| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương hoàn thành tiêm vacxin phòng bệnh dại đạt tỷ lệ theo quy định

Thứ Ba 02/07/2024 , 15:39 (GMT+7)

Hiện tỷ lệ tiêm phòng vacxin bệnh dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đạt thấp, trong khi bệnh dại có chiều hướng gia tăng.

Người dân tỉnh Bình Thuận đưa cho tiêm phòng vacxin bệnh dại. Ảnh: KS.

Người dân tỉnh Bình Thuận đưa cho tiêm phòng vacxin bệnh dại. Ảnh: KS.

Gia tăng dịch bệnh dại

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận, những tháng đầu năm 2024, tình hình dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng so với năm trước. Đáng chú ý, tại địa bàn TP Phan Thiết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh gửi 8 mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với virus gây bệnh dại (rabies virus).

Bà Đỗ Thị Hương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận cho biết, toàn tỉnh hiện có 107.103 con chó mèo. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh mới tiêm phòng vacxin dại cho trên 26.500 con chó, mèo, đạt tỷ lệ rất thấp. Nguyên nhân là do người nuôi có tư tưởng chủ quan với dịch bệnh, chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện tiêm phòng vacxin dại cho đàn chó mèo.

“Người dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ tiêm phòng miễn phí của nhà nước nên chưa chủ động trong việc tự mua vacxin dại phòng bệnh cho vật nuôi. Cùng với đó do lực lượng cán bộ thú y tại các xã, phường, thị trấn không còn nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức tiêm phòng cho đàn chó, mèo”, bà Hương bày tỏ.

Những con chó dại sẽ được tiêu hủy và thực hiện tiêu độc khử trùng theo quy định. Ảnh: KS.

Những con chó dại sẽ được tiêu hủy và thực hiện tiêu độc khử trùng theo quy định. Ảnh: KS.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh dại vẫn diễn biến phức tạp bởi việc thay đổi tập quán nuôi và phòng bệnh cho chó, mèo không thể diễn ra trong thời gian ngắn.

Vì vậy, để hạn chế thấp nhất nguy cơ tử vong do dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định và biện pháp phòng, chống bệnh dại trên đàn chó, mèo.

Trong đó, bắt buộc đàn chó, mèo phải tiêm phòng vacxin dại hàng năm mới có thể đảm bảo an toàn và hạn chế nguy cơ lây bệnh dại. Cùng với đó, UBND các xã, phường, thị trấn cần tăng cường quản lý đàn chó, mèo nuôi, thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử phạt theo quy định.

Trong khi chờ hệ thống thú y được kiện toàn, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp số lượng hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo của từng địa phương để có kế hoạch tiêm phòng bệnh dại hàng năm được hiệu quả.

Đối với các địa phương vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc, miều núi, vùng cao, theo khảo sát tình hình đàn chó nuôi ở đây đều là chó to và thả rông nên khó mang đến điểm tiêm phòng. Vì vậy bà con đề xuất cần có lực lượng thú y đến tận nhà để tiêm và tiêm phòng miễn phí.

Hiện nay TP Phan Thiết đang nỗ lực tiêm vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo. Ảnh: KS.

Hiện nay TP Phan Thiết đang nỗ lực tiêm vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo. Ảnh: KS.

Tiến tới xây dựng vùng an toàn bệnh dại

Ghi nhận chúng tôi tại TP Phan Thiết, hiện nay công tác phòng, chống bệnh dại đang được triển khai tích cực sau khi nhiều trường hợp bị chó dại cắn.

Bà Phạm Thị Thắm, ở khu phố 4, phường Đức Thắng cho biết, sau khi được tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại, gia đình cũng như nhiều bà con đã đồng tình chấp hành việc xích chó trong nhà theo đúng quy định. Khi ra đường, bà đều đeo rọ mõm cho chó. Đặc biệt, gia đình đã cho tiêm phòng vacxin bệnh dại cho chó nuôi.

Ngoài ra, để phòng, chống bệnh dại các xã, phường trên địa bàn TP Phan Thiết cũng đã thành lập tổ chuyên trách chuyên bắt chó thả rông.

Bà Phạm Thị Bích Thơm, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp TP. Phan Thiết cho biết, hiện thành phố có gần 10.000 con chó, mèo. Những tháng đầu năm nay trên địa bàn đã xảy ra nhiều trường hợp bị chó cắn gây thương tích cho người và ảnh hưởng đến hoạt động giao thông trên đường phố.

Nguyên nhân phần lớn là do chủ thả rông không quản lý, chăm sóc. Mặt khác trên địa bàn các phường Đức Thắng, Đức Nghĩa gần chợ nên chó thường đi kiếm ăn trong thời nắng nóng nên dễ phát sinh dại.

Trong khi đó, việc tiêm phòng ngừa bệnh dại trên đàn chó mèo trên địa bàn đạt thấp chỉ 20%. Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố Phan Thiết đã chỉ đạo cho Trung tâm kỹ thuật và Dịch vụ Nông nghiệp rà soát, cập nhật biến động về tổng đàn nhằm hỗ trợ cho công tác tiêm phòng vacxin bệnh dại.

“Với sự quyết tâm của chính quyền địa phương cùng sự đồng tình của người dân nên ý thức phòng, chống bệnh dại trên địa bàn đã có sự chuyển biến, tỷ lệ tiêm phòng vacxin bệnh dại cho đàn chó mèo đã đạt trên 60%. Hiện nay, chúng tôi tiếp tục hỗ trợ tiêm phòng miễn phí cho tất cả đàn vật nuôi còn lại”, bà Thơm chia sẻ và cho biết thêm, thành phố sẽ tiến tới xây dựng vùng an toàn bệnh dại.

Do đó, UBND TP Phan Thiết đang thực hiện việc tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân nuôi chó, mèo trong từng thôn, khu phố của các xã, phường ký cam kết thực hiện "5 không": Không nuôi chó, mèo chưa khai báo với chính quyền địa phương; không nuôi chó, mèo không tiêm phòng bệnh dại; không thả rông chó; không để chó cắn người và không nuôi chó, mèo gây ô nhiễm môi trường.

 Bà Đỗ Thị Hương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận cho biết, hiện bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do đó người mắc bệnh dại nguy cơ tử vong là 100%. Biện pháp tốt nhất và an toàn để phòng ngừa bệnh dại hữu hiệu nhất là tiêm phòng vacxin kịp thời khi bị chó, mèo cắn. Đặc biệt, người dân lưu ý tuyệt đối không dùng thuốc nam điều trị bệnh dại.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.