| Hotline: 0983.970.780

Quản lý nước và dinh dưỡng cho lúa đông xuân: Vụ lúa trong mơ

Thứ Sáu 15/01/2010 , 11:06 (GMT+7)

Những ngày này xuống các tỉnh ĐBSCL tới bất cứ đâu cũng gặp một màu xanh mơn mởn của lúa thì con gái. Chưa bao giờ người dân đồng bằng lại chắc mẩm một vụ ĐX bội thu như vụ ĐX này.

Những ngày này xuống các tỉnh ĐBSCL tới bất cứ đâu từ Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Long An xuyên qua Đồng Tháp về Thoại Sơn, Bảy Núi - An Giang, qua Hòn Đất, Kiên Lương - Kiên Giang đâu cũng gặp một màu xanh mơn mởn của lúa thì con gái. Chưa bao giờ người dân đồng bằng lại chắc mẩm một vụ ĐX bội thu như vụ ĐX này.

Theo thống kê diện tích vụ ĐX này suýt soát 1,5 triệu ha, trong đó chỉ vào khoảng 0,2 triệu ha xuống giống đợt 1 (cuối tháng 11) còn lại đại bộ phận được xuống giống tập trung trong khoảng thời gian từ giữa đến cuối tháng 12. Như vậy, so với các năm trước diện tích “ló đuôi” sang đợt 3 không đáng kể.

Có được mức độ xuống giống tập trung né rầy đồng loạt như vậy ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Nông nghiệp, sức hấp dẫn của giá lúa đang hứa hẹn ở mức cao còn có yếu tố thời tiết vì mưa năm nay dứt sớm, diện tích phải bơm tát để kịp xuống giống không đáng kể. Hơn thế nữa, sau nhiều năm gây khó cho người thì dịch rầy nâu cũng đang tạm lui, theo Cục BVTV, toàn vùng hiện chỉ có 4.800 ha nhiễm rầy ở các mức độ khác nhau, chỉ chiếm 0,003%, thấp hơn mức độ nhiễm rầy của năm ngoái đến 10 lần, hơn thế nữa, sức sống của quần thể RN như yếu hơn, ít độc hơn và bệnh VL, LXL hình như không xuất hiện.

Việc xuống giống tập trung dứt điểm vào tháng 12 được coi là “thời điểm vàng” vì cây sẽ nhận được lượng bức xạ mặt trời cao nhất, chất lượng tốt nhất trong năm nên càng có cơ hội đạt năng suất cao.

Mặc dù lúa ĐX còn một mối đe dọa khác là hạn và nhiễm mặn vào cuối vụ nhưng việc xuống giống tập trung được sớm, mức độ gây hại chắc không nhiều nên có thể coi đây là “vụ lúa trong mơ”. Hiệp hội Lương thực VN đã đưa ra kế hoạch tiêu thụ 3 triệu T gạo lúa ĐX (nếu không có thiên tai thì dự kiến cả năm xuất khoảng 6,9 triệu T) với giá sàn tiên liệu là 4.500 đ/kg và có thể biến động lên 5.500 đ/kg.

Mặc dù hội được nhiều điều kiện thuận lợi để đạt được vụ ĐX đại thắng trên cả 3 mặt diện tích, năng suất và sản lượng, tuy nhiên trong giai đoạn lúa con gái này cần đòi hỏi sự chăm sóc chu đáo trong đó nước và dinh dưỡng là 2 yếu tố hàng đầu.

QUẢN LÝ NƯỚC

Không biết vì có phải các cơ quan khuyến nông đang đẩy mạnh chương trình 5 phải 1 giảm cải tiến từ chương trình 3 giảm 3 tăng không mà vấn đề quản lý nước lại được nhiều nông dân quan tâm. Theo kinh nghiệm của anh Mai Chí Hiếu (TT Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang) trong giai đoạn lúa đẻ nhánh cần giữ nước ở mức độ vừa phải (ngập khoảng 5 cm), có nước kèm theo thúc phân thì cây sẽ đẻ nhánh khỏe, đẻ nhánh tập trung và số chồi hữu hiệu cao.

Theo PGS. TS Dương Văn Chín, PVT Viện lúa ĐBSCL thì cây lúa có thể chịu được nước ngập suốt vụ nhưng không có nghĩa là cây lúa lúc nào cũng cần nước ngập trên mặt ruộng. Rút cạn nước rễ lúa vẫn có thể tiếp tục hút lượng nước nằm trong các lỗ hổng, mạch mao dẫn trong đất. Vào lúc 30 ngày sau khi sạ, nên nhanh chóng tháo toàn bộ nước mặt ra khỏi ruộng.

