp tốt giữa các bên có liên quan trong việc tiêm vacxin phòng bệnh dại cho đàn vật nuôi.
Đặc biệt, lực lượng cán bộ thú y, nhất là thú y ở địa phương cần nhiệt tình và năng nổ trong tiếp xúc, tiếp cận với người dân để đảm bảo tiêm phòng đầy đủ vacxin phòng bệnh cho đàn chó, mèo.
Ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ cho biết, hiện bệnh dại và một số bệnh truyền nhiễm khác trên gia súc do virus gây ra hiện chưa có thuốc điều trị bệnh đặc trị. Vì vậy, giải pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn chó mèo.
Ðể chủ động phòng tránh bệnh dại, ngành chức năng TP Cần Thơ tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định về tiêm phòng vacxin phòng bệnh dại cho chó, mèo, quản lý, không để chó, mèo thả rông.
Khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng và nơi đông người cần thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo đảm an toàn cho người xung quanh.
Thời gian tới đây, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng với các địa phương đẩy mạnh các đợt tiêm phòng định kỳ theo kế hoạch. Lực lượng thú y cũng thường xuyên rà soát và thực hiện tiêm phòng bổ sung cho đàn chó, mèo nuôi mới, những nơi tiêm chưa đạt yêu cầu, cũng như đàn chó, mèo hết thời gian miễn dịch hoặc khi có yêu cầu của người chăn nuôi.
Ðồng thời, tăng cường phối hợp địa phương trong hướng dẫn, yêu cầu các chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về tiêm vacxin phòng bệnh dại, quản lý đàn vật nuôi.
Qua đó, giúp giảm thiểu thiểu số lượng người bị chó cắn, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường và xây dựng hình ảnh an toàn, thân thiện của địa phương.