Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL. Từ năm 2012 đến nay, nông dân tỉnh Long An đã mạnh dạn chuyển đổi trên 18.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đất phèn trên vùng Đồng Tháp Mười sang trồng sầu riêng, mít, bưởi da xanh, chanh không hạt, thanh long... thu về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Qua đó đã góp phần rất lớn trong việc xây dựng nông thôn mới (NTM) trên vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An.
Huyện Tân Thạnh tỉnh Long An là địa phương nằm trên vùng đất phèn của Đồng Tháp Mười. Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết số 21 và Kết luận số 28, nông dân đã chuyển đổi hơn 1.000ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng sầu riêng cơm vàng hạt lép, bưởi da xanh, chanh không hạt, mít thái… cải thiện thu nhập đáng kể góp phần xây dựng xã NTM nâng cao.
Ông Trần Văn Dùng (ấp Cây Sao, xã Tân Lập, Tân Thạnh, Long An) vui mừng nói: Việc Nhà nước đầu tư hệ thồng thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt đã giúp cho bà con Tân Lập chuyển đổi sản xuất từ cây lúa sang trồng sầu riêng đạt hiệu quả kinh tế rất cao. Bình quân, một héc-ta sầu riêng 5 năm tuổi trở lên cho thu nhập cao gấp 3ha trồng lúa.
Bây giờ cứ đến mùa xâm nhập mặn, cán bộ nông nghiệp thường xuyên đo độ mặn và thông báo trên loa truyền thanh xã để cảnh báo cho bà con nên rất yên tâm sản xuất. Khu vực ấp Cây Sao, xã Tân Lập này giờ trồng sầu riêng rất tốt. Cứ cái đà kiểm soát tốt việc xâm nhập mặn, chủ động ứng phó nước vào nội đồng thì bà con sẽ mở rộng toàn diện tích lên đến 700ha.
Ông Trần Minh Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh (Long An) cho biết: Trước đây vùng đất này là vùng phèn. Sau khi đưa vào vận hành trạm bơm, kiểm soát được nước mặn nội đồng đã nhanh chóng rửa phèn rất tốt. Hiện nay, diện tích cây ăn trái trên toàn xã đã phát triển được khoảng 350ha. Mít là cây chủ lực nên diện tích nhiều nhất, kế đó là sầu riêng, chanh, bưởi. Giải pháp công trình để kiểm soát mặn, trữ nước ngọt cho cây ăn quả đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cây ăn trái phát triển ổn định đã góp phần hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.
Hiện nay, thu nhập của bà con xã Tân Lập được nâng lên đó là nhờ chuyển đổi cây ăn quả. Hiện tại, xã Tân Lập đang triển khai xã NTM nâng cao. Thu nhập trung bình của người dân trên địa bàn xã khoảng 62 triệu đồng/người/năm. Định hướng của địa phương trong năm 2022 sẽ nâng lên 70 triệu đồng/người/năm.
Hiện tại, huyện Tân Thạnh cũng quy hoạch Tân Lập là vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp với du lịch miệt vườn. Địa phương đang đầu tư mở rộng hệ thống giao thông trên địa bàn xã để đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Sở NN-PTNT Long An hỗ trợ HTX Nông nghiệp Resfuot Tân Thạnh (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, Long An) xây dựng kho 5.000m2 để thu mua trái cây và giải quyết đầu ra cho bà con.
Ông Lê Văn Tại, Giám đốc HTX nông nghiệp Resfuot Tân Thạnh (xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, Long An) cho biết: Tân Thạnh đang chuyển mình từ vùng đất phèn sang trồng cây ăn trái. Tiềm năng phát triển kinh tế của cây bưởi và chanh là hướng đi của HTX. Ngay từ ngày bắt đầu chuyển đổi HTX định hướng phát triển cho cây chanh, cây bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ. Chỉ có hữu mới làm được đúng chuẩn cho thị trường Châu Âu.
Đến nay, toàn tỉnh Long An có 101/161 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 62,7% tổng số xã toàn tỉnh. 01 Huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM và thành phố Tân An được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Thị xã Kiến Tường và huyện Tân Trụ đang hoàn tất hồ sơ chờ thẩm định để công nhân hoàn thành chương trình xây dựng NTM.