| Hotline: 0983.970.780

Phục hồi vườn táo sau bão lụt

Thứ Ba 17/09/2024 , 09:16 (GMT+7)

Táo là cây ăn quả có khả năng chịu úng ngập khá tốt, khả năng tái sinh, phục hồi nhanh, khắc phục tốt sau khi bị ngập úng cây vẫn có thể phát triển tốt.

Trong đợt bão lụt vừa qua, nhiều vườn táo đã bị đổ gãy, úng ngập. Để giảm thiểu thiệt hại, các nhà vườn cần thực hiện nhanh một số giải pháp dưới đây.

Với các vườn trước đó chỉ bị ngập dưới tán cây và ít gãy cành, ngay sau khi nước rút hết, tiến hành vét hoặc xẻ rãnh để tiêu kiệt nước, giảm độ ẩm bão hoà trong đất nhanh nhất có thể. Đồng thời cắt bỏ những cành bị gãy gập, gãy đến đâu cắt đến đó, không cắt hết cả cành vì phần tán cành còn lại trên cây vẫn có khả năng bật mầm để ra hoa.

Vườn táo Đại mật Đài Loan ở Gia Lâm (Hà Nội) khi chưa có mưa bão. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn táo Đại mật Đài Loan ở Gia Lâm (Hà Nội) khi chưa có mưa bão. Ảnh: Hải Tiến.

Riêng với những cành chỉ bị dập vỡ, vết gãy chỉ đứt rời dưới 1/3 đường kính cành, nên tiến hành băng bó, dùng cọc chống giữ nguyên tư thế nghiêng đổ của cành. Sau đó thu dọn sạch tàn dư thực vật, xới phá váng mặt vườn, củng cố hệ thống cột chằng chống và giàn đỡ cây, nhất là với những vườn trồng giống táo đại (Xuân 21, Đại táo 15, Đại mật Đài Loan...) rồi dùng phân siêu lân bón gốc để kích rễ và mầm cây, kết hợp phun thuốc Zineb, Mancozeb hoặc Ridomin Gold 68WG để phòng bệnh mốc sương, thán thư, nên hỗn hợp thêm với phân bón lá giàu đạm nhằm giúp cây hồi phục nhanh.

Khi cây ra nhiều rễ tơ màu trắng và đất vườn khô ráo mới được bón phân chuồng hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh, liều lượng bón/gốc 30 - 40kg phân chuồng hay 5 - 8kg phân hữu cơ vi sinh kết hơp phun chế phẩm Canxi – Bo Master để tăng khả năng đậu quả cho đợt hoa 2 (hoa đầu đã cơ bản bị thiệt hại do mưa bão). Từ khi cây có quả non, định kỳ 15 ngày/lần bón phân nuôi quả với lượng từ 0,3 - 0,4kg/cây NPK 13 - 13 - 3 + TE (pha loãng phân với nước để tưới). Trước thu hoạch 20 - 25 ngày bón 0,2 - 0,3kg kaliclorua/gốc để tăng độ ngọt của quả.

Vườn táo Đại mật Đài Loan bắt đầu phục hồi sau khi bị ngập 1/4 cây trong 4 ngày. Ảnh: Hải Tiến.

Vườn táo Đại mật Đài Loan bắt đầu phục hồi sau khi bị ngập 1/4 cây trong 4 ngày. Ảnh: Hải Tiến.

Phòng trừ sâu bệnh: Cần theo dõi, phòng trừ kịp thời một số đối tượng dịch hại chính trên cây táo như rệp muội, sương mai, nhện đỏ và ruồi vàng. Trong đó, ruồi vàng là đối tượng gây hại nặng nhất, khó diệt trừ nhất. Để phòng ngừa ruồi vàng hiệu quả, phải áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tổng hợp, bao gồm: Không trồng xen táo với các cây trồng dễ thu hút ruồi vàng như cam, quýt, ổi, đu đủ, xoài, hồng xiêm; thu gom, chôn lấp triệt để những quả rụng dưới đất và quả còn sót lại trên cây, nhất là những quả có dấu hiệu bị ruồi vàng đục phá; treo tấm dính màu vàng bẫy ruồi trong vườn tại vị trí dưới các tán cây, cách mặt đất 1,5m và gần các quả chín hoặc những nơi ruồi vàng thường xuất hiện nhiều, mật độ treo 10 tấm dính/1.000m2 vườn, thời gian treo từ khi quả bắt đầu già tới kết thúc thu hoạch, định kỳ 12 - 13 ngày/lần thay mới tấm dính.

