Chiều 16/10, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) tổ chức Hội thảo chia sẻ kiến thức, phổ biến các quy định mới xoay quanh việc thực hiện Nghị định số 70 (Nghị định sửa đổi Nghị định 152 về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam).
Theo đó, ngày 18/9, Chính phủ ban hành Nghị định số 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm cho biết vấn đề quản lý lao động nước ngoài được Chính phủ, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm bởi đây là lực lượng quan trọng đóng góp trực tiếp cho thị trường lao động Việt Nam.
Cũng theo ông Bình việc sửa đổi, bổ sung các điểm mới cho Nghị định 70 (sửa đổi Nghị định 152 về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam) là hoàn toàn cấp thiết, từ đó giúp giảm bớt các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo được quy định pháp luật, minh bạch cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động.
Ông Bình chia sẻ, trong quá trình triển khai Nghị định, Cục cũng đã tiến hành tập huấn cho các sở trong cả nước. Ngoài ra cũng tiến hành đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe, điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
Chia sẻ thêm nhiều điểm mới trong Nghị định, bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết Nghị định 70 đã sửa đổi về điều kiện cấp giấy phép lao động đối với các vị trí công việc. Theo đó, chuyên gia nước ngoài là người tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc phù hợp với vị trí mà họ dự kiến làm tại Việt Nam.
Về việc giám đốc điều hành là người thuộc một trong các trường hợp sau đây: Người đứng đầu chi nhánh, trưởng văn phòng đại diện hoặc địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp; người đứng đầu và trực tiếp điều hành ít nhất một lĩnh vực của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chịu sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bà Quyên cho biết:
"Trưởng văn phòng đại diện là vị trí quản lý không phải chuyên gia. Với tính chất lao động làm việc ở nhiều nơi, không cố định, chỉ ngắn ngày thì có thể làm đơn cử đi công tác. Trong trường hợp nếu lao động làm nhiều nơi thời gian dài, muốn cập nhật thì phải làm đơn lên Cục Việc làm đề nghị cấp lại giấy phép".
Còn đối với lao động kỹ thuật, được đào tạo ít nhất 1 năm và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định về sử dụng người lao động nước ngoài.
Cụ thể, về xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài, trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được, và báo cáo giải trình với Bộ hoặc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc.
Tính đến tháng 6/2023, cả nước có hơn 121.000 lao động nước ngoài đang làm việc. Trong thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đã có nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.