| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên: Trắng tay trên đồng tôm

Thứ Năm 28/01/2010 , 10:41 (GMT+7)

Chỉ vài cơn mưa to trái mùa, nước đã ngập tràn hàng loạt hồ tôm. Người nuôi chỉ kịp đóng cọc giăng lưới “cứu” tôm ở những hồ trên cao, còn những hồ nằm sát bờ sông đều bị dòng nước xóa sổ!

Cách đây gần một tuần, con tôm nuôi ở đồng Quao, đồng Quánh, Gò Chày, Hà Cua, Rộc Đệ, cửa Cồn… thuộc hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) vẫn còn búng tanh tách trên những mặt hồ, hứa hẹn một vụ tôm bội thu. Thế nhưng, chỉ vài cơn mưa to trái mùa, nước đã ngập tràn hàng loạt hồ tôm. Người nuôi chỉ kịp đóng cọc giăng lưới “cứu” tôm ở những hồ trên cao, còn những hồ nằm sát bờ sông đều bị dòng nước xóa sổ!

Khi chúng tôi đến, nhiều người dân ở đây vẫn ngồi thẫn thờ bên những hồ tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch, bất lực nhìn tôm trôi theo dòng nước; vẫn còn bàng hoàng khi bỗng chốc trắng tay. Ông Nguyễn Khôi ở Thọ Lâm, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa) nói như khóc: “Tôi thả nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 1.500m2 ở đồng Quao được 20 ngày thì mưa lớn và nước ngập hồ làm tôm “đi” không còn con nào, thiệt hại hơn 20 triệu đồng”. Trong số những người nuôi tôm ở đồng Quao, hộ ông Hai Hương bị thiệt hại nặng nhất với diện tích hơn 4.000m2

Tại cánh đồng nuôi tôm thôn Thọ Lâm, chúng tôi bắt gặp hàng chục hồ được giăng lưới mùng để “giữ” tôm khỏi vượt nước ra ngoài. Ông Nguyễn Hưởng bộc bạch: “Lẽ ra còn một hai tháng nữa mới vào vụ thả nuôi, nhưng bà con “chạy đua” thả tôm thẻ chân trắng để thu hoạch sớm, được giá cao, nhưng ai ngờ mưa to, nước lớn gây ngập chưa biết mức độ thiệt hại thế nào”.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết: Sau bão, lũ, đa số người nuôi tôm đã dốc hết vốn cải tạo hồ nuôi tôm, mua thức ăn, con giống thả nuôi ở hạ lưu sông Bàn Thạch, nên mức độ thiệt hại do đợt mưa vừa qua là rất lớn. Hiện người nuôi tôm đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn để tái đầu tư nuôi vụ tôm mới. Huyện Đông Hòa kiến nghị tỉnh Phú Yên có chính sách hỗ trợ vốn cho người nuôi tôm khắc phục thiệt hại, ngành ngân hàng khoanh, giãn nợ, tiếp tục cho vay vốn.

Nhiều người lo lắng ngoài những hồ tôm bị mất trắng, số lượng tôm nuôi ở các hồ còn lại có khả năng tôm bị sốc nước chết hoặc bị lột vỏ nhanh dẫn đến sức đề kháng yếu, phát sinh dịch bệnh trong thời gian tới. Ông Nguyễn Hài Nhi cho hay: “Tôi đã đầu tư hơn một triệu đồng mua thuốc xử lý môi trường, thuốc phòng bệnh tôm, nhưng chưa biết tôm có đủ sức vượt qua đợt thiên tai này?”.

Ông Đinh Văn Thu, cán bộ xã Hòa Hiệp Nam cho biết, toàn xã có khoảng 20 ha tôm bị ngập nước, trong đó có 7ha bị ngập nặng, nước tràn qua bờ hồ mất trắng. Hiện bà con đang cố gắng “cứu” tôm. Tuy nhiên, đã có hai hồ nuôi với diện tích 0,7ha phát sinh dịch bệnh đỏ thân do ảnh hưởng môi trường. Đợt mưa to vừa qua cũng làm nhiều người nuôi tôm thẻ chân trắng ở các xã Hòa Tâm, Hòa Xuân Đông trắng tay do tôm sốc nước ngọt chết hàng loạt. Theo ông Đỗ Kim Đồng, Phó phòng NNN-PTNT huyện Đông Hòa, số liệu thống kê ban đầu đã có hơn 50ha nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch bị thiệt hại. Ngành nông nghiệp đang tiếp tục kiểm tra số lượng tôm nuôi bị chết do nước ngập; đồng thời vận động người nuôi tôm khai thông cống để tiêu thoát nước nhanh, tập trung chăm sóc diện tích tôm còn lại, xử lý môi trường không để dịch bệnh lây lan…

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Xã viên sẽ hưởng lợi lớn khi canh tác lúa giảm phát thải

ĐBSCL Theo dự thảo chi trả kết quả giảm phát thải trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, nông dân trong các HTX, tổ hợp tác là đối tượng hưởng lợi cao nhất.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.