| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững

Thứ Ba 12/03/2019 , 13:10 (GMT+7)

Để phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng bền vững, tỉnh Phú Yên cần thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến gỗ chuyên sâu, tham gia phát triển rừng trồng. Đồng thời nghiên cứu phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng gỗ lớn và xây dựng, nhân rộng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng.

Khâu giống rất quan trọng trong trồng rừng

Đó là chia sẻ của ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tại hội thảo Khoa học công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, nhằm tái cơ cấu và phát triển ngành Lâm nghiệp Phú Yên, do UBND tỉnh Phú Yên vừa tổ chức.

Khâu giống rất quan trọng

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh có hơn 276.000ha diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm khoảng 54,95% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Trong đó, diện tích rừng trồng khoảng 90.200ha, cụ thể rừng đặc dụng hơn 1.435ha, rừng phòng hộ 8.265ha, rừng sản xuất 59.455ha, ngoài quy hoạch lâm nghiệp khoảng 21.050ha, tỉ lệ che phủ rừng đạt 43,43%.

 Những năm qua, tỉnh Phú Yên luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp, nhằm thúc đẩy liên kết, đầu tư trồng rừng sản xuất và thu mua, chế biến gỗ rừng trồng.

Các chủ rừng đã áp dụng quy trình, kỹ thuật trồng rừng thâm canh, chọn giống có chất lượng nên sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đều tăng. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, năng suất và chất lượng rừng trồng ở Phú Yên vẫn còn ở mức trung bình, khoảng 80 - 120m3/ha (trong 7 - 8 năm).

Ông Cao Chí Công, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá cao việc phát triển trồng rừng ở Phú Yên thời gian qua và đến nay tỉ lệ độ che phủ rừng đã đạt 43,43%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay ở Phú Yên có diện tích đất được quy hoạch nhưng chưa có rừng là tương đối lớn, với hơn 70.250ha và sản phẩm đồ mộc tham gia xuất khẩu chưa nhiều.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) cho rằng, để cải thiện năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng thì khâu giống là rất quan trọng, chiếm khoảng 60% thành công và 40% còn lại là khâu kỹ thuật lâm sinh. Thời gian qua, Viện không ngừng nghiên cứu cải thiện giống nhằm tăng năng suất, chất lượng một số loài cây chủ lực phục vụ trồng rừng.

"Viện cũng đã chuyển giao giống và công nghệ nhân giống cho các cơ sở, vườn ươm và từng bước nhân giống thành công. Viện sẵn sàng phối hợp với các địa phương và đơn vị trồng rừng triển khai xây dựng các mô hình trình diễn giống cây mới, từ đó chọn ra các giống thực sự phù hợp cho từng địa phương để phát triển sản xuất", ông Kiên nói.

Khuyến khích doanh nghiệp

Ông Nguyễn Lý Nguyên, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Để phát triển ngành lâm nghiệp, Sở tham mưu cho UBND tỉnh quy hoạch phát triển trồng rừng gỗ lớn, đến năm 2020 hình thành và phát triển vùng trồng rừng kinh doanh gỗ lớn đáp ứng nhu cầu chế biến và quy hoạch trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng, rừng tự nhiên. Đồng thời, đưa năng suất bình quân rừng trồng kinh doanh gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh đạt khoảng 20m3/năm, bảo tồn gắn với phát triển những loài lâm sản có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo FSC và xây dựng chuỗi hành trình sản phẩm trong lâm nghiệp.

Ông Dương Tử Hảo, Phó TGĐ Cty TNHH MTV Bảo Châu (Phú Yên) cho biết: Đến nay, diện tích vùng nguyên liệu gỗ được chứng nhận FSC của đơn vị khoảng 4.000/9.000 ha tổng số diện tích vùng nguyên liệu. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ trong khâu tuyến chọn giống cây trồng mà trữ lượng bình quân rừng trồng đạt từ 80 - 100m3/ha, đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến của Cty khoảng 60%. Sản phẩm gỗ chế biến của Cty được XK sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước EU với khối lượng hàng năm khoảng 100.000 tấn nguyên liệu, thu về hàng chục triệu USD.

Nhà máy chế biến dăm gỗ của Cty Bảo Châu

TS Hồ Đắc Thái Hoàng, Viện trưởng Viện TN-MT, Đại học Huế cho biết, phát triển nguồn nguyên liệu gỗ phù hợp với thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa là chiến lược phát triển kinh tế, xã hội ổn định của từng địa phương. Nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn đã triển khai ở miền Trung bước đầu thành công, trong đó có Phú Yên. Để phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, đơn vị sẵn sàng phối hợp với các địa phương phổ biến kỹ thuật và mô hình trình diễn, thực hành nuôi dưỡng rừng bằng kỹ thuật đơn giản là tỉa thưa và tỉa cành, định hướng sản phẩm gỗ xẻ cho rừng trồng.

Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên đề nghị Bộ NN-PTNT, các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp tiếp tục hỗ trợ và chuyển giao cho tỉnh các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, xây dựng mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững, hỗ trợ kỹ thuật lâm sinh…

"Tỉnh khuyến khích các DN đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, đổi mới thiết bị công nghệ, cải tiến quy trình chế biến, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên tiến, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường…", ông Thế chia sẻ.

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.