Ngoài ra cần treo thêm các bình bẫy ruồi vàng ở rìa vườn, tại các vị trí đầu luồng gió, cách 20 - 25m treo 1 bình, khoảng 10 ngày/lần nhỏ thêm vài giọt chất dẫn dụ mới vào tấm lưới đặt bên trong bình. Đặc biệt, việc phòng trừ ruồi vàng phải mang tính cộng đồng, các hộ trồng cây ăn quả trong cùng khu vực phải cùng áp dụng các giải pháp kỹ thuật trên mới đạt được hiệu quả phòng trừ cao.

Chú ý, có nhiều nhà vườn mua bình bẫy ruồi vàng về sử dụng không đúng cách (treo các bình ở giữa vườn, không treo ở rìa vườn và đầu luồng gió thổi) đẫn đến lợi bất cập hại, mật độ ruồi vàng tăng cao hơn vì mồi của bình bẫy mua sẵn thường gồm 2 loại, hoặc mồi protein thơm hoặc mồi pheromone dẫn dụ giới tính (đực, cái) nên khi treo bình bẫy mồi protein cuối luồng gió thổi, mùi thơm của bẫy tản mát đi nơi khác, giảm tác dụng dẫn dụ được ruồi vàng vào bình.

Mặt khác, khi treo loại bình bẫy giới tính ở giữa vườn sẽ dẫn dụ ruồi tập trung đến nhiều hơn, trong đó có ruồi cái đang mang trứng. Để có thể bay vào trong bình, ruồi phải đẻ trứng ở ngoài (tán cây) cho nhẹ thân mới dễ dàng bay vào bình, những quả trứng này sẽ nở, hoá nhộng gây hại vườn quả nặng hơn, sau trưởng thành, vũ hoá thành ruồi với mật độ cao hơn rất nhiều.

Trồng các giống đại táo cho hiệu quả sản xuất rất cao. Ảnh: Hải Tiến.

Trồng các giống đại táo cho hiệu quả sản xuất rất cao. Ảnh: Hải Tiến.

Để giảm chi phí, nhà vườn có thể lấy các vỏ chai nước lavie 350ml, cắt 1/3 tính từ nắp rồi lộn ngược phần nắp, luồn vào trong phần bình vừa cắt chừa lại, lấy băng keo dán chỗ tiếp nối cho chắc chắn, đổ một ít giấm táo (giấm khác sẽ không hiệu quả vì  không có mùi thơm) hoặc cho vài lát chuối chín, táo chín vào trong và nhỏ mấy giọt nước rửa chén, lắc đều, mang đi treo, ruồi bay vào không ra được sẽ chết. 

Nhện đỏ là đối tượng dịch hại rất nhanh kháng thuốc, cần luân phiên phun trừ bằng các loại thuốc Fier 500C, Otus 5C, dầu khoáng SK Enspray 95EC hoặc Pesieu 500C. Sử dụng thuốc theo nguyên tắc 4 đúng và theo hướng dẫn ghi trên bao gói.

Với các vườn táo bị gãy đổ nhiều và ngập toàn bộ tán cây, nên cưa bỏ cây tới cách gốc 20cm, sau vặt bỏ hết các mầm cây phát sinh, sang tháng 2 năm sau mới nuôi mầm tạo tán, cho thu quả vào cuối năm sau.

Theo ông Lê Minh Nam, Phó Chi cục Trưởng Chi cục BVTV Hưng Yên, hiện nay trên mạng quảng cáo rất nhiều loại thuốc có tác dụng xua đuổi hoặc đặc trị ruồi vàng nhưng chỉ là thông tin một chiều nhằm bán thuốc, chưa được cơ quan chuyên môn khuyến cáo sử dụng và cho phép lưu hành trên thị trường Việt Nam.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.