| Hotline: 0983.970.780

'Quả bom' rung chuyển làng giống

Chủ Nhật 06/12/2015 , 06:15 (GMT+7)

Sau “quả bom” chuyển nhượng bản quyền giống 10 tỉ đồng, cả giới khoa học lẫn giới kinh doanh giống trở nên rung chuyển, ngả hướng theo việc chọn tạo gắn với thực tế hơn…

Duyên tiền định

Tôi còn nhớ rõ, sáng 1/6/2008, Phòng Nghiên cứu ứng dụng ưu thế lai, Viện Sinh học Nông nghiệp, ĐH Nông nghiệp Hà Nội nay là Học viện Nông nghiệp VN chật hẹp mà ấm cúng.

Trên tường không băng rôn, trên bàn chẳng có sâm banh hay rượu vang đỏ mà chỉ vỏn vẹn ấm nước chè và một lọ hoa cúc đại đoá chừng dăm bông...

Cả chủ lẫn khách đâu đó chừng sáu bảy người, kể cả tôi. PGS.TS Nguyễn Thị Trâm vẫn cái dáng sạm đen, rắn rỏi ấy của những khi quần xắn móng lợn, ì oạp lội ruộng nghiên cứu lúa bỗng trở nên lúng túng như một cô dâu mới về nhà chồng.

Thì ai đã quen với chuyện lạ lẫm bán bản quyền giống bao giờ? Nhất là khi cái bản quyền ấy được ngã với cái giá kinh hoàng 10 tỉ?

Nếu ví như chuyện trước đó, PGS.TS Nguyễn Văn Hoan bán bản quyền giống Việt lai 20 cho Cty CP Kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao Hải Phòng với giá vài trăm triệu là một quả lựu đạn thì chuyện bà Trâm bán bản quyền lần này khác nào một quả bom cỡ đại nổ giữa thanh thiên bạch nhật.

Sóng xung kích của nó còn rần rật rung mãi, thổi táp về sau trong giới khoa học, giới kinh doanh giống cũng như công luận.

Bảy năm sau, khơi lại chuyện cũ, bà vẫn kể rành rọt: "Trước khi có sự kiện bán bản quyền giống trên tôi có đọc loạt bài trên Báo Nông nghiệp Việt Nam với tựa đề “Bản quyền ai bán, ai mua?” của Trường Giang. Vấn đề có vẻ khá bi quan. Được, nếu thế thì tôi sẽ bán bản quyền, sẽ mời báo đến chứng kiến".

Có chuẩn bị gì đâu? Bà bảo nói thật lúc ấy vẫn chưa quen thân Đoàn Văn Sáu (Giám đốc Cty TNHH Cường Tân, Nam Định) - người mua bản quyền của TH3-3. Trước đó, TH3-3 phát triển được nhờ anh Nguyễn Văn Tùng ở Cty Giống cây trồng Hải Phòng trước là sinh viên của trường.

"Năm 2007, Tùng lên đây học thạc sĩ, thấy bà Phạm Thị Cằng, Giám đốc CP Kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao Hải Phòng đã sử dụng Việt lai 20 rồi mới bảo tôi rằng, Tùng muốn kết hợp để chuyển giao TH3-3. Tùng có ý định cùng phát triển giống với tôi chứ không có ý định mua đứt bán đoạn.

Việc phát triển giống chủ yếu ở các tỉnh miền núi như Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái…Có khoảng 10 công ty khác nhau mua hạt bố mẹ của TH3-3 để sản xuất, chỗ ít 2 ha, chỗ nhiều 10 ha.

Tùng rất nhiệt tình thế nhưng Sở Nông nghiệp-PTNT Hải Phòng lại có ý định lấy anh làm cán bộ nguồn và cổ phần hóa Cty Giống cây trồng Hải Phòng. Một thời gian sau anh chuyển sang làm Phó Giám đốc Sở KH-CN rồi được điều về cơ sở làm Chủ tịch huyện Tiên Lãng.