Việc để khô ruộng ở giai đoạn 30 NSS có thể tiết kiệm một đến hai lần bơm nước. Ưu điểm của việc rút nước lúc này là: các chất hữu cơ độc hại hòa tan trong dung dịch đất được di chuyển khỏi vùng rễ lúa, đất được thoáng khí thì chất H2S tích tụ trong quá trình ngập nước sẽ được oxid hoá và dẫn đến giảm ngộ độc. Hệ thống rễ được kích thích tạo ra các rễ mới, rễ mọc xuống đất sâu hơn, giảm đổ ngã cho lúa khi có gió bão. Khi nước cạn, các lá ủ bên dưới sẽ khô nên gốc lúa sạch, tiểu khí hậu tốt, giảm sâu bệnh.

Nhắn bạn: 0975020406 giải nhất (2 bao phân Đầu trâu TE Agrotain); 01234876566, 01234877434 giải khuyến khích (mỗi giải 1 bao phân Đạm hạt vàng Đâu trâu 46 A+) liên hệ BTC để nhận giải.

Cách đơn giản và hiệu quả nhất để xem mức độ khô của ruộng bằng cách đóng ống nhựa trong ruộng để biết thời điểm phải bơm nước vào. Ống nhựa có đường kính khoảng 15 cm, dài 30 cm, có khoan nhiều lỗ thủng bên hông, chôn sâu xuống ruộng 20 cm, phần ống còn nhô khỏi mặt đất 10 cm. Móc toàn bộ đất sình trong ống ra. Quan sát khi nào mực nước trong ống hạ xuống cách mặt đất ruộng 15 cm thì bơm nước vào ngập ruộng trở lại. Cây lúa cần rất nhiều nước ở giai đoạn tượng khối sơ khởi lúc 40-45 ngày sau sạ. Đến giai đoạn này mà trong ống mực nước vẫn chưa hạ xuống đến 15 cm, chẳng hạn chỉ đến 10 cm, thì cũng cần bơm nước vào lại, hơn nữa lúc này cần có nước trong ruộng để bón phân đón đòng.

Trước khi thu hoạch cần rút nước cạn ruộng để lúa dễ chín và gặt dễ dàng. Đối với vùng đất thịt hoặc thịt pha cát ven sông, rút nước cạn khoảng một tuần trước khi thu hoạch. Đối với đất sét nặng, nhiều chất hữu cơ, lầy thụt, nên rút cạn toàn bộ ruộng khoảng 15 ngày trước khi thu hoạch.

QUẢN LÝ DINH DƯỠNG

Theo GS.TS Mai Văn Quyền, nguyên PVT Viện KHKTNN Miền Nam, lượng phân bón được khuyến cáo cho 1 ha lúa ĐX vùng ĐBSCL thông thường 80 – 100 kg N, 30-40 kg P2O5 và 30-40 kg K2O. Với lúa sạ thì nên chia làm 3 lần bón, lần 1: 5-7 ngày sau sạ bón 20-30% N, 40-50% P2O5 và 30% K2O; lần 2: 20-25 ngày sau sạ, bón 30-40% N, bón hết lân còn lại và lần 3: 40-45 ngày sau sạ bón nốt số đạm và kali còn lại. Trong 3 lần bón thì lần bón thứ 2 sẽ quyết định năng suất nhất bởi đây là lúc cần cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây đẻ nhánh. Tuy nhiên tùy từng điều kiện cụ thể mà có thể gia giảm cho phù hợp. Biện pháp tốt nhất là sử dụng bảng so màu lá lúa vì đại đa số các giống sử dụng ở vụ ĐX chính vụ đều có thời gian sinh trưởng từ 90-100 ngày, có chế độ dinh dưỡng giống nhau. Khi so nếu độ xanh của lá dưới mức số 3 thì nên bón bổ sung 35 kg N/ha (khoảng 70 kg u rê), nếu giữa mức 3 và 4 thì cần bón bổ sung 30 kg N/ha (khoảng 60 kg u rê), nếu xanh đậm hơn mức 4 thì cần bón 15-20 kg N/ha.

