| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên giúp dân khắc phục thiệt hại sau mưa lũ

Thứ Sáu 03/12/2021 , 07:34 (GMT+7)

Sau khi nước rút, tỉnh Phú Yên đã tăng cường các lực lượng giúp người dân khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống sau lũ.

Ngày 2/12, chúng tôi về thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa (Phú Yên), một trong những nơi bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ. Thôn này do đặc điểm nằm dọc sông Ba nên khi lũ về toàn bộ 550 hộ dân với hơn 2.100 nhân khẩu phải chịu cảnh ngập lụt và buộc phải sơ tán.

Hiện tại nước đã rút nhưng trận mưa lũ trong 2 ngày 30/11 và 1/12 vừa qua để lại hậu quả nặng nề với 2 người chết do nước cuốn trôi. Hầu hết các hộ trong thôn đều bị thiệt hại tài sản do nước lũ làm hỏng tủ lạnh, máy giặt, xe máy…Đến trưa 2/12, toàn thôn vẫn chưa được cung cấp điện trở lại để phục vụ việc sinh hoạt.

Các lực lượng ở Phú Yên hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Ảnh: TX.

Các lực lượng ở Phú Yên hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Ảnh: TX.

Bà Phạm Thị Quờn, một người dân ở thôn Thạnh Hội, buồn bã nói: Nước lũ lên rất nhanh khiến tôi trở tay không kịp, toàn bộ đồ đạc trong nhà bị nước lũ làm hư hỏng hết. Hiện tôi sống có một mình, sức lại yếu nhưng may nhờ có bộ đội giúp đỡ khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống”.

Được biết, ngay sau khi nước lũ rút, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên đã huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ đến hỗ trợ nhân dân thôn Thạnh Hội khắc phục hậu quả mưa lũ.

Thượng tá Trịnh Ngọc Tuấn, Chỉ huy Trưởng ban Chỉ huy Quân sự huyện Sơn Hòa cho biết, nhằm sớm khôi phục cuộc sống của người dân địa phương trở lại bình thường. Sau khi nước rút, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ đã tổ chức lực lượng và chia ra nhiều nhóm để giúp đỡ nhân dân.

Các phần việc chủ yếu là dọn dẹp nhà văn hóa thôn, vệ sinh trường học, giúp đỡ những hộ có hoàn cảnh neo đơn sửa sang nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi…

Bộ giúp người dân dựng lại chuồng trại chăn nuôi sớm ổn định cuộc sống. Ảnh: TX.

Bộ giúp người dân dựng lại chuồng trại chăn nuôi sớm ổn định cuộc sống. Ảnh: TX.

Trong đợt lũ vừa qua, huyện miền núi Sơn Hòa bị thiệt hại nặng vì chịu tác động trực tiếp từ việc xả lũ của các hồ thủy điện ở thượng nguồn. Nhiều nơi bị ngập sâu như xã Sơn Hà, thị trấn Củng Sơn…

Theo thông kế ban đầu toàn huyện bị thiệt hại 81 tỷ đồng. Sau khi lũ rút, người dân khó khăn là nguồn lương thực đã bị cuốn trôi hoặc ẩm mốc không thể sử dụng được. Bên cạnh đó nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Do đó, trước mắt, chính quyền địa phương phải huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân về nước uống và mì ăn liền.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết, sau lũ, địa phương đã huy động tối đa lực lượng để giúp dân khắc phục hậu quả. Trung tâm Y tế huyện được giao nhiệm vụ khẩn trương tiêu độc, khử trùng các giếng khơi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Tuy nhiên trước mắt các vùng ngập lụt nặng, chẳng hạn như ở thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà, chính quyền đã hỗ trợ hơn 2.000 lốc nước uống và 2.000 thùng mì ăn liền để cấp phát cho người dân.

Thế nhưng lúc này nhiều hộ gia đình rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn vì lũ đã cuốn đi hết tài sản. Do đó huyện rất mong có thêm sự chia sẻ, hỗ trợ từ cộng đồng để người dân sớm khắc phục hậu quả do mưa lũ.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, tính đến 16 giờ ngày 2/12, tỉnh này đã ghi nhận 9 người chết, trong đó huyện Sơn Hòa 2 người; Phú Hòa 2 người; TP Tuy Hòa 2 người, Tây Hòa 1 người; TX Sông Cầu 1 người và TX Đông Hòa 1 người. Số nhà còn bị ngập nước từ 0,3-0,5m là 430 cái. Nhưng đã có 5 nhà bị hư hỏng hoàn toàn.

Về nông nghiệp có 533 ha lúa vụ mùa bị ngập nước; 288 ha hoa màu và 1.780 ha cây trồng khác bị thiệt hại. 741 gia súc và 44.049 con gia cầm bị cuốn trôi, thiệt hại. Một tàu cá bị chìm trên biển; 18,2 ha tôm, cá các loại bị vỡ hồ, cuốn trôi.

Khoảng 38.391m kênh mương bị sụp đổ, hư hỏng; sạt lở, bồi lấp đất đá: 58.833m3.

Về giao thông, các tuyến đường quốc lộ, tỉnh, huyện, xã bị hư hỏng, sạt lở bồi lấp, sụt lún, với khối lượng đất đá 110.367m3 và hư hỏng nền đường, mặt đường 39.500m2....

Ngay sau lũ lụt ngành giao thông đã chỉ đạo các đơn vị bảo trì đường bộ đã dọn dẹp cây xanh ngã đổ và thi công sửa chữa vá ổ gà, sình lún nền, mặt đường để đảm bảo giao thông, thông suốt.

Xem thêm
Bổ nhiệm Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên - Huế

THỪA THIÊN - HUẾ Ông Hoàng Đăng Khoa, Phó Tổng Biên tập phụ trách được Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế bổ nhiệm giữ chức Tổng Biên tập báo Thừa Thiên - Huế, kể từ ngày 1/11.

Ngăn chặn tàu cá có dấu hiệu vi phạm ngay từ trong bờ

Quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' của EC trong năm 2024, Sóc Trăng không chỉ kiểm soát tốt đội tàu cá, mà còn tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc, giám sát hành trình.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Giấc mơ lớn trên lòng hồ sông Đà: [Bài cuối] Bán tôm cá 'bán' cả câu chuyện sông Đà

Để đảm bảo tính đa mục tiêu của vùng hồ thủy điện, Hòa Bình tập trung khai thác giá trị thương hiệu cá sông Đà, lấy du lịch làm 'đầu kéo' thủy sản lòng hồ.

Bình luận mới nhất