| Hotline: 0983.970.780

Quần thể gỗ hương quý hiếm ở thành phố Pleiku bị 'xẻ thịt'

Thứ Ba 18/08/2020 , 17:02 (GMT+7)

Chính quyền địa phương không hề hay biết khi quần thể gỗ giáng hương quý hiếm của TP.Pleiku bị các đối tượng 'xẻ thịt' đem đi bán.

Những cây gỗ giáng hương bị 'xẻ thịt' chưa kịp mang đi

Những cây gỗ giáng hương bị "xẻ thịt" chưa kịp mang đi

Ngày 18/8, sau khi nhận được nguồn tin có một quần thể gỗ hương (nhóm I) đang bị các đối tượng 'xẻ thịt' nghiêm trọng tại làng Dê, xã Gào, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai, phóng viên Báo Nông Nghiệp Việt Nam đã kịp thời có mặt tại hiện trường ghi nhận vụ việc.

Từ trung tâm làng Dê, men theo con đường đất đỏ, băng qua khu vườn điều của người dân, một quần thể gỗ giáng hương quý hiếm còn sót lại của TP.Pleiku hiện ra trước mắt. Đi được vài chục mét, chúng tôi phát hiện một nhóm người đang hì hục dùng máy cưa đốn hạ những cây gỗ hương với đường kính khoảng 50-60cm. Lo sợ quần thể gỗ quý hiếm bị tàn phá chúng tôi đã ngay lập tức báo cho UBND xã Gào cũng như Chi cục Kiểm lâm Gia Lai để có biện pháp kịp thời ngăn chặn.

Ngay sau khi cùng với chính quyền địa phương vào hiện trường, chúng tôi ghi nhận khu vực xảy ra khai thác gỗ hương nằm tại rẫy điều của ông Rơ Châm Bo (làng Dê, xã Gào). Quần thể gỗ giáng hương có khoảng hơn 100 cây, với kính thước cây lớn nhất có đường kính khoảng 70 cm được nằm xen kẽ trong rẫy vườn điều.

Tại hiện trường phóng viên ghi nhận có một số cây mới bị cưa, chưa kịp cắt xẻ, lá vẫn còn xanh. Bên cạnh đó, có những cây đã bị đào cả gốc rễ, hiện trường còn xót lại là những đám lá khô. Bên cạnh đó, có nhiều cây gỗ khác mà đối tượng đã đào sâu xuống gốc nhưng chưa kịp cưa hạ.

Sau khi kiểm đếm, có ít nhất 5,6 cây giáng hương đã được các đối tượng “xẻ thịt” mang đi. Chưa kể, còn rất nhiều cây gỗ giáng hương khác đã được đánh dấu đỏ và số trên thân cây, có thể đã được chốt giá bán.

Hiện trường gỗ giáng hương mới bị đốn hạ

Hiện trường gỗ giáng hương mới bị đốn hạ

Ông Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch UBND xã Gào cho biết, khu vực xảy ra vụ cưa hạ gỗ giáng hương nằm ở địa giới hành chính xã Gào thuộc phần đất rẫy của người dân nhưng không thuộc quy hoạch 3 loại rừng của xã.

Liên quan đến việc xẻ gỗ giang hương, UBND xã không phát hiện và cũng chưa từng xác nhận cho các vụ mua bán này.

Một cây gỗ giáng hương đang bị đào gốc

Một cây gỗ giáng hương đang bị đào gốc

Ông Thanh xác nhận, đây là quần thể hương quý hiếm còn lại của xã Gào và TP.Pleiku. Chính vì vậy, dù nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng thì cũng không cho mua bán gỗ giáng hương để bảo tồn nguồn gen quý hiếm của loại gỗ này”, ông Thanh nói và cho biết đã chỉ đạo lập biên bản đình chỉ khai thác.

Theo ông Thanh, gỗ giáng hương sau khi được “xẻ thịt” không vận chuyển qua xã vì đã có chốt chặn. Có thể, gỗ được chở theo hướng về xã Ia Pếch, huyện Ia Grai. Về số gỗ giáng hương đã trót cưa hạ nhưng chưa kịp chở đi, ông Thanh nói, xã sẽ làm báo cáo về UBND TP Pleiku và Chi cục Kiểm lâm để có hướng xử lý.

Ông Thanh cũng thừa nhận, do địa bàn khá rộng nên rất khó quản lý nguồn gỗ quý hiếm này.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

C.P. Việt Nam bàn giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết

Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam vừa phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ Tà Thiết, ban giao dự án trồng và chăm sóc rừng tại Tà Thiết.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.