GIẢI ĐÁP VỀ DINH DƯỠNG 

Ông Nguyễn Thanh Hải, xã Vọng Sơn, Thoại Sơn – An Giang: Hiện nay Bình Điền có sản phẩm Đầu trâu Agrotain. Xin hỏi sử dụng như thế nào? Bón phân đón đòng nên sử dụng loại gì cho chắc hạt? Có cần bổ sung phân bón lá không?

KS Phan Thanh Tâm, Cty Phân bón Bình Điền:

+ Nhận sự chuyển giao của các nhà khoa học Mỹ, phân bón Bình Điền đã sản xuất và cung ứng loại phân đạm đầu trâu hạt vàng 46 A+ rất có hiệu quả vì tiết giảm phân đạm được 20-25%. Hiện nay Bình Điền tiếp tục ứng dụng thành tựu trên để sản xuất phân Đầu trâu TE Agrotain có công thức NPK là 25-20-10, ngoài ra còn có các chất trung vi lượng và chất chống thất thoát đạm. So với các phân NPK trước đây thì lượng sử dụng Đầu trâu TE Agrotain ít hơn, cụ thể bón đợt 1 (7 NSS) chỉ cần 10 kg/công, bón đợt 2 (18-20 NSS) bón 15 kg/công. Còn đợt 3 (đón đòng 40-45 NSS) thì có thể sử dụng phân đạm hạt vàng 46 A+ phối hợp với kali nhưng tốt nhất nên sử dụng Đầu Trâu TE 02 có công thức NPK là 18.4.22 ngoài ra còn có các trung vi lượng mà nhất là Bo và kẽm rất cần thiết cho giai đoạn này.

Lê Văn Điều, Kế Sách – Sóc Trăng: Lúa tôi chuẩn bị bón phân đợt 2 thì khô nước. Nên xử lý như thế nào?

+ Tạm thời sử dụng phân bón lá để duy trì, nên sử dụng phân bón lá Đầu trâu 005 vì đây là phân có hàm lượng đạm cao, đợi đến khi có nước thì tiếp tục bón phân đẻ nhánh bình thường. Tuy nhiên nếu dự đoán 3-4 ngày có nước thì có thể bón ngay Đạm hạt vàng 46 A+ vì chúng có hoạt chất chống thất thoát nên khi đủ ẩm thì cây có thể sử dụng được ngay.

Hoàng Ngọc Trang, Kế Sách, Sóc Trăng: Lúa 30 ngày xiết nước theo khuyến cáo thì có ảnh hưởng như thế nào đến bệnh cháy lá (đạo ôn)?

 ThS. Lê Quốc Cường, PGĐ TTBVTV Phía Nam:

+ Nếu ruộng để quá khô, khô khốc và ruộng bón dư đạm, bệnh cháy lá đang phát triển thì bệnh cháy lá sẽ trầm trọng hơn còn trong điều kiện cây lúa khoẻ bình thường thì chúng ta rút nước rồi bơm lại sẽ không ảnh hưởng gì.

Huỳnh Phú Hữu, Chợ Mới, An Giang: Bón phân cho lúa IR 50404 và OM 1490 có gì khác nhau? Nên sử dụng phân đón đòng như thế nào? Có cần xịt thuốc kích thích nuôi hạt? Làm thế nào để chống rụng khi thu hoạch?

TS Chu Văn Hách, Trưởng BM Kỹ thuật canh tác Viện Lúa ĐBSCL:

+ Chế độ phân bón cho IR 50404 và OM 1490 là như nhau vì chúng cùng thời gian sinh trưởng. Nên sử dụng phân đón đòng có tỷ lệ đạm và kali cao, không cần đến lân; nếu đã đủ phân gốc thì không cần phải bón thuốc nuôi hạt. Khắc phục rụng hạt bằng cách đừng để quá chín, nên thu hoạch ở thời điểm từ 25 – 27 ngày sau trổ, thu trước thì năng suất giảm, thu trễ thì sẽ rụng nhiều và bị vỡ nhiều khi xay chà.

Xem thêm
1.000 học sinh trải nghiệm giáo dục 'Chung tay bảo vệ chó mèo'

HÀ NỘI Sáng 10/1, hơn 1.000 học sinh Trường Tiểu học Đan Phượng (Hà Nội) háo hức tham gia ngày hội trải nghiệm giáo dục với chủ đề 'Chung tay bảo vệ chó mèo'.

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.