Đoàn Văn Sáu mua bố mẹ TH3-3 qua Công ty Giống cây trồng Hải Phòng, tổ chức sản xuất và bán được. Sáu mới quen với mấy học trò của tôi liền gạ tôi bán bản quyền. Tôi bảo cứ lên đây.

Đợt đấy đang thiếu giống lúa lai, Sáu mang tiền lên biên giới để mua hàng của Trung Quốc nhưng trục trặc gì đấy nên mới về tính chuyện mua giống TH3-3. Tôi thông báo với thầy Trần Đức Viên, Hiệu trưởng nay thầy đã nghỉ hưu - người phụ trách dự án lúa lai thì ông nói: Của cô làm ra, cô cứ bán".

dsc-9840094142340
Sản xuất hạt lai F1 tại Cường Tân

Tuy vậy mọi chuyện vẫn chưa hoàn toàn xuôi chèo mát mái. Lúc ấy là đầu tháng 5 - thời điểm chuẩn bị tung giống đi bán. Cũng khá phiền bởi nhiều công ty giống là những người bạn đã đồng hành với bà Trâm vài ba vụ nay trong sản xuất TH3-3.

Họ đã đăng ký, chuẩn bị đến lấy giống theo kế hoạch mà giờ đây bà khoanh lại bán cho anh Sáu thì phải đi giải thích với từng công ty một cũng mệt lắm!

"Anh Sáu nói chắc như đinh đóng cột, tôi bảo phải đặt ở đây một số tiền thì anh đặt luôn. Tôi ngạc nhiên vì nêu 10 tỉ anh đồng ý, đòi đặt cọc anh nộp luôn 900 triệu. Số tiền lúc ấy to lắm, có thể thu được toàn bộ số lượng dòng bố mẹ của TH3-3 lại. Anh này trẻ trung mà ghê thật!

Anh Sáu bảo tôi: “Cô cố gắng làm vào ngày 1/6 cho con cho đẹp ngày!”. Không ngờ buổi lễ đơn giản thế nhưng vì có các bạn Báo Nông nghiệp Việt Nam đến mà bung lên được", bà Trâm tâm sự.

Bùng nổ

Sau đó thông tin bùng nổ. Ngay cả những báo, truyền hình lớn vốn trước đây không quan tâm gì đến lúa ngô khoai sắn cũng nhảy vào cuộc.

Chương trình “Sức sống mới” ở trong TP.HCM mua cả vé máy bay, đặt phòng khách sạn sẵn để mời bà Trâm vào. Bà hỏi tại sao biết, thì họ nói: “Nhờ bài đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam chúng em mới biết, mới thấy là hiện tượng hay quá nên mời chị vào!”.

Trong nước đã đành, nước ngoài cũng biết. Ông Chủ tịch Hội giống cây trồng của Thái Lan đích thân gửi email cho bà: “Tôi biết là bà đã bán được một bản quyền trị giá 600.000 USD nên muốn mời bà sang để nói chuyện với các nhà chọn giống Thái Lan”.

Bà viết thư trả lời: “Tôi rất kính trọng nền chọn giống của Thái Lan, chuyện này ở Việt Nam lần đầu tiên, tôi không có kinh nghiệm gì nên xin ông thứ lỗi”.

Nhưng sau đó ông này vẫn quyết tâm mời bằng được nên bà mới cùng một học trò đi Thái Lan một tuần, qua rất nhiều trường đại học để hội thảo cho cán bộ ngành chọn giống và sinh viên nông nghiệp.

Bà cười: “Có truyền thông mới nhanh được như thế. Từ “anh” này lan sang “anh” khác. Cũng từ đấy Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng hoạt động mạnh hơn, nhất là ở trong Nam”.

Nổi quá nên người trong và ngoài ngành đồn thổi là bà Trâm và anh Sáu chơi trò PR nhau qua phương tiện báo chí. Một số người còn nghi Sáu là người Nam Định, còn quê chồng bà Trâm cũng Nam Định nên có khi Sáu là bậc con cháu cùng cô PR "đánh bóng" giống.

