| Hotline: 0983.970.780

Phúc cho ai không thấy mà tin trên cõi đời bề bộn

Thứ Bảy 26/03/2022 , 08:02 (GMT+7)

Phúc cho ai không thấy mà tin, chẳng phải một câu chuyện tôn giáo, mà khơi gợi sự hướng thượng và sự lạc quan cần thiết ở mỗi người trong cuộc sống.

Tác giả Gene Edwards.

Tác giả Gene Edwards.

“Phúc cho ai không thấy mà tin” (tựa gốc “Stories I love to tell”) của Gene Edwards tập hợp 25 câu chuyện về những khoảnh khắc quý giá, và truyền cảm hứng mà tác giả đã chứng kiến và chắt lọc được trong cuộc đời làm mục sư của mình. “Phúc cho ai không thấy mà tin” được viết bằng ngôn ngữ đời thường, mà ai cũng có thể cảm thụ một cách đầy đủ.

Vậy thì khái niệm “phúc cho ai không thấy mà tin” có thể hiểu như thế nào? Giai thoại rằng, sau khi Chúa Giêsu bị hành hình được 3 ngày, các nữ môn đồ của Chúa muốn xức cao thơm lên di thể của Người nhưng trong mộ tuyệt nhiên lại trống không. Họ vội vàng truyền tai nhau rằng "Chúa đã sống lại”. Nhưng trong số 12 môn đồ của Chúa, Tô-ma nổi tiếng với tính đa nghi, chỉ tin vào những điều mình trải qua, vào những gì chính đôi mắt mình nhìn thấy, nên Tô-ma vẫn khăng khăng chỉ khi nào sờ tận tay vết đinh trên tay Ngài, chạm tay vào vết thương do giáo đâm bên sườn Ngài thì ông mới tin.

Và sau đó, Chúa đã xuất hiện thật, không một lời trách mắng, chỉ muốn dạy bảo Tô-ma "Trò vì trông thấy Ta mới tin. Phúc cho ai không thấy mà tin”.

Trên thế giới vẫn còn nhiều điều bí ẩn mà khoa học chưa thể lý giải nổi. Những người có đức tin thường cho đó là sức mạnh của Thần, của Phật, của Thiên Chúa.

Tác giả Gene Edwards không chỉ là tác giả Kitô giáo được yêu thích nhất tại Mỹ mà còn là một người kể chuyện tài ba. Ông đã xuất bản hơn 25 tựa sách bán chạy. Tác phẩm nổi bật nhất của ông - The Divine Romance (tạm dịch “Cảm tình thiêng liêng”) - được xem là kiệt tác trong văn học Kitô giáo.

Gene lớn lên ở khu mỏ dầu miền đông Texas và vào đại học ở tuổi 15. Năm 18 tuổi, ông tốt nghiệp Đại học Đông Texas chuyên ngành lịch sử Anh và nhận bằng thạc sĩ Thần học của Chủng viện thần học Báp-tít Tây Nam. Gene là thành viên của phong trào nhà thờ tại gia và đến rất nhiều nơi để hỗ trợ các Kitô hữu khi họ bắt đầu họp mặt tại gia thay vì tại nhà thờ. Ông cũng tổ chức nhiều hội thảo về sống đời đẹp đạo.

Là tác giả nổi tiếng chuyên viết về tôn giáo và cũng là một mục sư, Gene Edwards có cơ hội chứng kiến nhiều “phép lạ” trên hành trình của mình. Ông đã lưu lại chúng như những câu chuyện truyền cảm hứng nhất về hồng ân nhiệm mầu của Thiên Chúa trong cuốn sách “Phúc cho ai không thấy mà tin”.

Đó có thể là câu chuyện một nhà truyền giáo vô tội bị đám đông cuồng nộ kết tội và xử tử, nhưng rồi lại may mắn được cứu thoát; một người đàn ông bị cơn lốc hất lên cao một trăm năm mươi mét và lạ thay, khi nhận Chúa Giê-su làm Đấng Cứu Thế, ông đã sống sót; hay một người mẹ tuyệt vọng cầu xin Chúa cứu vớt đứa con bị ung thư và rồi dường như, Chúa đã chứng giám cho lời nguyện cầu đó khi các bác sĩ phẫu thuật không tìm thấy khối u nào, và kết luận cô bé hoàn toàn khỏe mạnh.

Với nhiều người không theo đạo, đó là những điều khó hiểu đến mức không thể tin, nhưng với ai có đức tin thì sẽ thấu được, như Chúa Giê-su từng nói “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Bởi cuộc sống không chỉ là một bộ môn khoa học, hay rõ ràng như phép tính nhân chia cộng trừ, nếu chỉ dựa vào những trải nghiệm mắt thấy tai nghe thì chúng ta sẽ không giải thích được những “phép màu” kì lạ trong những câu chuyện ấy. Đối với những Kitô hữu thì đó là hồng ân, là những món quà mà chúng ta không xứng đáng nhưng vẫn được ban tặng qua hồng ân đầy tràn của Thiên Chúa và Chúa Giê-su Cứu Thế. Và Chúa vẫn luôn ngự ở đó, bên trong tâm hồn của mỗi chúng ta.

Cuốn sách 'Phúc cho ai không thấy mà tin'.

Cuốn sách "Phúc cho ai không thấy mà tin".

Thông qua 25 câu chuyện trong “Phúc cho ai không thấy mà tin”, Gene giúp độc giả nhận ra chính đức tin sẽ dạy ta cách sống, cách cảm nhận và cách cho đi, rằng ai sống cuộc đời công chính sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa, ai có tâm hồn cao đẹp và lòng hướng thiện sẽ được Thiên Chúa che chở.

“Phúc cho ai không thấy mà tin” không chỉ hấp dẫn với các Kitô hữu, mà còn có giá trị lớn đối với các độc giả không theo đạo, bởi cuốn sách hướng bạn đọc đến với một cuộc sống có lòng vị tha cùng sự tử tế hiện diện muôn nơi. Chẳng hạn như nhờ lòng nhân ái cùng tính hiếu khách mà chàng trai trẻ George Boldt - từ một nhân viên lễ tân vô danh đã trở thành nhà quản lý của chuỗi khách sạn Astoria xa hoa bậc nhất thế giới.

Giống như đức tin, sự tử tế và lòng vị tha là điều chúng ta có thể lựa chọn hoặc không. Thế nhưng, khi lấy chúng làm kim chỉ nam cho cuộc đời, con người sẽ vững vàng vượt qua được mọi khó khăn và bất hạnh. Người mẹ nghèo của tác giả chính là ví dụ điển hình cho điều đó. Bà đã nỗ lực chiến thắng nghịch cảnh để tốt nghiệp đại học và trở thành cô giáo. Với lòng tin sắt đá của mình, bà đã nuôi dạy người con mắc chứng khó đọc trở thành một người thành công, dù nơi trường học và xã hội đều cho rằng đó là điều bất khả thi.

Được viết bởi một mục sư nhưng cuốn sách không hề chứa đựng những lời răn dạy, câu chữ giáo điều mà trái lại, với ngôn ngữ bình dị, 25 câu chuyện được kể trong cuốn sách đã đem lại cho chúng ta những suy ngẫm về cuộc đời, truyền cảm hứng về những điều tốt đẹp sẽ đến nếu chúng ta sống có đức tin.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm