| Hotline: 0983.970.780

'Được mùa riêng' nhờ nuôi ong thụ phấn cho đại táo trong nhà lưới

Thứ Ba 04/01/2022 , 07:30 (GMT+7)

HẢI DƯƠNG Ruồi vàng là kẻ thù khó xử lý trong trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, kẻ thu này đã có cách trị bằng nhà lưới, kết hợp với nuôi ong thụ phấn.

Gian nan khởi nghiệp

Ở tuổi 33, anh Nguyễn Đình Luật ở xã Thanh Giang, Thanh Miện (Hải Dương) đã có trên 10 năm vật lộn tìm hướng làm giàu. Ban đầu là gần 7 năm làm hàn xì sắt thép dân dụng, nhưng vì cơ sở hàn xì ở quê, không có nhiều cơ hội phát triển nên anh Luật đã quyết định trở lại với nghề nông, trồng dưa vàng, dưa lưới.

Sau 3 năm trầy trật thâm canh, thành quả thu về cũng không được như mong muốn, bởi dưa vàng, dưa lưới vẫn là loại cây trồng xa xỉ với nhà nông. Nếu chủ vườn không có bề dày kinh nghiệm chuyên canh, thì thất bại trong trồng các loại dưa trên là điều khó tránh.

Táo trồng trong nhà màng cho năng suất, chất lượng rất đảm bảo . Ảnh: H.Tiến.

Táo trồng trong nhà màng cho năng suất, chất lượng rất đảm bảo . Ảnh: H.Tiến.

Sau nhiều ngày đêm trăn trở, lục tìm các mối quan hệ thân quen, anh Luật đã nhận được lời khuyên chuyển sang trồng cây đại táo (táo quả to). Nhưng khi vừa xuống giống gieo trồng, đã phát sinh thêm câu hỏi: Làm cách gì để ngăn ruồi vàng hại quả?

Đây là đối tượng rất nguy hiểm, nếu không có giải pháp phòng trừ hữu hiệu, mọi công sức, đầu tư cho cây táo sẽ trở thành công “dã tràng”. Khó khăn này đã được anh Luận khắc phục bằng tra cứu trên mạng, rồi tiến hành làm nhà lưới ngăn ruồi vàng xâm hại vườn cây.

Đặc biệt, để "được mùa riêng", anh Luận đã có sáng kiến nuôi ong thụ phấn cho cây trồng suốt thời kỳ nở hoa cho vườn táo trong nhà màng. Vì trong nhà lưới không có gió mạnh, ong bướm cũng không thể ra vào, cây táo không thể thụ phấn khi không gió hoặc không côn trùng (ong, bướm) bay lượn. Theo đó cây sẽ không đậu quả.

Không có những thùng ong này, táo trồng trong nhà màng sẽ không cho quả. Ảnh: H.Tiến.

Không có những thùng ong này, táo trồng trong nhà màng sẽ không cho quả. Ảnh: H.Tiến.

Để canh tác táo đạt hiệu quả cao, anh Luật còn sang Hưng Yên tìm mua cây giống, lên Hà Nội học cách ủ phân phân hữu cơ vi sinh, đến các nhà vườn chuyên táo ở Bắc Giang, Thái Bình hỏi bí quyết thâm canh cây táo đại, rồi vào tận Lâm Đồng chọn mua các loại vật tư làm nhà lưới và hệ thống tưới phun mưa tự động. Biết anh Luật có chí hướng làm giàu từ ruộng đồng, UBND huyện Thanh Miện đã động viên, hỗ trợ một phần vật tư sản xuất đầu vào. Nhờ vậy, anh càng có thêm động lực theo đuổi tận cùng ước mơ.

Khi cây đại táo "trả công" xứng đáng

Nhờ quyết tâm gắn bó với nghề làm nông, không ngừng cầu thị học hỏi, đổi mới kỹ thuật thâm canh, anh Luật đã được cây trồng “trả công” xứng đáng. Ngay trong năm đầu tiên, từ 150 gốc đại táo, anh đã thu được ngót 70 triệu đồng và thu hồi được đủ kinh phí bỏ ra ban đầu. Dự kiến năm nay, vườn của anh sẽ thu hoạch được 8.000 kg quả các loại, đã có thương lái tìm đến đặt hàng, bao tiêu toàn bộ với giá 35.000 đồng/kg, tổng doanh thu ước đạt trên 300 triệu đồng.

Táo trồng trong nhà màng kết hợp nuôi ong thụ phấn sẽ luôn cho bội mùa. Ảnh: H.Tiến.

Táo trồng trong nhà màng kết hợp nuôi ong thụ phấn sẽ luôn cho bội mùa. Ảnh: H.Tiến.

Tiết lộ kinh nghiệm sau 2 năm thâm canh đại táo, anh Luật cho biết: Đại táo là cây thích ứng rộng; cho phép canh tác trên nhiều loại đất cát pha, thịt nhẹ, thịt nặng. Nhưng nên trồng trên các chân ruộng có thành phần cơ giới nặng. Loại đất này có nhiều dưỡng chất không thể thay thế, giúp tăng cường chất lượng quả.

Mật độ trồng 850 - 900 cây/ha (70 cây/sào Bắc bộ). Sau thu hoạch quả năm đầu tiên, cách 1 cây đốn bỏ 1 cây để giảm thưa mật độ trồng xuống còn 400 - 450 cây/ha (35 cây/sào). Nên bố trí nhiều giống đại táo trong vườn như: Đại táo Thái Lan, Xuân 21 quả vàng và Đại táo Đài Loan nhằm rải vụ, kéo dài thời gian thu hoạch quả, đa dạng hóa sản phẩm.

Thực tế tại nhà vườn anh Luận, nếu chỉ trồng thuần một giống táo, thời gian cho thu quả sẽ kết thúc trong 40 - 45 ngày. Nhưng khi cơ cấu trồng 3 giống đại táo nêu trên, anh Luật đã được thu quả trên 100 ngày (từ 20/11 đến đầu tháng 2 âm lịch năm sau).

Phân hữu cơ phối trộn theo tỷ lệ và ủ kín 3 tháng, gồm: 70% phân bò + 30% phân gia cầm và 30kg Lân super, 0,5kg chế phẩm Trichoderma. Sau đó, định kỳ 45 ngày rắc mặt luống theo hình chiếu tán cây từ 5 - 7 kg/gốc. NPK bón 3 lần, mỗi lần 1kg/gốc tại các thời điểm sau trồng 1 tháng hoặc sau đốn cây; khi táo phân hóa mầm hoa và khi vừa đẫy quả. Kali trắng bón 0,2 kg/gốc chia bón 2 lần trước và sau thu hoạch lứa quả đầu 15 ngày.

Nhà lưới che phủ chống ruồi vàng cho vườn đại táo. Ảnh: H.Tiến.

Nhà lưới che phủ chống ruồi vàng cho vườn đại táo. Ảnh: H.Tiến.

Kích hoa: Bón Lân supe trước lúc cây phân hóa mầm hoa 2 lần, cách nhau 15 ngày, mỗi lần bón 0,3 - 0,5 kg/gốc, tùy theo tuổi cây.

Lý do anh Luận chọn phân bò ủ trộn với phân gia cầm là: Phân bò mát lành, nhiều chất xơ, nhiều vi sinh vật có ích, dễ sinh nhiều giun đất, giúp cải tạo đất bền vững. Phân gia cầm giàu dinh dưỡng, nhưng nóng, dễ sinh nấm bệnh và rệp hại, nếu không ủ nóng đúng kỹ thuật.

Tưới nước: Cây táo yêu cầu nước trong suốt thời kỳ sinh trường. Trong đó cần nhiều nước nhất ở giai đoạn mang quả, nhưng cần điều chỉnh liều lượng tưới theo từng thời điểm để tăng chất lượng sản phẩm, giảm thiểu nấm bệnh gây hại, như: Giảm tưới giai đoạn quả bằng hạt đậu xanh, sẽ giúp giảm độ ẩm trong vườn, giảm phát sinh nấm bệnh hại. Giảm nước khoảng gần cuối vụ thu hoach, sẽ tăng độ ngọt quả.

Cắt tỉa: Việc cắt tỉa thường xuyên cho cây táo là cực kỳ quan trọng. Không chỉ tránh lãng phí dinh dưỡng phân bón, hạn chế sâu bệnh hại, còn tăng tỷ lệ quả loại 1, tăng giá bán, tăng thu nhập. Theo đó, cần cắt bỏ hết số cành lá vô hiệu, không để các lá che khuất nhau, tạo điều kiện cho ánh sáng lọt xuống vườn cây nhiều nhất có thể.

Đồng thời, ngắt tỉa triệt để những quả sâu bệnh, quả không cân đối, quả mọc quá dầy trên cành, công việc này cần tiến hành hàng ngày, từ khi quả táo bằng hạt ngô đến trước thu hoạch lứa đầu.

Anh Luật dùng máy trộn đều các loại phân hữu cơ với phân lân và chế phấm Trichoderma rồi ủ kín để bón cho táo. Ảnh: H.Tiến.

Anh Luật dùng máy trộn đều các loại phân hữu cơ với phân lân và chế phấm Trichoderma rồi ủ kín để bón cho táo. Ảnh: H.Tiến.

Nuôi ong thụ phấn cho vườn: Tùy theo ong khỏe hay yếu. Mỗi vườn (360m2) cần đặt từ 3 - 5 thùng (3 cầu ong/thùng). Nên nuôi ong ta/ong ruồi. Ong ta chăm tìm hoa/thụ phấn hơn, ít tốn đường nuôi sau khi hết mùa hoa táo trong vườn.

Đốn cây: Ngay sau kết thúc thu hoạch quả, dùng cưa cắt bỏ toàn bộ thân cành, để lại phần thân chính của cây cao 20 cm so với mặt luống. Sang xuân, cây bật mầm sinh cành mới, tiếp tục cắt tỉa tạo bộ khung cây cân đối phân đều ra 4 hướng, chăm sóc cho ra nhiều cành cấp 2 - 3 và cành xương cá để cây cho nhiều quả. Chú ý, bắc giàn, chăng dây nâng chống đổ cho các cành quả.

Phòng trừ sâu bệnh hại: Làm nhà phủ lưới là biện pháp tốt nhất chống ruồi vàng hại quả. Ngoài ra, cần phòng trừ kịp thời sâu bệnh khác như nhện đỏ, rệp sáp, phấn trắng, thán thư. Ưu tiên phòng trừ bằng thuốc có nguồn gốc sinh học.

Khi sâu bệnh hại tới ngưỡng kinh tế (theo quy định), có thể phun trừ bằng thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong danh mục nhà nước cho phép dùng trên rau quả an toàn, và phải đảm bảo thời gian cách ly tối thiểu ghi trên bao gói.

“Tháng 8 - 10 (âm lịch) vừa qua, trời có mưa kéo dài liên tục. Các ngày 12; 13/11 lại có thêm sương muối, làm cho các vườn táo bị trút hoa đồng loạt hoặc không thụ phấn, và nám vỏ quả. Cùng với ruồi vàng hại quả, gây nên hiện tượng mất mùa táo diện rộng. Riêng các nhà vườn làm nhà lưới che phủ và nuôi ong thụ phấn cho cây, vẫn sai hoa, nặng quả” - Nhật ký trồng táo của anh Luật.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.