Ngay ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (nay đã nghỉ hưu) đúng dịp ấy đi nước ngoài, lúc về thấy mọi người bàn chuyện bản quyền 10 tỉ, ông xuống tận Nam Định kiểm tra và bảo với bà Trâm: “Em nói với cô nhá! Cô đã về thăm nhà Sáu chưa?”.

Bà hồn nhiên: “Chưa, thế có chuyện gì?”. Ông Ngọc tiếp: “Cô có biết nhà nó thế nào không? Là một cái nhà cấp bốn lợp vớ va vớ vẩn để bán thuốc sâu mà cô dám bán bản quyền cho nó 10 tỉ”.

Cũng theo lời bà Trâm, lẽ ra chuyện trả tiền bản quyền chỉ độ 3 năm là xong nhưng năm 2010 do thiên tai ảnh hưởng đến chuyện sản xuất ở Quảng Nam nên tạm thời dừng lại đến năm 2013 mới trả hết. Số tiền 10 tỉ ấy, phần nộp thuế (mất 1 tỉ), nộp cho trường còn bà được khoảng 1/3.

Trước sự nhiệt tình của ông Cục trưởng, bà chỉ bảo: “Không, xét về lý thì mình không có tư cách pháp nhân để kiểm tra tài chính nhà Sáu. Mình bán ở đây là bán bản quyền chứ có bán cái gì đâu? Bán cái xe, anh ấy vù đi mất là không thu được còn bán bản quyền không lo.

Mình quản bằng cách là nếu như anh “bùng” thì bố mẹ tôi vẫn còn nguyên, Sáu làm sao nhân được? Sáu chỉ sản xuất được mỗi vụ đó thôi còn vụ sau mình lại bán cho công ty khác, chẳng mất cái gì cả. Số tiền đặt cọc đã đủ chi phí cho bố mẹ vụ này rồi”.

Những người định hướng

Bà bảo có mấy người ảnh hưởng đến nghề chọn tạo giống của mình. Thứ nhất là người thầy, GS Lương Định Của - nguyên Viện trưởng Viện cây Lương thực & cây thực phẩm dạy cách chọn giống kiểu truyền thống ngoài đồng, vì thời ấy còn tơi bời khói lửa, không có phòng thí nghiệm, không có cơ sở vật chất gì.

Sau này, quãng thời gian hòa bình, bà gắn với lúa lai là bởi ông Nguyễn Công Tạn lúc ấy là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Năm 1993 nhân chương trình đào tạo của FAO ở Trung Quốc ông Tạn mới tuyển một số người có kinh nghiệm nhất định về chọn tạo giống ngoài đồng để đi học về lúa lai.

dsc-0621094142911

Vị Bộ trưởng đến tận nơi giao từng người phải học những gì. Bàn Trâm làm giảng dạy nên ông giao phải đưa lúa lai vào giáo trình đại học.

 Ông Trần Khánh Bình thì sản xuất lúa lai còn ông Nguyễn Như Hải, ông Phạm Ngọc Lương, bà Nguyễn Thị Gấm tạo giống. Thực hiện đúng lời dặn, năm 1995 bà viết được quyển “Chọn giống lúa lai” cho sinh viên tham khảo đồng thời đưa một chương lúa lai vào giáo trình.

Bà tâm sự, trước đây mải mê giảng dạy nên đọc báo chỉ biết có gì mới để giảng dạy cho cập nhật. Đến khi làm nghiên cứu chọn tạo giống mới quan tâm, say mê đọc Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhất là những loạt bài mang tính chuyên đề hay là phóng sự điều tra.

72 tuổi vẫn ngày ngày từ nhà trong nội đô bắt ba tuyến xe bus mất 1,5 giờ mới đến được cơ quan để lội ruộng, nghiên cứu lúa lai. Bà quả không làm hổ danh những người thầy đã từng hướng đạo.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Ninh Thuận xây dựng 2 phương án sản xuất vụ hè thu

Trước tình hình nắng nóng kéo dài, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng kế hoạch sản xuất vụ hè thu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với khô hạn.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.